Hạ tầng thương mại giúp đảm bảo nguồn cung trong cao điểm giãn cách xã hội

Các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng, cùng với chợ truyền thống đã giúp cho việc đảm bảo nguồn cung trong cao điểm giãn cách xã hội

Đến nay ở Việt Nam dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Về kinh tế, trong lúc sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, thì thị trường nội địa trở thành điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng kinh tế, và hoàn thành tốt vai trò hậu cần.

Thị trường nội địa đã hoàn thành tốt vai trò hậu cần ngay cả trong trong thời gian cao điểm dịch Covid-19,
Thị trường nội địa đã hoàn thành tốt vai trò hậu cần ngay cả trong trong thời gian cao điểm dịch Covid-19

Thị trường nội địa có thể hoàn thành tốt vai trò hậu cần ngay cả trong trong thời gian cao điểm dịch Covid-19, trước hết là do Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cụ thể hóa “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Trong trong thời gian “vàng” 2 tuần lễ đầu tiên của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã lên kịch bản, thống nhất được nguồn lực theo ngành dọc, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, rà soát khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương.

Các Sở Công Thương đều chuẩn bị sẵn “phương án tác chiến”, kết nối giữa sản xuất và phân phối tạo ra thế trận thông suốt theo phương châm “4 tại chỗ” trong bảo đảm hậu cần.

Nhưng để đảm bảo cho nguồn cung hàng hóa trong cao điểm giãn cách xã hội, không thể không nhắc đến kết cấu hạ tầng thương mại, yếu tố then chốt trong kết nối giữa sản xuất và lưu thông.

Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng thương mại dần được củng cố, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập; từng bước tạo kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.

Hệ thống chợ truyền thống được quy hoạch lại, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn. Mạng lưới chợ phát triển theo quy hoạch, hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương, từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại nhưng vẫn duy trì được cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại, với lưu lượng hàng hóa bình quân chiếm từ 35-40%.

Các đại biểu tham quan gian hàng trong một hội nghị về hàng Việt tại Hà Nam
Các đại biểu tham quan gian hàng trong một hội nghị về hàng Việt tại Hà Nam

Các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng kể từ sau khi nước ta gia nhập WTO.

Đã bắt đầu hình thành các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi theo mô hình thương mại bán lẻ của các nước tiên tiến trên thế giới. Tính đến hết 2018, cả nước có 1007 siêu thị tại 62/63 tỉnh thành, tăng 2,3 lần so với năm 2006; và 212 trung tâm thương mại tại 56/63 tỉnh thành.

Ngoài ra, còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh, có tốc độ tăng bình quân 25%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng bình quân lưu chuyển hàng hóa bán lẻ chung của cả nước (xấp xỉ 21%/năm).

Chính vì thế khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi liên kết cung ứng đã kịp thời “kích hoạt”, nhanh chóng gia tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp nhiều lần bình thường, đáp ứng nhu cầu hàng hóa ở mỗi địa phương.

Đồng thời cũng là nguồn lực cho phép các Sở Công Thương  chuẩn bị sẵn “phương án tác chiến”, kết nối giữa sản xuất và phân phối; cập nhật các kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. 

Đây là những yếu tố căn bản giúp hạ tầng thương mại “gánh” mọi nhu cầu lưu thông hàng hóa, ngay cả trong cao điểm giãn cách xã hội.

Quế Võ