Hệ thống chính sách tiền tệ và những tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam

ThS. Phạm Thị Minh Hoa (Trường Đại học Kinh tế -  Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Chính sách tiền tệ là quá trình quản lý hỗ trợ đồng tiền của Chính phủ để đạt được những mục đích như kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái... Chính sách tiền tệ được xem như là một công cụ mạnh mẽ để Chính phủ can thiệp vào nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu ổn định và kiểm soát giá cả. Bài viết này đề cập đến vấn đề hiện nay nền kinh tế của Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới, do đó chịu ảnh hưởng, tác động không nhỏ của nền kinh tế thế giới và khu vực, hệ thống chính sách tài chính tiền tệ sẽ có nhiều tác động đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Từ khóa: Chính sách tiền tệ, doanh nghiệp Việt Nam, hội nhập.

1. Vai trò của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế

Để nền kinh tế của quốc gia luôn phát triển và ổn định, đòi hỏi cần có sự điều hành một cách linh hoạt của Chính phủ thông qua các các công cụ để điều tiết ổn định nền kinh tế vĩ mô, một trong những công cụ quan trọng nhất của Chính phủ đó là chính sách tài chính tiền tệ. Chính sách tài chính tiền tệ và hệ thống các ngân hàng có tầm quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia và nó được ví như hệ thống mạch máu của cơ thể sống, bởi những yếu tố sau:

Chính sách tài chính tiền tệ làm tăng trưởng kinh tế đây là mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất đối với mỗi quốc gia. Bởi vậy, chính sách tiền tệ phải nhằm vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng hay giảm khối tiền tệ thích hợp và chính sách tài chính tiền tệ giúp ổn định giá cả, giúp cho Nhà nước hoạch định được phương hướng phát triển kinh tế một cách có hiệu quả hơn, vì nó loại trừ được sự biến động của giá cả. Việc ổn định giá cả giúp cho môi trường đầu tư ổn định, góp phần thu hút vốn đầu tư, khai thác mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy các doanh nghiệp, cũng như các cá nhân sản xuất đem lại nguồn lợi cho mình cũng như xã hội.

Chính sách tài chính tiền tệ cũng sẽ làm ổn định lãi suất, với mong muốn có một sự ổn định lãi suất vì những biến động của lãi suất làm cho nền kinh tế bấp bênh và khó lập kế hoạch cho tương lai. Ổn định lãi suất chính là thực hiện lãi suất tín dụng cung ứng phương tiện thanh toán, cho nền kinh tế quốc dân thông qua nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, dựa trên các quỹ cho vay được tạo lập từ các nguồn tiền gửi của xã hội và với một hệ thống lãi suất mềm dẻo phải linh hoạt, phù hợp với sự vận động của cơ chế

thị trường.

Chính sách tài chính tiền tệ làm ổn định thị trường tài chính để điều hành nền kinh tế của mỗi chính phủ. Ổn định thị trường tài chính cũng được thúc đẩy bởi sự ổn định lãi suất, bởi vì biến động trong lãi suất có thể gây nên sự mất ổn định cho các tổ chức tài chính. Những năm gần đây, sự biến động mạnh của lãi suất là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với các hiệp hội tiết kiệm và cho vay làm cho các đơn vị này đã gặp khó khăn về tài chính.

2. Rủi ro tài chính và nguyên nhân

Trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thường mong muốn đạt được mức lợi nhuận cao nhất, nhưng trong thực tế, khi đầu tư đạt được mức lợi nhuận càng cao thì mức độ rủi ro mà các nhà đầu tư phải đối mặt cũng sẽ càng lớn và ngược lại. Theo cách hiểu phổ biến nhất hiện nay cho rằng, rủi ro tài chính là một trạng thái biểu hiện nguy cơ bất ổn xảy ra trong hoạt động đầu tư dẫn đến hiệu quả đầu tư thực tế không đạt được mức lợi nhuận như dự kiến làm cho hoạt động tài chính của người đầu tư bị vào trạng thái khó khăn như thua lỗ, phá sản…

