Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi thanh hóa qua kênh phân phối hiện đại

Ngô Chí Thành (Trường Đại học Hồng Đức)

Tóm tắt:

Khu vực miền núi Thanh Hóa là địa bàn rộng lớn, có các nông sản đặc trưng, đặc sản phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao và có khả năng tiếp cận kênh phân phối hiện đại. Trong những năm gần đây, các nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi Thanh Hóa đã được quan tâm phát triển và tiêu thụ trên thị trường, tuy nhiên chủ yếu được tiêu thụ qua kênh phân phối truyền thống, chỉ một số ít các sản phẩm tiếp cận kênh phân phối hiện đại. Xuất phát từ thực tiễn trên, bài báo phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi Thanh Hóa qua kênh phân phối hiện đại.

Từ khóa: Nông sản đặc trưng, đặc sản, miền núi Thanh Hóa, kênh phân phối hiện đại.

1. Mở đầu

Khu vực miền núi Thanh Hóa có diện tích 853.148,7 ha (chiếm 76,77% diện tích tự nhiên toàn tỉnh) bao gồm 11 huyện (Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát) và 7 huyện giáp danh có xã miền núi. Đây là khu vực sản xuất có nhiều tiềm năng, thế mạnh với các nông sản phong phú, đa dạng, nhiều sản phẩm là đặc trưng, đặc sản của vùng có giá trị kinh tế cao.

Nhìn chung, với điều kiện tự nhiên của khu vực miền núi, đặc biệt là điều kiện khí hậu, thời tiết và địa hình đặc thù của một số địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi để khu vực miền núi có thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản của vùng; Trong đó, nhiều sản phẩm có khả năng phát triển sản xuất hàng hóa và tiếp cận thị trường kênh phân phối hiện đại (các siêu thị, trung tâm thương mại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi).

Trong những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực miền núi nói riêng. Ban chấp hành Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-TU ngày 20/4/2015 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020; UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2320/QĐ-UBND về Chương trình hành động Nghị quyết số 16/NQ-TU về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Quyết định số 4438/QĐ - UBND phê duyệt Đề án: Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Quyết định số 62/KH-UBND ngày 23/3/208 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020 và một số các chính sách khác về phát triển nông nghiệp.

Mặc dù đã có các chủ trương, chính sách mạnh mẽ tập trung cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh, tuy nhiên, vấn đề phát triển sản xuất tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi Thanh Hóa vẫn đang là vấn đề đặt ra với nhiều nội dung cần giải quyết. Chẳng hạn, số lượng các sản phẩm đặc trưng, đặc sản miền núi được tiêu thụ qua các kênh phân phối hiện đại còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa được đăng ký nhãn hiệu, các sản phẩm đưa ra thị trường chủ yếu là các sản phẩm thô, chưa qua sơ chế, đóng gói và đáp ứng các yêu cầu khác của kênh phân phối hiện đại.

Trên cơ sở đó, bài báo phân tích thực trạng sản xuất, tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực các huyện miền núi Thanh Hóa qua kênh phân phối hiện đại, từ đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi Thanh Hóa tiếp cận kênh phân phối hiện đại.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Thực trạng sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản ở khu vực miền núi Thanh Hóa

2.1.1. Về danh mục các nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi Thanh Hóa

Trên cơ sở kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp danh mục sản phẩm đặc trưng, đặc sản trên địa bàn các huyện miền núi, theo đó các nhóm sản phẩm chính bao gồm như sau:

i. Nhóm các sản phẩm trồng trọt: bao gồm các sản phẩm chủ yếu như quýt hôi Quốc Thành (Bá Thước); rau đặc sản (Lang Chánh và một số huyện); khoai mán vàng, sắn dây, nếp hạt cau, dong, hành chăm (Cẩm Thủy và một số huyện); vừng đen, nấm, mộc nhĩ, riềng, măng tây tím (Ngọc Lặc, Như Thanh và một số huyện); nghệ đỏ, mật ong rừng, măng tre bát độ, sắn (bột sắn) (Như Xuân và một số huyện); măng khô, gạo tẻ mẹt, nếp cẩm, nếp thơm, bí đỏ, (Quan Hóa, Quan Sơn); hại dổi, quế thanh, tinh dầu quế, bột quế; mía Kim Tân, dứa gai (Thành Thành và một số huyện).

