Gỡ nút thắt để phát triển chế biến nông sản

Dù thống kê theo phương diện nào và của tổ chức nào thì các số liệu đều cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp với nông nghiệp và chế biến nông sản rất hạn chế so với khu vực khác. Thực trạng này được

Chế biến thô làm giá cả bấp bênh

Khu vực nông nghiệp nước ta đang bước vào ngưỡng cửa của công cuộc đổi mới lần thứ hai được mang tên tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN), mà trọng tâm là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Chương trình TCCNN lần này có tầm quan trọng như cuộc đổi mới nông nghiệp lần thứ nhất với nội dung cơ bản là khoán ruộng đến từng hộ nông dân, gọi tắt là khoán 10.

Hiện có một số nội dung trong TCCNN còn đang tiếp tục phân tích, tranh luận, nhưng các chuyên gia đã thống nhất cao được vấn đề: thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản là nền tảng quyết định sự thành bại của TCCNN.

Nhìn rộng hơn, công nghiệp chế biến nông sản còn là động lực cho Chương trình phát triển nông thôn mới, bởi nông nghiệp nông thôn là nơi tạo việc làm cho 60% lao động, nơi cư trú của 70% dân số, và gần 80% dân số nước ta có thu nhập chủ yếu từ sản phẩm nông nghiệp.

Công nghiệp chế biến quyết định cho việc gìn giữ chất lượng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nhờ đó thu được lợi nhuận lớn. Theo tính toán của các chuyên gia, sau khi tinh chế giá trị của nông sản có thể tăng từ 4 - 10 lần so với giá trị ban đầu. Một thí dụ điển hình là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, theo đánh giá của Undercurrentnews - Tạp chí chuyên về thủy sản có trụ sở ở Anh công bố, trong danh sách 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới năm 2014, Minh Phú đứng thứ 23.

Bước đột phá của Minh Phú bắt đầu từ 2006 với việc đưa công nghệ vào chế biến và thực hiện quy trình khép kín, từ sản xuất tôm giống, chế phẩm sinh học, nuôi tôm thương phẩm và chế biến xuất khẩu. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 7 năm đã tăng 5,5 lần, từ 133 triệu USD năm 2007 lên trên 742 triệu USD năm 2014.

Theo phân loại của Tổ chức Xúc tiến thương mại Vương quốc Anh (British Business Group), doanh nghiệp nào trong 5 năm tăng kim ngạch xuất khẩu gấp 2 lần được coi là tăng trưởng nhanh; trong 10 năm tăng gấp 5 lần kim ngạch được coi là tăng trưởng rất nhanh. Như vậy, trường hợp của Minh Phú còn cao hơn cả “rất nhanh”.

Đáng tiếc, câu chuyện thành công của Minh Phú không đại diện cho toàn bộ bức tranh chế biến nông sản nước ta. Hiện Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Năm 2014, 9 ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nước ta (gạo, chè, cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, điều, thủy sản, gỗ) mang về ngót 30 tỷ USD, nhưng theo nhận định của Bộ NN-PTNT, tỷ trọng chế biến thô của ngành chiếm gần 90% và chỉ khoảng 10% nông sản xuất khẩu là tinh chế.

Một phân tích khác của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho thấy, công nghiệp chế biến ở ta mới dừng ở mức độ gia công nguyên liệu cho quá trình chế biến tinh ở quốc gia khác; quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu. Đây cũng là nguyên nhân làm cho giá trị hàng nông sản Việt Nam thường thấp hơn từ 15-50% so với sản phẩm cùng loại của các nước khác. Ngoài ra, do phụ thuộc vào xuất khẩu thô, nên giá cả nông sản bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài.

Tài nguyên có hạn, chế biến vô hạn

Chế biến nông sản là ngành công nghiệp thực hiện các hoạt động bảo quản, giữ gìn, cải biến và nâng giá trị sử dụng của nguyên liệu nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tiễn nước ta thời gian qua cho thấy, chế biến nông sản tạo khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ, làm giảm sự phụ thuộc vào yếu tố thời gian và khoảng cách trong tiêu dùng sản phẩm.

