Hàng Tết dồi dào, không lo sốt giá

Tới thời điểm này, tổng giá trị hàng hóa của TP.HCM và Hà Nội chuẩn bị để phục vụ Tết lên tới hơn 43.000 tỷ đồng.

Hàng Tết đã sẵn sàng

Tính đến ngày 24/12, ghi nhận tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết 2018 đang bước vào giai đoạn nước rút. Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất cách nhau khoảng 1,5 tháng, do vậy nhu cầu mua sắm Tết được dự báo sẽ tăng đột biến từ đầu tháng 2/2018.

Theo báo cáo, tổng lượng hàng hóa của TP.HCM và Hà Nội phục vụ hàng Tết lên đến hơn 43.000 tỷ đồng. Riêng tại TP.HCM, đại diện Sở Công thương cho biết, tổng giá trị hàng hóa cho hai tháng trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 của các DN sản xuất, cung ứng gần 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 743 tỷ đồng so với dịp Tết năm ngoái.

Để tránh tình trạng sốt giá vào những ngày cận Tết, Sở Công Thương TP HCM cho biết, đã chuẩn bị hàng bình ổn tăng từ 15-20% với tổng số tiền hàng khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 20-30% so năm ngoái. Còn tại Hà Nội, căn cứ vào kết quả thực hiện Tết năm 2017 và dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuấn 2018, Sở Công thương Hà Nộiđã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 10-15%. “Lượng hàng hóa cung ứng ra nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau Tết”, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết.

Dự báo trên thị trường Hà Nội trong dịp Tết sẽ tiêu thụ khoảng: 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò, 200 triệu quả trứng, 220.000 tấn rau củ, 12.000 tấn thực phẩm chế biến, 12.000 tấn thủy - hải sản, nông - lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 120.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy. Tại thị trường TP HCM, dự kiến lượng tiêu thụ khoảng 41,1 triệu lít bia và 47,2 triệu lít nước giải khát trong tháng Tết; các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo tiêu thụ khoảng 18.000 tấn…

Đại diện Vissan cho biết, sẽ bổ sung thêm 17 sản phẩm mới như: Chả giò tôm, cua đặc biệt, lạp xưởng tôm đặc biệt, lạp xưởng bò, giò lụa lá chuối, bò trộn lá lốt, gà sấy lá chanh. Công ty CP Saigon Food cũng cho hay sẽ chào bán 16 sản phẩm mới. Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty ThựcphẩmAgrex Saigonkhẳng định, những năm gần đây các doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong chuẩn bị nguồn vốn, cũng như chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm. Đặc biệt, ngoài việc chuẩn bị nguyên liệu đầu vào từ tháng 11 để phục vụ bán hàng Tết, nhiều DN luôn có kế hoạch trữ hàng, nếu cung tăng mạnh, vẫn có thể chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không lo sốt giá dịp Tết

Tại TP HCM, các DN kinh doanh hàng bình ổn dịp Tết dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán hàng, tổ chức thêm hơn 300 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ người dân các huyện ngoại thành và công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc tham gia chương trình bình ổn thị trường đồng nghĩa với việc DN sẽ cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trước và sau Tết một tháng, thậm chí còn giảm giá sâu trong hai ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Các hệ thống phân phối lớn như: Sài Gòn Co.op, Lotte Mart, Satra, BigC, Satra sẽ tổ chức giảm giá hàng nghìn mặt hàng từ 5-49%, trong đó giảm giá nhiều nhất thuộc các loại hàng như: Nước giải khát, bánh, kẹo, mứt.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong thời gian mua sắm cao điểm dịp Tết, DN và nhà phân phối sẽ tổ chức nhiều đợt khuyến mãi lớn với tổng giá trị lên đến 1.200 tỷ đồng. “Dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá”, đại diện Sở Công thương TP.HCM nói.

Tương tự, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội khẳng định, sẽ theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trong đó chú trọng nhóm hàng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết. Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội cũng đã đề nghị các quận, huyện tạo điều kiện và hỗ trợ DN, hộ kinh doanh tổ chức tốt công tác dự trữ hàng hóa. Các DN sản xuất, kinh doanh, các chợ trên địa bàn cần chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, nguyên liệu hợp lý để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường chất lượng và giá cả hợp lý.

Theo Báo Giao Thông