Hải quan kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, các bộ quản lý hậu kiểm

Chính phủ yêu cầu một số bộ thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương về thực hiện kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương về thực hiện kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu

Cắt giảm 50% mặt hàng kiểm tra

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đến hết năm 2020, thực hiện đầy đủ cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: Áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hoá sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa.

Đồng thời, công bố công khai danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả; hình thức công khai phải đảm bảo phù hợp, dễ tiếp cận; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Chính phủ yêu cầu hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành (Danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành tính tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/ 5/2018).

Phân công kiểm tra chuyên ngành

Trong quý I năm 2020 công bố công khai, đầy đủ trên Trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục với mã HS tương ứng kèm theo Bảng so sánh danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước và sau khi cắt giảm.

Hải quan kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, các bộ ngành sẽ hậu kiểm
Hải quan kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, các bộ ngành sẽ hậu kiểm

Trong quý II năm 2020, hoàn thành sắp xếp bộ máy tổ chức ở các bộ liên quan theo hướng đối với mỗi mặt hàng chỉ có một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung.

Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa; chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch,…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm; trình Chính phủ trong quý I năm 2020.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết ngay các vướng mắc kéo dài trong áp dụng thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa từ quá trình sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu.

Theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đánh giá mức độ thay đổi và tác động đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/12/2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên, công nhận lẫn nhau trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản.

Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành
Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành

Một nhiệm vụ nữa là hướng dẫn và phân biệt giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm; hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách thức kiểm tra (nhất là kiểm tra cảm quan), đảm bảo thực hiện nhất quán, tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Cuối cùng là chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Thông tư số 285/2016/TT-BTC về cách tính phí, lệ phí trong công tác thú y nhằm giảm chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc áp đặt và gia tăng phí của các hãng tàu và phụ phí của cảng.

Lộc Ninh