Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đưa ra tại hội thảo “Giải pháp tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp dệt may”.

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy khiến ngành dệt may khó đảm bảo giao nhận đơn hàng đúng hạn tình trạng thiếu container rỗng, thiếu kho lưu trữ hàng tại cảng đạt tiêu chuẩn của đối tác xuất khẩu và chi phí vận chuyển hãng tàu tăng mạnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp dệt may.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Vitas đánh giá, mặc dù Việt Nam đã ký kết được nhiều FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP… mang lại nhiều đơn hàng và lợi thế xuất khẩu đến các thị trường. Tuy nhiên, chi phí logistics lại trở thành rào cản khiến cho doanh nghiệp không thể tận dụng được các FTA.

Cụ thể, khi dịch Covid-19 bùng phát ở phía Nam, các doanh nghiệp dệt may liên tục giao hàng chậm vì các cảng biển, sân bay hạn chế ra vào dẫn tới việc thông thương hàng hóa khó khăn, thiếu lực lượng bốc xếp. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang xuất hàng bằng đường hàng không, khiến cho chi phí bị đội lên rất nhiều. Có trường hợp một doanh nghiệp đã phải tốn chi phí lên tới 1,8 triệu USD để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không..

“Trong thời gian tới, Việt Nam cần có quyết sách phát triển vận chuyển đường biển thương hiệu Việt Nam. Cụ thể phát triển đội tàu container lớn kinh doanh tuyến xa đi châu Mỹ, châu Âu… là những thị trường lớn của ngành hàng dệt may Việt Nam để tránh lệ thuộc vào các đội tàu của nước ngoài”, bà Mai nhấn mạnh.

Đồng hành khách hàng là các doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua khó khăn do chi phí logistics tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian qua, Tổng Công ty đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí logistics, thiếu container…

“Với mô hình phát triển dịch vụ về gần nhà máy của doanh nghiệp, Tổng Công ty thúc đẩy giải pháp kết nối hàng hóa, giao nhận trực tiếp tại ICD Tân Cảng – Long Bình, ICD Tân Cảng – Nhơn Trạch đối với những tàu ghé các cảng nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách hàng”, bà Lệ cho hay.

Theo VITAS, chi phí logistics hiện nay tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, cao hơn Trung Quốc 7%, cao hơn Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore đã làm giảm tính cạnh tranh của hàng dệt may so với các nước trong khu vực, bất chấp việc Việt Nam có chi phí nhân công thấp hơn.

Báo cáo Logistics 2021 vừa được công bố cho thấy, một xu hướng tích cực trong ngành dệt may để tối ưu chi phí logistics, là các doanh nghiệp tăng cường liên kết với nhau, như doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp dệt may kết hợp chặt chẽ với nhau để giảm thời gian vận chuyển hàng hoá, giảm thiểu những thủ tục rườm rà trong xuất, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp liên kết để mua bán nguyên liệu trong nước, thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn hoặc tăng giá. Các doanh nghiệp liên kết để chia sẻ đơn hàng. Hay liên kết để học hỏi kinh nghiệm của nhau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn đang thiếu các kênh thông tin và cơ chế hỗ trợ để liên kết, chưa có một cổng thông tin toàn diện về ngành để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác hợp tác hiệu quả.

Do đó, doanh nghiệp dệt may, da giày quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại và nâng cao hiệu quả quản trị thông qua áp dụng các tiêu chuẩn quản lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động phát triển, ứng dụng các giải pháp logistics nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, nhằm tối ưu hóa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Để ngành dệt may cả nước cán mốc xuất khẩu 39 tỷ USD như dự kiến, doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực để vượt qua 3 thách thức:

- Thách thức về duy trì chuỗi cung ứng, logistics.

- Thách thức về đảm bảo nguồn nhân lực. 

- Thách thức về chi phí logistics.