Rủi ro tài chính luôn gắn liền với nền kinh tế thị trường, nguyên nhân của rủi ro tài chính là do sự biến động của giá cả thị trường khiến cho các nhà đầu tư bị bất lợi trong kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư tài chính của mình. Tác động của rủi ro tài chính sẽ rất sâu và rộng nếu nó xảy ra trong lĩnh vực nhạy cảm, trong khi chúng ta lại không có biện pháp ngăn chặn kịp thời có thể sẽ dẫn tới bùng nổ và trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể:

Rủi ro tài chính trong kinh doanh bất động sản bởi những cơn sốt bất động sản đã châm ngòi cho sự đầu tư ồ ạt vào kinh doanh trong lĩnh vực này đã gây ra hậu quả là kinh doanh bất động sản trở thành siêu lợi nhuận và cả xã hội đổ xô vào kinh doanh, làm cho tài nguyên và nguồn lực của quốc gia thay vì được đầu tư vào các ngành sản xuất, xây dựng cơ bản, kỹ thuật công nghệ thì lại tập trung quá nhiều vào kinh doanh nhà đất. Ngoài ra, do cơn sốt bất động sản, khả năng trả nợ của người kinh doanh bất động sản đã đến giới hạn cực kỳ nguy hiểm, tạo ra mầm mống của rủi ro tài chính.

Trong kinh doanh chứng khoán cũng tương tự như “cơn sốt” nhà đất, chứng khoán, cũng làm cho tài sản của các nhà đầu tư tăng lên nhanh chóng, nhưng có sự khác biệt giữa bất động sản và cổ phiếu được thể hiện ở chỗ thông qua thị trường chứng khoán giá trị cổ phiếu có thể được xác lập và chuyển hóa ngay, trong khi giá bất động sản thì không thể xác định ngay được.

Đối với lĩnh vực ngân hàng rủi ro tài chính thường được chia thành 2 loại là rủi ro về hoạt động nghiệp vụ và rủi ro trong hoạt động đầu tư.

Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Việt Nam được đánh giá là thiếu minh bạch và mất ổn định do giá cả không phản ánh đúng quan hệ cung cầu. Rủi ro tài chính trong lĩnh vực này xẩy ra là do còn thiếu chuyên nghiệp và lạm dụng quá mức đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp bất động sản. Khi giá bất động sản tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã đổ vốn vào đầu tư với hy vọng thu được lợi nhuận nhanh nhưng nguồn vốn chủ sở hữu không đủ các doanh nghiệp đầu tư nên họ đã tìm mọi cách để huy động vốn từ ngân hàng với lãi suất cao.

3. Chính sách tiền tệ tác động đến doanh nghiệp trong thời gian qua

Với mục đích xử lý tình trạng các ngân hàng đua tranh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút các nguồn tiền gửi từ dân cư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một loạt các biện pháp áp trần lãi suất huy động đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam, đồng thời cũng đã thực hiện các biện pháp hướng dòng tiền đến khu vực sản xuất, hạn chế tín dụng vào khu vực phi sản xuất.

Những tác động của Chính phủ về chính sách tiền tệ đến hoạt động của doanh nghiệp trong những năm gần đây bằng việc thắt chặt tiền tệ bước đầu đã có kết quả tích cực, kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã có dấu hiệu khởi sắc như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ đã đưa nền kinh tế vào tình trạng khát vốn, đẩy hầu hết các doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, đến đầu tháng 5/2019, có hơn 40% doanh nghiệp Việt nam không vay vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Trong số các doanh nghiệp vay vốn thì khoảng trên 50% doanh nghiệp vay từ ngân hàng thương mại nhà nước, gần 30% có vay vốn từ ngân hàng thương mại cổ phần, số còn lại phải vay vốn từ bạn bè, người thân... Hiện tại, còn khá nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay ngân hàng do rào cản đầu tiên và lớn nhất phải kể đến đó là lãi suất cao, thủ tục phiền hà, không có tài sản thế chấp hoặc phải trả thêm phụ phí, không có vốn đối ứng. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2018 cũng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã vay vốn với lãi suất khá cao, có khoảng 75,5% số doanh nghiệp đã phải trả mức lãi suất từ 16% trở lên, trong số đó có hơn một nửa số doanh nghiệp phải trả mức lãi suất từ 18% trở lên.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

Trong những năm qua, tình hình khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cao, muốn giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ từ nhiều phía cụ thể:

Thứ nhất là, về phía Nhà nước và các cơ quan chức năng

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, một mặt vừa kiềm chế lạm phát, vừa giải quyết bài toán khó khăn về vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thay vì chỉ kiểm soát lãi suất huy động cần có biện pháp chặt chẽ hơn để kiểm soát lãi suất cho vay bởi bản thân các ngân hàng thương mại cũng cần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bằng cách cắt giảm chi phí, hạ chỉ tiêu lợi nhuận, hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều hành tiền tệ chặt chẽ chưa phải là biện pháp giải quyết tận gốc mà vấn đề còn nằm ở chi tiêu ngân sách. Trên thực tế, các giải pháp về tiền tệ đang được thực hiện khá quyết liệt và có những kết quả bước đầu trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, song các khoản cắt giảm và kiểm soát các hoạt động đầu tư công chưa đem lại hiệu quả cao.

Bởi vậy, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính trong đầu tư công, cụ thể hóa tiêu chí và các dự án cần cắt giảm trong chính sách tài khóa, cải tiến trong khâu thẩm định và ra quyết định đầu tư. Các giải pháp về tài khóa được thực hiện tốt sẽ phối hợp, bổ sung cho chính sách tiền tệ, có như vậy kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bền vững hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp phát triển.

Thứ hai là, về phía các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cần lựa chọn phương án sản xuất - kinh doanh phù hợp hơn với điều kiện vay vốn khó khăn. Với các nguồn vốn vay lãi suất cao các doanh nghiệp cần lựa chọn phương án đầu tư và kinh doanh có hiệu quả cao nhất để có thể sử dụng tốt các nguồn vốn này, đặc biệt tránh đầu tư tràn lan. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn nữa trong việc liên doanh, liên kết giữa các thành viên trong hội để đầu tư vào các dự án khả thi. Các doanh nghiệp cần huy động thêm các nguồn vốn khác từ nội bộ cán bộ nhân viên của doanh nghiệp và các hình thức liên kết khác để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Các doanh nghiệp cần thúc đẩy quản trị doanh nghiệp hiện đại và tăng cường minh bạch, điều này sẽ thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng tính hấp dẫn, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

5. Kết luận

Chính sách tài chính tiền tệ thực sự quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia nhằm đạt mục đích như kiềm chế lạm phát duy trì ổn định nền kinh tế… Để đạt được mục tiêu trên,  Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tài chính tiền tệ sao cho chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế .

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo cáo Tình hình kinh tế- tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (2018).
  2. TS. Nguyễn Đình Cung: “Khó khăn của doanh nghiệp: Vấn đề và giải pháp”.
  3. TS. Nguyễn Đức Thành: “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015”.

MONETARY POLICY SYSTEM AND IMPLICATIONS

FOR VIETNAMESE BUSINESSES

PHAM THI MINH HOA

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Monetary policy system aims to administrate and support the currency of the government which leads to the realization goals such as controlling inflation, maintaining a stable exchange rate, etc. Monetary policy is considered as a tool which helps the government intervene in the economy to managing the price control. This article deals with the current issue of Vietnam's economy being deeply integrated with regional and international economy. Financial and monetary policy system will have many impacts on Vietnamese enterprises in the integration process.

Keywords: Monetary policy, Vietnamese businesses, integration.