Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ được Cục Hóa chất, Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) thực hiện.

Mục tiêu chính của Dự án là nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu hóa học xanh và những ứng dụng Hóa học xanh cho các ngành sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm thiểu việc sử dụng, phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm và Công ước Minamata.

cong nghiep 1
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Hội thảo là cơ hội để khoa Công nghệ Hóa, Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy và ứng dụng hóa học xanh trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Theo TS. Phạm Thị Mai Hương - Trưởng khoa CN Hóa: Hoá học xanh là việc áp dụng những nguyên lý sản xuất thân môi trường, sử dụng tối ưu các tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu hoặc loại bỏ phát sinh và sử dụng những chất nguy hiểm, độc hại trong thiết kế, sản xuất ứng dụng các sản phẩm hoá chất.

Nhận thức tầm quan trọng của hoá học xanh, khoa Công nghệ Hóa đã tiếp cận nhiều tài liệu về Hóa học xanh và lên ý tưởng giảng dạy Hóa học xanh từ năm 2010. Năm 2011, khoa xây dựng đề cương chi tiết, chính thức đưa Hóa học xanh vào giảng dạy.

Đến năm 2014, khoa hoàn thành cuốn giáo trình Hóa học xanh của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Theo đánh giá của các chuyên gia tham gia Dự án thì ĐHCNHN là một trong số ít trường đại học tại Việt Nam có giáo trình chất lượng dạy riêng về hóa học xanh.

cong nghiep 2
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), UNDP, một số doanh nghiệp, trường đại học và giảng viên, sinh viên khoa CN Hóa, Đại học Công nghiệp Hà Nội

Là người trực tiếp truyền đạt kiến thức về Hóa học xanh đến sinh viên, TS. Nguyễn Thị Kim An - Giảng viên khoa CN Hóa cho biết sinh viên các khóa luôn hăng say học tập và tìm kiếm các kiến thức về Hóa học xanh. Các bài học lý thuyết và thực hành được lồng ghép nhằm tăng hiệu quả đào tạo. Bên cạnh đó, sinh viên còn được trải nghiệm thực tế về phát triển bền vững và hoá học xanh thông qua các tham quan mô hình áp dụng Hóa học xanh.

Thêm nữa, khoa CN Hóa còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội chợ triển lãm sản phầm khoa học công nghệ. Đây là sân chơi nhằm nâng cao nhận thức về Hóa học xanh và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH); tạo động lực cho sinh viên tham gia NCKH, phát huy năng lực tư duy sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức vào việc giải quyết một số vấn đề về khoa học và thực tiễn

Việc ứng dụng hóa học xanh vào nghiên cứu và sản xuất sẽ giúp tạo ra các sản phẩm xanh - là sản phẩm ít tác động đến môi trường hoặc ít có hại cho sức khỏe con người. Nói cách khác, sản phẩm xanh là sản phẩm thân thiện với môi trường.

cong nghiep 3
Tham luận của TS. Nguyễn Thị Kim An - giảng viên khoa Công nghệ Hóa tại Hội thảo

Một số công trình, sản phẩm tiêu biểu mà thầy và trò khoa CN Hóa đã thực hiện như: Chế tạo vật liệu hấp phụ từ bùn đỏ Tây Nguyên để xử lý Asen trong nước ngầm; thu hồi kim loại Cu, Ag từ bản mạch điện tử phế thải sử dụng phoi sắt phế liệu; chế tạo xúc tác acid dị thể từ rơm rạ và bã củ dong riềng ứng dụng cho phản ứng tổng hợp ethyl lactate; thu chất màu betacyanin từ vỏ quả thanh long; chế tạo gạch không nung từ xỉ thải phốt pho Lào Cai; chế tạo gạch từ tro bã mía… Các sản phẩm xanh này được hình thành hoặc hình thành một phần từ các thành phần tái chế, được sản xuất theo cách tiết kiệm năng lượng hơn.

Có thể nói, hóa học xanh đã và đang được giảng dạy, ứng dụng một cách sâu rộng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học tại khoa Công nghệ Hóa, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo về Hóa học xanh, khoa tiếp tục hoàn thiện nội dung, phương pháp giảng dạy Hóa học xanh và trang bị thêm các thiết bị hiện đại phục vụ học tập, nghiên cứu hóa học xanh cho cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên.