Báo cáo được chuẩn bị trước thềm cuộc họp của liên minh OPEC+ vào ngày 29 và 30/6 tới đây cho thấy tổ chức này ước tính dư cung dầu thô trên thị trường sẽ chỉ ở mức 1 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm mạnh so với mức 1,4 triệu thùng/ngày được ước tính trước đó. 

Việc liên minh OPEC+ hạ ước tính mức dư cung dầu thô diễn ra trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu nhiều quốc gia thành viên tổ chức này vẫn đang ở dưới mức hạn ngạch được phân bổ. 

Nhiều chuyên gia nhận định hiện lo ngại về căng thẳng nguồn cung đang lấn át lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Việt Nam cũng không đứng ngoài vòng xoáy này. Thậm chí, tại thị trường trong nước, nguồn cung các mặt hàng nguyên liệu xăng dầu, than, khí đốt càng là câu chuyện “nóng” bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia.

Để khủng hoảng thiếu năng lượng không diễn ra, nhiều biện pháp linh hoạt để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu chiến lược đã được triển khai toàn diện.

Linh hoạt nguồn cung xăng dầu 

6 tháng đầu năm, do tình hình địa chính trị và xung đột Nga - Ukraine, nguồn cung xăng dầu toàn cầu khan hiếm, nhập khẩu gặp khó khăn khi giá tăng, chi phí logistics tăng. 

Ở trong nước, thị trường mặt hàng xăng dầu có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - đơn vị chiếm 35% - 40% tổng cung - đã giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu cũng gặp khó. 

Ngay tại thời điểm đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động nhập khẩu và có tính đến việc giảm công suất của Nghi Sơn. Trong Quý I, không xảy ra hiện tượng không đủ nguồn cung, đã đảm bảo xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Đến Quý II/2022, sau khi làm việc với Nghi Sơn, xem xét quá trình sản xuất của nhà máy và việc chưa đảm bảo được cung ứng xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường. Chiều 18/4/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Quyết định 242. 

Với những nỗ lực này, Việt Nam đã đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhu cầu của người dân trong 6 tháng đầu năm. 

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3, dự kiến nhu cầu mỗi Quý khoảng 5,2 triệu m3. 

Trong Quý II, dự kiến nguồn cung khoảng 7,2 triệu m3, gồm sản xuất trong nước là 3,2 triệu m3, nhập khẩu khoảng 2,5 triệu m3, tồn kho Quý trước chuyển sang là 1,5 triệu m3. Nguồn cung này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Quý II và tồn kho gối đầu sang Quý III khoảng 2 triệu m3. 

Hiện Bộ Công Thương đang yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm việc với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn để có cam kết rõ ràng về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước trong Quý III và cả năm 2022 để có kịch bản điều hành và chỉ đạo nhập khẩu bổ sung thay thế nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

“Trên cơ sở cam kết của Nhà máy về việc cung ứng ở mức độ nào, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên lượng cung ứng đó để tiêu thụ trong nước, còn lại nếu thiếu sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu thêm để bù đắp lượng thiếu hụt”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Ngoài ra, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ IX vừa qua và chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ đề án để nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu. Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ này.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước

Kịp thời kiểm soát hoạt động cung ứng than 

Không chỉ xăng dầu, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, đặc biệt là thời kỳ hậu Covid-19, cũng gây khó khăn cho quá trình mua bán, thanh toán của hai nguồn nguyên liệu sơ cấp khác là than và khí. 

Trước tình hình đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đã chủ động, kịp thời, sát sao dự báo, đánh giá đúng tình hình và dựa trên tham mưu, đề xuất của các Tập đoàn, các cơ quan chức năng đã ban hành kế hoạch, kịch bản và có văn bản chỉ đạo rất thường xuyên về việc bảo đảm nguồn cung năng lượng, nhất là bảo đảm nguồn cung than. 

Bộ Công Thương, với vai trò quản lý Ngành, đã chỉ đạo sát sao việc cung cấp than cho sản xuất điện và thực hiện đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Ngay từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022 Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch, Kịch bản vận hành hệ thống điện và cung cấp nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện năm 2022, trong đó đã xác định cụ thể trách nhiệm của Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than, đơn vị cung cấp than. Đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện.

