he thong chinh sach

Hiệu ứng từ doanh nghiệp

Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, doanh nghiệp thưởng chẳng mặn mà đầu tư vào sản xuất hay kinh doanh. Cái khó dễ thấy nhất là ở những địa bàn khó khăn, nguồn lao động tại chỗ trình độ thấp, hạ tầng cơ sở kém phát triển, địa hình chia cắt khiến chi phí vận chuyển cao. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp chính là quy mô thị trường nhỏ, sức mua thấp. Hiển nhiên hiếm nhà đầu tư nào mạo hiểm bỏ tiền vào một thị trường quá nhỏ để sinh lời.

Ở góc nhìn của quản lý nhà nước, Chính phủ nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Kết quả là ngày 30 tháng 6 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020.

Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn với kinh phí được huy động từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ khác. Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đạt mức tăng trưởng hàng năm về tổng mức bán lẻ của hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo khoảng từ 10% - 12%, số lượng thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo mỗi năm tăng trung bình 8 - 10%.

Mặc dù là tiền của nhà nước, nhưng nhà nước không thể làm thay mà thông qua doanh nghiệp để phát triển thương mại. Làm sao thuyết phục được doanh nghiệp kinh doanh ở 287 huyện có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn, hầu như không có lợi thế về quy mô thị trường? Nếu không thuyết phục được doanh nghiệp, cụ thể là doanh nghiệp không bị hấp dẫn bởi một thị trường rộng lớn, thì tiền của nhà nước vẫn tiêu, mà mục tiêu phát triển thương mại ở địa bàn khó khăn không đạt được.

Là cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình này, Bộ Công Thương qua các năm đã phối hợp và cấp kinh phí cho một số địa phương triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang.

Qua đó tìm kiếm giải pháp trong việc hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững, tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương cung ứng vào hệ thống phân phối trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các hội nghị, hội thảo này đã hút được hàng trăm đại biểu từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Trung Quốc tham dự.

Đặc biệt, có sự tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo của Việt Nam như: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bến Tre, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, An Giang, Long An, Kiên Giang…

Chợ Bắc Hà, Lào Cai
Chợ Bắc Hà, Lào Cai

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối về xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của hai bên gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giao lưu tìm hiểu đối tác, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa là lợi thế phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Tại các hội nghị, hội thảo, đã kết nối được hơn 60 doanh nghiệp của Việt Nam ký kết hàng trăm hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng hóa với các đối tác Trung Quốc.

Cái hấp dẫn doanh nghiệp ở đây, cái làm cho chính sách “Khuyến khích phát triển thương nhân, các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” thành công chính là tạo ra sự kết nối để hình thành nên chuỗi cung ứng. Lúc này, thị trường không chỉ là thị trường miền núi, hải đảo, nơi người tiêu dùng phần lớn là bà con dân tộc thiểu số mà bao gồm cả thị trường ở những đô thị lớn và thị trường xuất khẩu.

Việc hình thành chuỗi cung ứng đã kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh… tại địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã tạo ra quy mô thị trường lớn gấp nhiều lần thị trường tại nơi sản xuất.

Chính lực lượng doanh nghiệp đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân địa phương khu vực khó khăn.

Cũng chính lực lượng này đã góp phần quan trọng vào hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong rừng Sơn Động, Chè Shan tuyết Mộc Châu, Cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn, Bưởi Đoan Hùng… cùng với nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh khác không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương mà còn cung cấp cho các đô thị lớn và xuất khẩu.

Xây dựng chính sách đặc thù

Bên cạnh đó, Chương trình đã nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, cơ chế thương mại đặc thù với một số huyện đảo, xã đảo, như xây dựng, áp dụng và phát triển cơ chế “biên mậu trên biển” đối với một số huyện đảo, xã đảo; xây dựng mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại một số địa bàn như Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xây dựng được Cơ sở dữ liệu sản phẩm - ngành hàng có lợi thế tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và 35 bộ cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế cho 35 tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Các các đại biểu tham quan khu trưng bày tại Hội nghị Tổng kết Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020
Các các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm tại Hội nghị Tổng kết Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020

Chương trình cũng đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hoạt động kinh doanh tại thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; rà soát phát triển và quản lý chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từ đó nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách đối với quản lý, phát triển chợ, xây dựng các đề án kết nối, phát triển hạ tầng thương mại biên giới; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng (TTXVN, VOV1, VTV1, VTV5…); xuất bản và phát hành trên 10 phim tài liệu, gần 80 phóng sự, và khoảng 2.600 các tin, bài cập nhật đầy đủ, thường xuyên các diễn biến, hoạt động thương mại diễn ra tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Đồng thời cũng đã xây dựng và duy trì chuyên trang thông tin về sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo (website: www.sanphamvungmien.vn), xuất bản và phát hành ấn phẩm “Hàng hóa thương hiệu miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo Việt Nam” để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đối với các mặt hàng là lợi thế của các địa phương.

Những hoạt động đa dạng, phong phú, liên tục của Chương trình trong 5 năm qua đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển hệ thống chính sách; đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương. Đồng thời, tăng cường năng lực cho công chức, viên chức của tỉnh, huyện, xã về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo...

Quyết định số 964/QĐ-TTg đã tạo bước ngoặt quan trọng phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.