Gian truân những nhịp cầu

Kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hoạt động giao thương với các đối tác nước ngoài diễn ra mạnh mẽ, hoạt động xúc tiến thương mại vì thế phải phát huy hết vai trò cầu nối

Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) ở nước ta được hình thành từ khi thành lập Bộ Ngoại Thương và lúc bấy giờ được gọi chung là hoạt động ngoại thương. Vào năm 2000, khi Cục XTTM được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trực thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) thì hoạt động XTTM được chính thức công nhận là nhiệm vụ của Nhà nước.

Như vậy là kể từ khi ra đời đến nay, hoạt động XTTM của Cục XTTM đã đi được một chặng đường dài. Các cán bộ làm công tác XTTM đều thừa nhận rằng, làm XTTM là một công việc không đơn giản, nhất là ở nước ta.

Lý do là bởi ngoài những khó khăn nội tại của nghề còn có những khó khăn mang tính đặc thù của đất nước, của vùng miền, của địa phương.

Khoảng độ năm 2006, 2007, các cán bộ của Cục XTTM bỗng tự hỏi: tại sao không “bắt chước” cách làm của các nước là mời họ sang bên mình, thay vì mình cứ phải “mang chuông đi đánh xứ người”. Hoàn toàn có thể phát triển thương mại quốc tế, XTTM ngay tại thị trường Việt Nam chứ đâu nhất thiết cứ phải ra nước ngoài. Cứ tổ chức và tham gia hội chợ thương mại quốc tế ở nước ngoài theo từng ngành nghề thì bao giờ cho hết được “vốn” trong khi thị trường thế giới đã bắt đầu biết nhiều đến Việt Nam như một địa chỉ xuất phát của nhiều hàng hóa. Thế là các Foodex, Lifestyle, … bắt đầu ra đời, dù còn bỡ ngỡ song đầy hứng khởi và gặt hái được ngay những thành công đáng kể.

Một ví dụ điển hình về cách làm XTTM như kể trên là việc Hiệp hội xuất khẩu Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) đã mạnh dạn đưa ra đề xuất tổ chức một hội chợ thương mại quốc tế trong Chiến lược phát triển xuất khẩu cho ngành Thủ công mỹ nghệ trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cục XTTM triển khai. Lý do rất đơn giản là vì các nhà tổ chức chợt nhận ra: Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam rất được thế giới ưa chuộng, vậy tại sao Việt Nam không “hút” khách hàng tới nước mình? Từ quyết tâm đến hiện thực rất gần, được lãnh đạo Cục XTTM ủng hộ và quyết tâm thực hiện, nên ngay từ năm đầu tiên 2011, hội chợ với tên gọi Lifestyle Việt Nam đã gặt hái thành công và liên tục cho được tổ chức đến nay. Tiếp theo là Hội chợ Foodexpo Vietnam 2015 lần đầu tiên do Cục XTTM trực tiếp chủ trì phối hợp với các đối tác thực hiện lại đánh dấu thêm một thành công lớn cho hướng đi này. Đây chính là những ví dụ cũng như tiền đề rất tốt cho các ngành hàng khác tham khảo.

Tất nhiên, đi theo hướng này thì chúng ta phải mất nhiều tiền và công sức để làm công tác marketing, truyền thông quảng bá, rồi trực tiếp lãnh đạo Cục phải đi lại vận động và quảng bá,… nghĩa là làm mọi cách để mời được khách hàng vào Việt Nam. Nhưng làm được như vậy sẽ kéo theo nhiều cái lợi khác, như phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch, khách sạn, ăn uống…

Về những câu chuyện thành công và thất bại của nghề XTTM, Phó Cục trưởng Đỗ Kim Lang bồi hồi nhớ lại “cái thuở ban đầu”: “Tôi nhớ mãi một kỷ niệm những năm đầu tiên Cục thành lập, khi đó Hàn Quốc là thị trường mà Việt Nam luôn nhập siêu. Có lần, nhận lời mời của Chính phủ Việt Nam, một đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến nước ta để giao lưu và tham gia. Hôm đó, trong hội trường lớn, phía doanh nghiệp Hàn đông đủ tề tựu, vậy mà bên mình thì lác đác có vài doanh nghiệp. Người Hàn làm việc theo tư duy mệnh lệnh, đối với họ, các doanh nghiệp mà được cơ quan chính phủ như Cục XTTM mời là phải đến, không thể khác được. Họ đã phải bỏ tiền sang Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ mình, người ta đến để mua hàng của doanh nghiệp của mình, vậy mà doanh nghiệp của mình lại không đến. Từ ngạc nhiên người ta chuyển sang giận dữ, mặc dù phía Cục đã hết sức xin lỗi. Chuyện qua lâu rồi nhưng nghĩ lại vẫn thấy ngượng ngùng vì quả thực, hoạt động XTTM khi đó còn yếu quá. Một phần thời điểm đó Cục XTTM còn non trẻ, chưa chứng tỏ được uy tín thương hiệu, chưa được nhiều doanh nghiệp tin tưởng. Thế mới biết, uy tín luôn cực kỳ quan trọng. Thành - bại cũng từ uy tín mà ra”.

Giờ thì đã khác. Bất kể sự kiện nào, chỉ cần Cục XTTM gửi giấy mời là tất cả các doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình. Đó chính là quá trình mười mấy năm qua các cán bộ của Cục XTTM đã hết sức nhiệt tình, công tâm, luôn vì việc chung, không ngừng nâng cao chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm để mang lại những sự trợ giúp và dịch vụ thực sự hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo thương hiệu không phải chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho chính Cục XTTM và hệ thống XTTM của quốc gia mà Cục là đại diện. Vì mục tiêu ý nghĩa như vậy nên những nhịp cầu XTTM cứ nối mãi không thôi.


Minh Thủy