Chỉ tính riêng từ khoảng tháng 9/2021 đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành trên 15 văn bản chỉ đạo về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do tình hình cung cấp than cho sản xuất điện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc chưa đủ theo Hợp đồng mua bán than đã ký, nên dự báo có thể thiếu hụt khoảng 3.000 MW nhiệt điện than trong năm 2022.

Trước thực tế này, ngay sau khi kết thúc chuyến công tác tại Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp khẩn với EVN, PVN, TKV và các đơn vị chức năng thuộc Bộ để chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2022 và cung ứng đủ than cho sản xuất điện.

Tại đây, Bộ trưởng yêu cầu các tập đoàn thực hiện ngay các giải pháp nhằm huy động bổ sung sản lượng phát điện từ các nguồn bổ sung. Trong đó, các đơn vị sản xuất than (TKV và Tổng công ty Đông Bắc), khí (PVN) nâng cao năng lực sản xuất nhiên liệu sơ cấp trong nước; tăng cường ký kết các hợp đồng mua bán than, khí với các đối tác truyền thống và các đối tác mới.

Đồng thời, các Tập đoàn cần nâng cao trách nhiệm trong việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để bảo đảm huy động tối đa các nguồn điện. Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia và các đơn vị truyền tải phải đặt vào trạng thái luôn sẵn sàng để thực hiện được các mục tiêu này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các bên giải quyết ngay những vướng mắc trong Hợp đồng mua bán nhiên liệu sơ cấp, mua bán điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tổ chức họp khẩn với 3 Tập đoàn lớn và các đơn vị thuộc Bộ về vấn đề bảo đảm nguồn cung ứng than cho điện
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tổ chức họp khẩn với 3 Tập đoàn lớn và các đơn vị thuộc Bộ về vấn đề bảo đảm nguồn cung ứng than cho điện

Trong tháng 4/2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie về kế hoạch nhập khẩu than giúp Việt Nam giữ vững an ninh năng lượng. Bộ trưởng cũng có buổi làm việc trực tuyến với Hội đồng Khoáng sản Australia và các doanh nghiệp xuất khẩu than, khoáng sản hàng đầu của Australia để thúc đẩy hoạt động nhập khẩu than từ Australia phục vụ nhu cầu trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng tại buổi làm việc với Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam Mpetjane Kgaogelo Lekgoro,, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã phối hợp với Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Durban tổ chức Diễn đàn giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu than Việt Nam và Nam Phi.

Mới đây nhất, tại Quảng Ninh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và TKV đã họp trao đổi nội dung hợp tác và ký biên bản phối hợp đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai bên thống nhất, TKV sẽ nỗ lực phấn đấu cấp bù lượng than chưa giao trong quý I theo khối lượng hợp đồng, tương ứng khoảng 800.000 tấn trong các quý còn lại của năm 2022. Dự kiến, TKV cấp bù khoảng 300.000 tấn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN trong quý II, tổng khối lượng than cấp trong quý II là 5,1 triệu tấn.

Đối với các tháng còn lại trong năm 2022, TKV cam kết sẽ cấp đủ sản lượng và EVN cam kết nhận đủ sản lượng được giao theo hợp đồng đã ký. Trong trường hợp có thay đổi về nhu cầu hoặc khả năng cung cấp, hai bên sẽ trao đổi và thống nhất.

Đến nay, tình hình cung ứng than cho sản xuất điện đã cơ bản ổn định. Tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 3/4/2022, Thủ tướng ghi nhận, trong năm 2021 và quý I/2022, chúng ta đã bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối về điện, năng lượng. Đây là cố gắng lớn của các chủ thể liên quan.

Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục các nỗ lực theo dõi sát hoạt động cung ứng các vật tư năng lượng chiến lược như xăng dầu, than, khí; tích cực điều hành linh hoạt giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia trong 6 tháng còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo.