TÓM TẮT:

Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/03/2002 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa IX đánh dấu bước thay đổi quan trọng đối với phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tiếp theo, Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 ra đời đánh dấu sự thay đổi căn bản về vị trí và vai trò của mô hình HTX kiểu mới trong phát triển kinh tế tập thể. Kể từ khi chuyển đổi và hoạt động theo mô hình mới, HTX đã có những thành công nhất định. Bài viết này nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới, trên cơ sở đó tìm ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp để HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả hơn, thực sự trở thành động lực chính để phát triển kinh tế tập thể ở nước ta.

Từ khóa: Hợp tác xã, kinh tế tập thể, hiệu quả hoạt động, Luật Hợp tác xã năm 2012.

1. Mở đầu

Nhận thức về mô hình HTX đã thay đổi căn bản kể từ khi Luật HTX 2012 được Quốc hội khóa XVIII thông qua ngày 20/11/2012 tại kỳ họp thứ 4. Theo Luật HTX 2012, nội hàm của HTX kiểu mới đã được làm rõ. Một là mục tiêu hoạt động của HTX kiểu mới là vì lợi ích của các thành viên và lợi ích này được phân phối đến các thành viên theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, theo công sức đóng góp và phần còn lại chia theo vốn góp. Như vậy, nội hàm này đã khắc phục được nhược điểm của Luật HTX 2003 khi coi HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp (DN) dẫn đến nhầm lẫn trong xác định mục tiêu của HTX. Bản chất của HTX theo Luật HTX 2012 là phục vụ lợi ích của các thành viên, khác với bản chất của DN là tối đa hóa lợi nhuận và phân phối theo vốn góp. Bên cạnh đó, về quan hệ sở hữu, theo Luật HTX 2012, thành viên HTX vừa là đồng sở hữu, vừa là khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của HTX. Do vậy, đối tượng phục vụ chính của HTX theo luật mới là các thành viên HTX. Luật HTX 2012 ra đời đã khẳng định đúng bản chất của HTX kiểu mới là tổ chức được thành lập trên tinh thần tự nguyện, hoạt động vì lợi ích của các thành viên và thể hiện tính đối nhân sâu sắc. Đây là nòng cốt của thành phần kinh tế tập thể và là động lực để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn nước ta.

2. Thực trạng hoạt động của các HTX kiểu mới

2.1. Những thành công nổi bật

Kinh tế tập thể đã thoát khỏi tình trạng yếu kém, kinh tế hợp tác, hợp tác xã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế. Đóng góp của khu vực HTX thông qua hai kênh một là đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước và hai là đóng góp vào phát triển kinh tế hộ, cá thể là thành viên HTX thông qua tạo việc làm, giảm chi phí đầu vào, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo,...

Các  HTX kiểu mới tăng lên rất nhanh cả về số lượng, chất lượng và lĩnh vực hoạt động kể từ khi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/02/2002 được ban hành. 

so_luong_hop_tac_xa

Nguồn: Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX (2019)

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, tính đến năm 2019, số HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 55% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50%-80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, số hợp tác xã (HTX) thành lập mới đạt 1.598 HTX giải thể, 341 HTX yếu kém; thành lập mới 02 liên hiệp hợp tác xã (LHHTX). Năm 2019, số HTX đang hoạt động bao gồm 14.379 HTX, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 1.923 HTX, thương mại: 1.944 HTX, vận tải và dịch vụ vận tải: 1.375 HTX, xây dựng - sản xuất vật liệu xây dựng: 852 HTX, môi trường: 483 HTX, quỹ tín dụng nhân dân: 1.180 Quỹ, dịch vụ (y tế, nhà ở, giáo dục, du lịch sinh thái...) 454 HTX. Có 54/63 tỉnh, thành phố tăng số lượng HTX. Trong 9 tháng, cả nước thành lập mới 02 LHHTX, nâng tổng số LHHTX toàn quốc đạt 76, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, vận tải. Cả nước có trên 100 nghìn tổ hợp tác (THT), trong đó THT nông nghiệp chiếm 32%, phi nông nghiệp chiếm 68% với các hình thức hợp tác đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Theo thống kê, 15 THT đã được tư vấn, chuyển đổi thành mô hình HTX trong 9 tháng đầu năm 2019[1].

Quy mô vốn hoạt động và tổng tài sản của các HTX kiểu mới cũng tăng nhanh qua các năm.

quy_mo_von_hoat_dong_va_tong_tai_san_cua_cac_htx

Nguồn: Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX (2019)

Đến tháng 9/2019, tổng vốn điều lệ của các HTX là 32 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi HTX là 1,3 tỷ đồng/HTX; tổng tài sản 171 nghìn tỷ đồng, bình quân 7,7 tỷ đồng/HTX. Trong đó, Quỹ tín dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/Quỹ; doanh thu bình quân HTX 4,2 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 305 triệu đồng/HTX[2].