ii. Nhóm các sản phẩm về chăn nuôi, bao gồm các sản phẩm chủ yếu như: Vịt Cổ Lũng (Bá Thước); gà đồi, lợn cỏ (Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh); vịt bầu bản địa (Lang Chánh).

iii. Nhóm các sản phẩm dược liệu: bao gồm các sản phẩm chủ yếu như: Giảo cổ lam (Bá Thước); nghệ dược liệu (Lang Chánh, Như Xuân, Thạch Thành); cà gai leo, cỏ béo, có máu (Cẩm Thủy); trà rau má (Ngọc Lạc); nấm lim xanh (Như Xuân); hà thủ ô, sâm cau, đinh lăng (Quan Sơn).

Bên cạnh các sản phẩm nêu trên, còn khá nhiều các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khác của các địa phương miền núi. Tuy nhiên, ở mức độ sản xuất còn nhỏ lẻ trong một số ít hộ dân nên nhóm nghiên cứu chưa thống kê thành danh mục (măng khô, măng muối ớt, măng chua, bí đỏ, bí xanh, tỏi cô đơn, tỏi thường, riềng sạch, rau mầm…).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi Thanh Hóa có sự phong phú, đa dạng, đầy đủ các nhóm sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, đến các sản phẩm dược liệu. Trên cơ sở tổng hợp, có thể thấy các sản phẩm thể hiện được rõ đặc trưng, đặc sản phần lớn mỗi sản phẩm đặc trưng, đặc sản ở các huyện miền núi chỉ được sản xuất ở một địa bàn (huyện, xã, thôn, bản) duy nhất.

Nguyên nhân là do các sản phẩm này có đòi hỏi khắt khe về điều kiện sản xuất, khi đưa ra địa bàn khác thì không đem lại chất lượng như sản phẩm được sản xuất tại bản địa (quýt hôi Quốc Thành, vịt Cổ Lũng, rau Trí Nang, quế, củ dong…); Một số sản phẩm khác có thể được xuất hiện sản xuất ở 2-3 địa bàn khác nhau do có sự tương đồng về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. 

2.1.2. Đặc điểm và tình hình sản xuất

Nhìn chung các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khá cụ thể, tập trung vào những địa bàn khác biệt, từ đó tạo nên đặc trưng riêng của sản phẩm, một số các sản phẩm chỉ cần sản xuất ra khỏi khu vực địa bàn đặc trưng thì không đạt được chất lượng để tạo thành đặc sản (Ví dụ: Vịt Cổ lũng, quýt hôi Quốc Thành, giảo cổ lam, rau đặc sản Trí Nang, khoai mán vàng, củ dong…).

Quy mô sản xuất của các sản phẩm khá đa dạng, ở nhiều mức độ khác nhau. Một số sản phẩm đặc trưng, đặc sản được sự quan tâm của địa phương, có thị trường phát triển tốt hiện đã có quy mô sản xuất tương đối rộng. Cụ thể như:

Quýt hôi Quốc Thành có tổng quy mô sản xuất khoảng 31 ha; Rau an toàn bản Năng Cát 5ha; Củ dong (Cẩm Thủy) 32 ha; Sắn dây (Cẩm Thủy) 80ha; Khoai mán vàng (Cẩm Thủy) 50ha; Hành chăm (Cẩm Thủy) 30ha; Nghệ đỏ (Như Xuân) 35ha; Quế (Thường Xuân) 600ha; Vịt Cổ Lũng, tổng đàn năm 2017 là 30.850 con; Mật ong rừng (Như Xuân) 500 đàn; Gà đồi (Quan Hóa) trên 100.000 con, Lợn cỏ (Quan Hóa) trên 1.000 hộ nuôi; Bên cạnh đó, một số sản phẩm quy mô sản xuất còn nhỏ, chỉ dừng lại ở một số hộ nhất định, như: Chè vằng tự nhiên (Như Thanh); Măng tre bát độ (Như Xuân); Miến dong (Ngọc Lạc); Mật mía (Như Thanh); Đào lai mận (Mường Lát)…