Một số sản phẩm của công nghiệp chế biến như chè, cà phê, cao su, hạt điều, thủy hải sản... đã thu được nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.

Tính hữu dụng của công nghiệp chế biến rộng hơn thế rất nhiều. Những năm 2000-2001, khi thị trường Nhật Bản còn đắn đo với thủy sản Việt Nam thì mặt hàng surimi đã lĩnh ấn tiên phong khiến cho người tiêu dùng Nhật Bản tin tưởng hơn vào chế biến thủy sản nước ta. Khi surimi vào được Nhật Bản thì hàng loạt các sản phẩm khác như cá phi lê, tôm đông lạnh... cũng được thị trường khó tính số 1 thế giới tiếp nhận (độ mở ngoại thương hẹp nhất thế giới, chỉ số xuất nhập khẩu/GDP chỉ 20%). Một số các mặt hàng chế biến khác như mực nang, mực ống, cá ngừ, bạch tuộc... cũng là tác nhân mở cửa thị trường mới như Hàn Quốc, LB. Nga, Australia...

Không chỉ vậy, công nghiệp chế biến còn định hướng về quy mô, cơ cấu, chủng loại cho khâu sản xuất nguyên liệu. Việc trồng cây gì, nuôi con gì, khai thác ra sao phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển của công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, ý nghĩa sống còn để công nghiệp chế biến được đặt vào vị trí trung tâm của chương trình TCCNN là: tài nguyên đất đai, mặt nước, khí hậu có hạn, dẫn đến nguyên liệu nông sản có hạn. Chẳng hạn, Việt Nam xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn gạo/năm là đến ngưỡng nhưng chế biến thì không có điểm dừng. Từ một nguyên liệu có thể tạo ra nhiều loại mặt hàng có những giá trị sử dụng khác nhau, thậm chí tạo ra những đặc tính mới, những giá trị sử dụng mới. Riêng con tôm có thể tạo ra trên 20 mặt hàng khác nhau; quả thanh long tạo ra 6-7 mặt hàng...

Chế biến nông sản là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia. Song như một suy nghĩ bất thành văn, hiện nhiều người còn cho rằng, chế biến nông sản mang lại lợi nhuận khá hẻo so với công sức và tiền của.

Số liệu của một số doanh nghiệp lớn ở nước ta lại cho kết quả ngược lại. Trong cơ cấu tài chính của HAGL năm 2014, mảng nông nghiệp bao gồm mía đường, ngô và cao su chiếm 48% tỷ trọng doanh thu và 69% lợi nhuận gộp. Nhờ mảng nông nghiệp mà lợi nhuận ròng của HAGL đã dần lấy lại đà tăng trưởng mạnh trong hai năm gần đây sau khi lao dốc mạnh trong năm 2012. Mức lãi thuần cho cả năm 2014 của HAGL là 1.748 tỉ đồng, tăng 62% so với năm 2013.

Đối với Hòa Phát, trong quá trình đi tìm ngành hàng mới để tạo thêm lợi nhuận trong tương lai, trong số rất nhiều cái tên được đặt lên bàn cân: các dự án BOT giao thông, xây cao ốc văn phòng, dự án thủy điện, nhiệt điện... thì ngành hàng chế biến nông sản đã được chọn.

Như thế đủ thấy chế biến nông sản là một hướng đi đầy triển vọng.

Tháo gỡ 2 nút thắt

Nếu chế biến nông sản có tiềm năng như thế, vì sao khu vực này không nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội? Đến nay có khá nhiều số liệu khác nhau về lượng vốn đầu tư đổ vào chế biến nông sản.

Bộ NN-PTNT cho biết, cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp nông lâm thủy sản, chỉ chiếm 2,3% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong đó chỉ khoảng 30%, tức khoảng 2.000 doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản.

Số liệu của Bộ KH-ĐT: có khoảng 1,5% tổng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp, trong đó gần một nửa đầu tư vào chế biến.

Số liệu của TCTK: vốn đầu tư vào nông nghiệp chiếm khoảng 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó 40% đầu tư vào chế biến nông sản.

Số liệu Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp: tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào nông nghiệp đang giảm mạnh, từ 14% năm 2008 nay chỉ còn 6,2% (mặc dù số tuyệt đối vẫn tăng lên).