Kết quả hoạt động của các HTX có nhiều khởi sắc. Đến tháng 9/2019, cả nước có khoảng 1.500 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài. Các hợp tác xã này cũng tích cực áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm. Mối quan hệ giữa các HTX cũng  được củng cố và tăng cường để hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho thành viên HTX và  người dân địa phương. Cụ thể, doanh thu bình quân của các HTX kiểu mới tăng rõ rệt từ 854,6 triệu đồng/năm vào năm 2003 thì năm 2018 đã tăng lên 4477,3 triệu đồng/năm. Theo đó cả lãi bình quân của một HTX và thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng tăng (Biểu 3). Kết quả hoạt động của các HTX kiểu mới từ sau khi thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/02/2002 đã thay đổi rõ rệt.

ket_qua_hoat_dong_cua_cac_htx

Nguồn: Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX (2019)

Không chỉ tăng hiệu quả hoạt động của mình, các HTX còn là nơi tạo việc làm thường xuyên cho lực lượng lớn lao động nông thôn. Tính đến tháng 9/2019, tổng số lao động thường xuyên làm trong các HTX khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân là 45 triệu đồng/năm/người[3]. Số lượng lao động thường xuyên trong các HTX từ 2003 đến nay có xu hướng tăng lên (Biểu 4) cho thấy sự mở rộng quy mô của loại hình kinh tế tập thể này. 

so_luong_lao_dong_thuong_xuyen

Nguồn: Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX (2019)

2.2. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Trong thời gian qua, HTX kiểu mới đã thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế hộ cá thể là thành viên thông qua những hỗ trợ quan trọng như tạo việc làm, cải thiện thu nhập, cung cấp dịch vụ nông nghiệp,... Đã xuất hiện các HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng và có doanh thu cao như HTX Evergrowth (Sóc Trăng), HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng),… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của mình. Thực tế, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, rất nhiều HTX không có trụ sở làm việc kiên cố, thiếu nhân lực có trình độ,... Lợi ích trực tiếp của HTX mang lại cho các thành viên chưa nhiều, và mới, chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón,... Các HTX vẫn còn hoạt động rời rạc, ít liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Nhìn chung hiệu quả kinh tế của các HTX chưa cao. Đóng góp của HTX vào tăng trưởng GDP còn ở mức hạn chế. Năm 2013, kinh tế hợp tác đóng góp quy mô 7,49% GDP năm 2019 chỉ có 4% GDP[4], điều này cho thấy hiệu quả kinh tế của các HTX còn thấp.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trên gồm:

- Nhận thức về vị trí, vai trò của HTX kiểu mới trong phát triển kinh tế xã hội của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị còn hạn chế. Do vậy, dẫn đến ở một số địa phương công tác chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn hình thức, mới chỉ dừng ở chủ trương, chưa xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, chưa có cơ chế và chính sách hỗ trợ các HTX kiểu mới phát triển[5].

- Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX mặc dù đã được ban hành, tuy nhiên công tác triển khai còn nhiều hạn chế, nhiều chính sách chưa được thực hiện như chính sách giao đất, vay vốn, xây dựng kết cấu hạ tầng… Một số chính sách đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách hỗ trợ sản phẩm[6]. Những bất cập trong thực thi các chính sách đối với HTX đã khiến các HTX gặp khó khăn trong tiếp cận vốn và khoa học công nghệ, cũng như thị trường tiêu thụ.

- Chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi giúp cho người dân tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại.

- Bộ máy quản lý nhà nước đối với các HTX còn yếu; cán bộ quản lý nhà nước đối với các HTX đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế; công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế [7].

- Năng lực trình độ cán bộ quản lý HTX hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường…

- Tâm lý e ngại đối với hợp tác xã kiểu cũ vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong đông đảo tầng lớp nhân dân và cán bộ quản lý HTX, cùng với mô hình HTX kiểu mới mặc dù có nhiều thành tựu, nhưng cũng chưa thực sự tạo ra sức cuốn hút đủ mạnh để huy động được sự tham gia của các thành viên vào hoạt động chung của HTX. Điều này dẫn đến tâm lý ngại chuyển đổi HTX sang hoạt động theo mô hình mới.