Về kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất: Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhìn chung các nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực các huyện miền núi Thanh Hóa chủ yếu được sản xuất theo kinh nghiệm hoặc tự đào tạo cho nhau. Một số ít các sản phẩm được hỗ trợ tập huấn áp dụng kỹ thuật và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thông qua liên kết với các doanh nghiệp, phát huy vai trò của HTX hoặc hỗ trợ của chính quyền địa phương thông qua các chương trình, dự án.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các sản phẩm được áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chủ yếu là các sản phẩm có quy mô sản xuất tập trung, hoặc các sản phẩm đã được tham gia liên kết, có điều kiện tiếp cận tiêu thụ trên thị trường (rau an toàn Trí Nang, nấm, mục nhĩ, cam Vân Du và một số loại quả, nghệ dược liệu, giảo cổ lam, quýt hôi Quốc Thành...).

Về tình hình phát triển sản xuất gắn với thị trường: Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực các huyện miền núi, có nhiều sản phẩm đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi nói chung, nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất nói riêng. Đó là các sản phẩm có quy mô sản xuất đủ lớn, có thị trường tiêu thụ rộng, cả xuất khẩu, trong nước và từng bước tiếp cận kênh phân phối hiện đại, đã hoặc đang xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm.

Tuy nhiên, nhìn chung chưa có nhiều sản phẩm có chiến lược sản phẩm gắn với thị trường. Một số ít các sản phẩm đặc trưng, đặc sản đã được chính quyền địa phương quan tâm, đưa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sản xuất hướng tới những thị trường xác định (thị trường xuất khẩu, thị trường hiện đại…). Còn lại phần lớn các sản phẩm được sản xuất theo tinh thần chưa ổn định, chưa gắn với thị trường. Có những sản phẩm đặc trưng, đặc sản chỉ còn 1-2 hộ sản xuất thường xuyên trên địa bàn.

2.2. Thực trạng thị trường tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi Thanh Hóa qua kênh phân phối hiện đại

2.2.1. Tình hình nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi đang được tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nông sản khu vực miền núi nói chung, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản miền núi nói riêng được tiêu thụ chủ yếu thông qua kênh truyền thống (các chợ địa phương, chợ cóc ven đường). Một số sản phẩm được tiêu thụ thông qua thương lái trong xã, huyện, hoặc thương lái của các địa phương khác và tỉnh ngoài; một số sản phẩm tham gia xuất khẩu ra thị trường các nước và khu vực.

Đối với tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại, hiện nay các sản phẩm nông sản nói chung của Thanh Hóa được tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại chưa nhiều. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng trên 10% nông sản được nhập vào các siêu thị có nguồn gốc từ Thanh Hóa, còn lại là được nhập từ các địa phương khác trong nước và nước ngoài.

Số liệu từ Bảng 1 cho thấy, hiện nay tại các siêu thị, cửa hàng Minimart trên địa bàn tỉnh đang cung cấp số lượng, chủng loại rất đa dạng các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền từ nhiều địa phương khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có khoảng trên 10 sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực các huyện miền núi đang được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng Minimart trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các sản phẩm này chủ yếu là các sản phẩm khô, sơ chế đơn giản, chủ yếu là được in thông tin trên bao bì trực tiếp bởi các cửa hàng hoặc của công ty thu mua. (Xem Bảng)

STT

Tên sản phẩm

Cửa hàng

Xuất xứ

Ghi chú

1.

Vịt Cổ Lũng

ITC Food, MiniMart Hạnh Vĩ

Miền núi

Bán trong ngày khi khách hàng có nhu cầu mua

2.

Gạo nếp nương Mường Lát

Mini Mart Hội liên hiệp phụ nữ P.Ba Đình - TP. Thanh Hóa, MiniMart Hiền Nhuần

Đóng gói và phân phối bởi Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần

 

3.

Măng rối, mộc nhĩ Mường Lát

HC Farm, MiniMart Hiền Nhuần

Miền núi

CH tự sơ chế và dán nhãn ghi xuất xứ

4.

Tỏi khô Mường Lát

HC Farm

Miền núi

CH tự sơ chế và dán nhãn nguồn gốc xuất xứ

5.

Miến Dong Cẩm Thủy

HC Farm, MiniMart Hạnh Vĩ

Miền núi

CH tự sơ chế và dán nhãn

6.

Bột sắn dây Mường Lát

HC Farm

Miền núi

CH tự sơ chế và dán nhãn ghi nguồn gốc xuất xứ

7.

