Ngày 13/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị.

Tại cuộc họp, nhận định về tình hình xuất khẩu nông, thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn chịu tác động mạnh từ đại dịch. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, góp phần tiêu thụ hết hàng hóa cho nông dân với giá có lợi. Xét riêng xuất khẩu, giá tăng đã giúp xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản đạt được kết quả xuất khẩu đáng khích lệ.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 15,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều đạt tăng trưởng dương.

Đáng chú ý, theo số liệu của liên Bộ, ước xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021 đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhìn chung 7/9 mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm nay.

Chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy để gỡ khó cho xuất khẩu nông thủy sản
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19

Về thị trường xuất khẩu, 8 tháng đầu năm, khu vực châu Á với 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (chiếm 56,7% thị phần) là thị trường xuất khẩu trọng điểm với tổng kim ngạch đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ. 

Tiếp đến thị trường châu Mỹ với kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD (chiếm 17,9%  thị phần), tăng 27,3% so với 7 tháng năm 2020. Thị trường tiêu thụ lớn nhất tại khu vực châu Mỹ là Hoa Kỳ cũng đạt 2,39 tỷ USD, tăng 25,58% so với cùng kỳ.

Riêng khối thị trường châu Âu và EU đạt kim ngạch 2,65 tỷ USD, tăng 10,03% so với cùng kỳ và chiếm 16,7%. Trong đó, thị trường EU kim ngạch 1,94 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ và chiếm 12,3% thị phần.

Thị trường châu Phi đạt 538 triệu USD, tăng 18,85% so với 7 tháng năm 2020, chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường châu Đại Dương kim ngạch 310 triệu USD, tăng 25,31% so với cùng kỳ, chiếm 2,0% thị phần.

Đối với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN.

Đối với nông sản, thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng đạt 8,9%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2021 đạt 4,34 tỷ USD, tăng 25,83% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7/8 mặt hàng chủ lực đều có mức tăng trưởng dương 2 con số từ 10,1% đến 91,1%. Trong đó, qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt gần 1,38 tỷ USD, chiếm 32,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

“Dù phải đối diện với những tác động tiêu cực của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng 7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng rất tốt, tăng tới 15,2%, đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá.

xuất khẩu nông sản
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, khó khăn thực sự chỉ xuất hiện vào tháng 8/2021, khi nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách chặt chẽ hơn khiến ách tắc phát sinh tại tất cả các khâu của chuỗi cung ứng nông thủy sản. Từ thu hoạch, chế biến tới vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu.

Dự báo, trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng nông sản trên thế giới tăng bình quân 1,5 - 3,0%/năm, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam, do vậy, ngay tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh một lần nữa kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy, theo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng.

“Cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại Cao Bằng, Hà Giang rất thông thoáng. Cửa khẩu đường sắt tại Lạng Sơn, Lào Cai cũng rất thông thoáng. Xuất khẩu đường biển cũng vậy rất thông thoáng và chi phí chỉ bằng 1/3 đường bộ.

Vì vậy, tại Hội nghị này, chúng tôi một lần nữa kêu gọi thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh”, Thứ trưởng đề nghị và khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề cập đến vai trò của địa phương trong việc hỗ trợ bà con tiêu thụ nông thủy sản.

Nhắc lại bài học từ Bắc Giang và Hải Dương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, hai tỉnh này có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong một thời gian rất ngắn đó là do các tỉnh đã chủ động tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường; tự đưa ra các biện pháp để đảm bảo an toàn cho sản phẩm hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh; và đặc biệt, các tỉnh tự kết nối với thương nhân Trung Quốc để tiêu thụ nông sản cho bà con.

“Nếu các tỉnh trồng thanh long, dưa hấu và xoài cũng làm được như Bắc Giang, Hải Dương thì việc tiêu thụ nông sản trong thời gian qua chắc chắn đã tốt hơn rất nhiều và cũng không có câu chuyện ùn tắc, hay phải kêu gọi “tháo gỡ, giải cứu”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh một lần nữa.

Chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy để gỡ khó cho xuất khẩu nông thủy sản
Kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương trong bối cảnh dịch Covid-19 là bài học đắt giá cho các tỉnh thành trồng thanh long, dưa hấu...

Cũng tại Hội nghị, báo cáo của nhiều địa phương, hiệp hội cũng cho hay, tác động của dịch Covid-19 đã khiến sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, dịch bệnh khiến giá bán nhiều trái cây ở mức thấp, nhất là thanh long, khóm (dứa), chanh... Dù không xảy ra tình trạng tồn đọng nông sản nhưng các sản phẩm đều có giá thấp hơn so với cùng kỳ từ 5.000-10.000 đồng/kg các loại, do sức mua giảm mạnh, đặc biệt từ TP.HCM.

Các địa phương và hiệp hội kiến nghị cần tìm hướng giải quyết ùn ứ nhằm thông suốt hàng hóa, đồng thời cần hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, không bị mất đơn hàng và hạn chế thấp nhất tình trạng doanh nghiệp phải phá sản do dịch bệnh, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng vẫn phải đóng BHXH, BHYT, phí công đoàn và có chính sách hỗ trợ về thuế và phí...