3. Định hướng, giải pháp phát triển HTX kiểu mới trong thời gian tới

Trong thời gian tới, để phát triển HTX kiểu mới cần tập trung vào các giá trị trung tâm là phải có  “tầm nhìn dài hạn, lợi ích chia sẻ bền vững giữa thành viên HTX - người lao động - khách hàng - người tiêu dùng - đối tác, và đổi mới sáng tạo”[8] trên nền tảng tổ chức quản trị hiện đại theo cơ chế thị trường. Dẫn dắt sự phát triển phong trào HTX theo phương châm ngắn gọn là “Khuyến khích, Hỗ trợ, Học hỏi và Truyền bá”9. Nghĩa là, tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho HTX hoạt động, phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của các HTX, các xã viên. Nhân rộng những mô hình HTX hiệu quả.

Các giải pháp cần thực hiện đồng bộ trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới bao gồm:

(1) Các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về về bản chất, vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KTTT thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội. Phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức HTX và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và của cả nước; đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi”9. Liên kết, hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp, coi đây là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ và giải quyết các vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân trong giai đoạn phát triển tới.

(2) Nhà nước cần tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp. Cần rà soát lại các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, chính sách đất đai, chính sách tài chính-tín dụng, chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng,... để tạo thuận lợi hơn cho KTTT, HTX, tổ hợp tác phát triển. Chính quyền các cấp cần có quan tâm cụ thể hơn đối với HTX để tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực.

(3) Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT. Cần xây dựng bộ máy quản lý nhà nước đối với KTTT và HTX tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước này; có chế độ đãi ngộ phù hợp để các cán bộ làm trong lĩnh vực này yên tâm công tác và cống hiến. Cần chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT và HTX, đồng thời chú trọng tổng kết thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho khu vực này và nhân rộng những mô hình KTTT hiệu quả.

(4) Thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ về làm việc cho các HTX, đặc biệt là cán bộ quản lý HTX. Muốn làm được như vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ hiện tại trong các HTX, đồng thời đổi mới chính sách đãi ngộ để thu hút được người tài.

(5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội để tuyên truyền giúp người dân và cán bộ các cấp chính quyền nhận thức rõ sự thay đổi trong mô hình HTX kiểu mới, xóa bỏ tâm lý e ngại khi chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang mô hình HTX kiểu mới.

(6) Xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Liên minh HTX Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố để tránh trùng lặp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT và HTX các cấp.

(7) Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh. Tập trung hình thành và phát triển các mạng lưới tư vấn, hỗ trợ các HTX mới thành lập về pháp lý, về quản trị sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1,2,3] Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX (2019), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/02/2002.

[4] Bộ Kế hoạch đầu tư, Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW

[5] Nguyễn Thị Thu Hoài (2019), http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phat-trien-kinh-te-hop-tac-xa-viet-nam-trong-boi-canh-moi-318057.html

[6] Bộ Kế hoạch đầu tư, Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW

[7] Nguyễn Thị Thu Hoài (2019), http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phat-trien-kinh-te-hop-tac-xa-viet-nam-trong-boi-canh-moi-318057.html

[8,9] Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện NQTW5 khóa IX, http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=377374

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Trung ương (2002), Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
  2. Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển Kinh tế tập thể, Hợp tác xã (2019), Tài liệu Hội nghị toàn quốc, Tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Hà Nội, tháng 10/2019.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.
  4. Đức Tuân, Quang Hiếu (2019), Thủ tướng: Không hợp tác thì làm sao chống chọi được trong kinh tế thị trường, Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện NQTW5 khóa IX, http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=377374
  5. Nguyễn Thị Thu Hoài (2019), Phát triển kinh tế hợp tác xã Việt Nam trong bối cảnh mới, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 11/2019.
  6. Quốc hội (2003; 2012), Luật Hợp tác xã 2003; Luật Hợp tác xã 2012.

 

THE PERFORMANCE OF NEW COOPERATIVES IN VIETNAM

Ph.D NGO THI NGOC ANH

Institute of Economics, Ho Chi Minh National Academy of Politics

ABSTRACT:

Resolution No. 13 / NQ-TW dated March 18, 2002 which was passed on the 9th National Congress of the Communist Party of Vietnam marks an important step in the development of collective economy in the country’s development of socialist-oriented market economy. In addition, the promulgation of Law on Cooperatives in 2012 marks a fundamental change in the position and the role of cooperatives in the development of collective economy. Since the transformation and operating under the new model, cooperatives have gained certain successes. This paper is to evaluate the performance of cooperatives to find out shortcomings and limitations. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to enhance the performance of cooperatives, making them become the main driving force in the development of collective economy in Vietnam.

Keywords: Cooperatives, collective economy, efficiency, 2012 Law on Cooperatives.