Nấm lim xanh, nấm trúc rừng Mường Lát

HC Farm

Miền núi

CH tự sơ chế và dán nhãn ghi nguồn gốc xuất xứ

8.

Mật ong Hoa nhãn

HC Farm

Hợp Tiến, Thành Hưng, Thạch Thành

 

9.

Gà Như Thanh

MiniMart Hạnh Vĩ

 

Bán trong ngày, ai có nhu cầu đặt hàng/ Đóng hộp ghi tên của Cửa hàng

10.

Gà đồi Cẩm Thủy

ITC Food

 

Bán trong ngày/ Đóng hộp ghi tên của Cửa hàng

11.

Lợn Như Thanh

MiniMart Hạnh Vĩ

 

Bán trong ngày/ Đóng hộp ghi tên của Cửa hàng

Các nông sản Thanh Hóa được nhập vào các siêu thị chủ yếu là các sản phẩm rau, củ, quả, chưa có sự xuất hiện nhiều của các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực các huyện miền núi Thanh Hóa. Nguyên nhân chính của thực trạng trên xuất phát từ các quy định, yêu cầu chặt chẽ của kênh phân phối hiện đại nói chung và các siêu thị nói riêng, trong đó có yêu cầu phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán… trong khi sản xuất sản phẩm đặc trưng, đặc sản chủ yếu còn manh mún, nhỏ lẻ và phần lớn còn chưa được sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng.

2.2.2. Thực trạng liên kết trong tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại

Một trong những con đường quan trọng để kết nối nông sản tới kênh phân phối hiện đại đó là thông qua liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, liên kết trong tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi Thanh Hóa còn hạn chế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện tại chỉ có khoảng 20 sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực các huyện miền núi đã tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Hoạt động liên kết sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi nhìn chung còn hạn chế.

Chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết tạo thành chuỗi giá trị; hiện nay, hình thức liên kết chủ yếu đang dừng lại ở việc HTX ở các địa phương hỗ trợ thu mua, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm như: HTX Hóa Quỳ, Công ty TNHH Chế biến Nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân, HTX Thành Sơn Lâm, HTX Nông nghiệp Yên Lễ (Như Xuân); HTX Trúc Phượng (Như Thanh), HTX Chí Linh (Liên kết sản xuất, tiêu thụ rau đặc sản Trí Nang, Lang Chánh)…

Qua nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm đã tham gia liên kết chủ yếu là các sản phẩm có quy mô diện tích sản xuất (hoặc số hộ gia đình tham gia) đủ lớn, như: Quế, Nghệ dược liệu (Thạch Thành), Kẹo nhãn Lang Chánh, Nấm (Ngọc Lặc), Cam Vân Du, Rau an toàn Trí Nang, Mộc nhĩ, Nấm lim xanh, Măng tre... Thông qua liên kết, các sản phẩm được sản xuất theo quy trình, hoặc được tham gia sơ chế, dán tem nhãn, nguồn gốc sản xuất, nâng cao giá trị, hình thức, chất lượng cũng như bảo quản tốt hơn trước và trong khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Bên cạnh tính quy mô, các sản phẩm tham gia liên kết chủ yếu là các sản phẩm khô, dễ sơ chế, chế biến và công tác đóng gói, nâng cao giá trị mới dừng lại ở một số khâu cơ bản. Chưa có nhiều các liên kết có sự tham gia đầy đủ của các thành phần tạo thành một chuỗi trong tham gia liên kết.

Qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân chính của thực trạng liên kết trên là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu được cung cấp ở các chợ kênh phân phối truyền thống tại địa phương; Liên kết nhỏ lẻ giữa một số hộ dân sản xuất nhỏ với các doanh nghiệp khó thực hiện; Bản thân các hộ sản xuất cũng không nhận thức đầy đủ về lợi ích của liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; Vai trò điều phối chính sách trong việc định hướng phát triển liên kết còn có những hạn chế.

3. Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi Thanh Hóa

3.1. Xây dựng, thực hiện các chính sách khuyến khích sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại

Trong giai đoạn phát triển mới với sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống phân phối theo hướng hiện đại, hàng hóa tiêu chuẩn chất lượng, Thanh Hóa cần tiếp tục có các chính sách tập trung ưu tiên cho phát triển sản xuất và tiêu thụ đối với nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi. Trong đó, tập trung vào các chính sách:

(i) Hỗ trợ tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi. Thông qua truyền thông cũng như các hội nghị kết nối cung cầu để nông dân sản xuất tiếp cận được xu hướng thị trường, các điều kiện, yêu cầu để cung cấp nông sản đặc trưng, đặc sản vào các trung tâm thương mại, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi tiêu chuẩn chất lượng;

(ii) Có các chính sách tín dụng đặc thù cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản; Thông qua đó các hộ sản xuất yên tâm đầu tư sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản và cung cấp ra thị trường;

(iii) Tăng cường tập huấn cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản trong bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường; Tập huấn, hỗ trợ các nội dung liên quan đến lập kế hoạch trong sản xuất gắn với thị trường cũng như các yêu cầu của kênh phân phối hiện đại để nông dân định hướng sản xuất thích ứng được với sự chuyển đổi của thị trường. Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi.

3.2. Phát triển liên kết trong chế biến, bảo quản, sơ chế để nâng cao giá trị nông sản đặc trưng, đặc sản đáp ứng yêu cầu của kênh phân phối hiện đại

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn các sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi Thanh Hóa chưa qua đăng ký nhãn hiệu hoặc các chứng nhận nguồn gốc, tiêu chuẩn trước khi đưa ra thị trường. Đây là một trong những rào cản cơ bản trong việc thúc đẩy nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi tiếp cận kênh phân phối hiện đại.

Tuy nhiên, nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó có khả năng để thực hiện nội dung này, chính vì vậy, liên kết trong chế biến, sơ chế, bảo quản sản phẩm sẽ là con đường quan trọng để thúc đẩy nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi tiếp cận kênh phân phối hiện đại. Thông qua liên kết sẽ hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường và đảm bảo điều kiện để cung cấp tới các siêu thị, cửa hàng tiêu chuẩn chất lượng.

3.3. Lựa chọn sản phẩm, xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi

Như thực trạng đã phân tích, các sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi Thanh Hóa rất đa dạng, phong phú về chủng loại, quy mô sản xuất, đặc thù vùng miền. Do đó, không thể cùng một lúc phát triển tất cả các sản phẩm. Các địa phương trong tỉnh nên lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thị trường để tập trung quy hoạch, đầu tư sản xuất, hỗ trợ liên kết để tiếp cận tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại.

Trên cơ sở các mô hình đã đi vào hoạt động thành công, sẽ nhân rộng phát triển đối các sản phẩm tiếp theo. Từ đó, tăng tính hiệu quả, ổn định trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản qua kênh phân phối hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (khóa XVII), Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
  2. Lương Trọng Thành, Thịnh Văn Khoa, Nguyễn Thị Lan Hương (2017), Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 2017.
  3. Thanh, N. C. (2018). Middlemen Market Power and Land Reform Policy Implication: An Imperfect Competition Analysis for the Traditional Food Market of Vietnam. International Journal of Economics and Finance, 10(5), 31-40.
  4. UBND tỉnh Thanh Hóa, Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 về Chương trình hành động Nghị quyết số 16/NQ-TU về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
  5. UBND tỉnh Thanh Hóa, Quyết định số 4438/QĐ – UBND ngày 11/12/2014 về việc phê duyệt Đề án: Phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.
  6. UBND tỉnh Thanh Hóa, Quyết định số 62/KH-UBND ngày 23/3/208 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020.

Solutions for promoting the consumption of typical agricultural products of Thanh Hoa’s mountainous areas through modern distribution channels

Ph.D Ngo Chi Thanh

Hong Duc University

Abstract:

Thanh Hoa Province has a large mountainous area with a wide range of typical agricultural products and specialities. These products have high economic values and can be distributed in modern distribution channels. In recent years, typical agricultural products and specialties of Thanh Hoa Province’s mountainous areas have received attentions from consumers. However, most of these products are sold in tradition distribution channels. This article is to analyze the current situation and propose solutions for promoting the consumption of typical agricultural products and specialties of Thanh Hoa’s mountainous areas through modern distribution channels.

Keywords: Typical agricultural products, specialties, mountainous areas of Thanh Hoa Province, modern distribution channels.