Số liệu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: chưa đến 1% vốn ODA vào khu vực nông nghiệp, trong đó chế biến khoảng một nửa.

Dù thống kê theo phương diện nào và của tổ chức nào thì các số liệu đều cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp với nông nghiệp và chế biến nông sản rất hạn chế so với khu vực khác. Điều đáng nói là thực trạng này được duy trì ngay cả trong bối cảnh Chính phủ có hàng loạt chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào chế biến nông sản. Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; Bộ NN-PTNT ban hành kế hoạch hành động “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 14 của Chính phủ về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và liên kết với nông dân; NHNN ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp... Đếm trên các văn bản này có đến hơn 20 loại ưu đãi, nhưng tình hình vẫn dậm chân tại chỗ.

2 nút thắt ở đây là vấn đề đất đai và hạ tầng nông thôn. Cả nước có 4 triệu ha đất trồng lúa và hoa màu. Nếu chia cho 15,7 triệu hộ nông dân thì mỗi hộ chỉ có 0,25 ha. Tính thêm đất lâm nghiệp, mỗi hộ nông dân cũng chỉ có nửa ha, kém xa mức bình quân 1,8 ha/hộ của nông dân Thái Lan, và là mức bình quân thấp nhất châu Á.

Nhìn từ máy bay, những thửa ruộng hình thang, hình chữ nhật, hình tam giác đan xen nhau tạo nên một bức tranh đồng quê thật êm đềm lãng mạn, nhưng trên thực tế, nó là rào cản cho việc xây dựng vùng nguyên liệu lớn - một tiền đề cho phát triển công nghiệp chế biến. Năm 2011, Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình xây dựng một nhà máy chế biến trên diện tích 1,2 héc ta nhưng phải đàm phán với 27 hộ trong vòng 3 năm mới lấy được đủ đất.

Cũng vì đất đai manh mún mà nhiều doanh nghiệp trong nước phải đầu tư ra nước ngoài. Điển hình là HAGL đầu tư vào mía đường, cao su tại Lào, Campuchia; Vinamilk đầu tư chế biến sữa tại New Zealand, Ba Lan, Mỹ; Nova Group phát triển dự án 50 triệu USD tại Ireland nhằm trồng cỏ, nuôi bò, cung cấp sản phẩm sữa bột công thức dinh dưỡng cho trẻ em trong nước....

Cách đây mấy năm chúng ta thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa ở khu vực phía Bắc nhằm quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu lớn, nhưng không thành công do mỗi địa phương làm một cách, mà người nông dân lại so sánh sự áp dụng giữa nơi này nơi kia nên chưa chủ động tham gia.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã dự thảo một Nghị định về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó đề xuất chính sách thuê đất, chính sách tích tụ đất, chính sách hỗ trợ liên kết, hợp tác với từng hộ nông dân, cung cấp đất sạch cho dự án liên quan tới nông nghiệp, nông thôn.

Đối với hạ tầng nông thôn, hệ thống đường trục chính còn thiếu. Gạo, cá da trơn, xoài, sầu riêng... ở ĐBSCL vẫn phải đưa qua cảng Sài Gòn để xuất khẩu chứ chưa khai thác được cảng Cần Thơ. Trên Tây Nguyên cũng vậy, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều… chưa thể chuyển thẳng ra biển ở Khu 5 mà vẫn phải chuyển về cảng Sài Gòn.

Mặt khác, trong khi với nhiều ngành, cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư tới cổng nhà máy thì doanh nghiệp nông nghiệp phải tự đầu tư về cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước...

Trong hai nút thắt trên, có nhiều khả năng chính sách đất đai sẽ được quyết định trong một tương lai gần theo hướng giúp doanh nghiệp “gom” đất dễ dàng hơn. Song hạ tầng nông thôn, dù nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội cũng khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều do nguồn lực có hạn.

Cho tới nay, con đường đi vẫn đang ở phía trước, nghĩa là, sự phát triển công nghiệp chế biến nông sản nước ta tùy thuộc vào tiến trình và mức độ tháo gỡ 2 nút thắt nói trên.