Hà Nội: Khuyến khích hình thành 3-5 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4889/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019-2025”.

Đề án nhằm kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố; Truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến từng người dân, sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức trên toàn Thành phố. 

Hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạoKhởi nghiệp của Thành phố thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, hỗ trợ hình thành thêm từ 2 đến 3 vườn ươm doanh nghiệp, không gian khởi nghiệp để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. 

khởi nghiệp sáng tạo

Đặc biệt, khuyến khích hình thành từ 3 đến 5 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân; thu hút các Quỹ đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội; Phấn đấu đến hết năm 2025 hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó, ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng. 

Đối tượng của Đề án, gồm: cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo hoặc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... thuộc các ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, bao gồm: Thứ nhất, Công nghệ tài chính-ngân hàng (Fintech); Công nghệ thông tin; Thương mại điện tử; Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu mới và một số lĩnh vực công nghệ đặc biệt khác; Thứ hai, Giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, du lịch và thiết kế tạo mẫu các sản phẩm làng nghề đặc trưng của Hà Nội (gốm sứ, lụa, gỗ....); Thứ ba, Công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thứ tư, Các dự án có mục đích phục vụ lợi ích xã hội, cộng đồng và giải quyết các vấn đề thách thức về kinh tế xã hội như: ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống ùn tắc giao thông, phục vụ quản lý đô thị... 

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần). Các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất-kỹ thuật, truyền thông, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội (vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức tăng tốc kinh doanh, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học...). Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Về phạm vi, cơ chế, chính sách của TP. Hà Nội nhằm hỗ trợ, hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố trong khuôn khổ các cơ chế chính sách chung của Nhà nước và theo quy định pháp luật. Đề án được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2019-2025. 

Điều kiện tham gia Đề án là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, đáp ứng các tiêu chí sau: người đứng đầu có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; tổ chức có ít nhất 1 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 1 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam;

Các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo một trong các phương thức sau: Được đầu tư, lựa chọn bởi các cơ quan, tổ chức, bao gồm: Khu làm việc chung, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh; Được nhận giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo; Được cấp giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ đối với sáng kiến, sáng chế; Được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao; Được lựa chọn trực tiếp bởi Hội đồng tư vấn do cơ quan chủ trì Đề án thành lập (quy định trong nhiệm vụ của Đề án).

Theo Thời báo Ngân hàng