Hiệu quả kinh tế - xã hội của Chương trình 135 ở Tây Nguyên - Nghiên cứu điển hình tại tỉnh Đắk Lắk

TS. NGUYỄN VĂN ĐẠT (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Tây Nguyên) và LÊ NGỌC VINH (Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk)

 

TÓM TẮT:

Chương trình 135 là Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Đây là Chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam do Nhà nước Việt Nam triển khai bắt đầu giai đoạn I từ năm 1999 - 2005.

Bài viết nhằm tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được, tìm nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình 135, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững ở Vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng trong thời gian tới.

Từ khóa: Chương trình 135, kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk.

 1. Đặt vấn đề

Chương trình 135 là Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Đây là Chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam do Nhà nước Việt Nam triển khai bắt đầu giai đoạn I từ năm 1999 - 2005. Chương trình được biết đến rộng rãi dưới tên gọi Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau hơn 20 năm thực hiện, Chương trình 135 đã trải qua nhiều giai đoạn, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, đời sống người dân có sự chuyển biến theo hướng tích cực.

 Toàn tỉnh Đắk Lắk năm 2015 có 421.250 hộ dân, số hộ nghèo là 81.592 hộ, chiếm tỷ lệ 19,37% (Trong đó: Hộ nghèo dân tộc thiểu số 50.322, chiếm tỷ lệ 61,68%; số hộ cận nghèo là 34.884 hộ, chiếm tỷ lệ 8,28%) (UBND tỉnh Đắk Lắk, 2016).

Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được như: Tỷ lệ thôn, buôn có điện, đường, lớp học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi... tăng lên; đội ngũ cán bộ cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng; an ninh chính trị, trật tự an toàn - xã hội được giữ vững.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó, Chương trình 135 vẫn còn những hạn chế nhất định: Mục tiêu giảm nghèo chưa đạt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao là 46.033 hộ - chiếm tỷ lệ 9,33%, cận nghèo là 43.911 hộ - chiếm tỷ lệ 8,9%. Trong đó, hộ nghèo là người DTTS 30.589 hộ, chiếm tỷ lệ 66,45% (UBND tỉnh Đắk Lắk, 2020).

Bài viết nhằm tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được, tìm nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình 135, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững ở Vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng trong tương lai.

dak lak
Chương trình 135 đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững ở Vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Các văn bản quản lý nhà nước có liên quan

 Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu quan trọng, góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội nông thôn vùng dân tộc thiểu số, góp phần tích cực trong công tác phát triển văn hóa, giáo dục và y tế, giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các xã trong vùng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu.

Nghị quyết số 80/NQ-CP, ngày 19/5/2011, của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020.

Tiếp nối thành công của giai đoạn I, Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai thực hiện từ năm 2006 - 2010. Trong giai đoạn III, Chương trình 135 được chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2011 - 2015 và từ năm 2016 - 2020. Giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình được phê duyệt tại Quyết định số 551/QĐ-TTg, ngày 04/4/2013, của Thủ tướng Chính phủ.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 100/2015/QH13 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

  Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình 135 là Dự án 2 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02/9/2016, của Thủ tướng Chính phủ.

  Nội dung Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm:

- Tiểu dự án 1 - Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

 - Tiểu dự án 2 - Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

 - Tiểu dự án 3 - Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn buôn đặc biệt khó khăn.

Hiệu quả kinh tế - xã hội của Chương trình 135 được xác định bằng tỷ lệ so sánh giữa đầu ra và đầu vào của hệ thống sản xuất xã hội, phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực của chương trình (tài sản, lao động, nguồn vốn,....) vào việc tạo ra các lợi ích vật chất, tinh thần nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư của Chương trình 135 đó là: i) Thu nhập bình quân đầu người; ii) Tỷ lệ hộ nghèo; iii) Số công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, số phòng học...

2.2. Phương pháp nghiên cứu

  • Phương pháp thu thập số liệu:

Số liệu thứ cấp được thu thập từ các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Đắk Lắk, gồm: Ban Dân tộc tỉnh; Sở Lao động,Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, và một số Sở, ngành có liên quan của tỉnh.

Số liệu sơ cấp: Trong nghiên cứu này, để xác định dung lượng mẫu điều tra, tác giả sử dụng công thức Slovin (1960) để xác định quy mô mẫu điều tra, cụ thể:

     Dung lượng mẫu theo công thức tính mẫu Slovin:

dung_luong_mau_theo_cong_thuc_tinh_mau_slovin

Với n: Quy mô mẫu, N: Số lượng tổng thể, e: Sai số chuẩn (sai số cho phép e = 5%).

Theo công thức trên, số phiếu cần khảo sát là 396 phiếu. Nhóm tác giả đã phát ra 450 phiếu, thu về được 432 phiếu, sau khi làm sạch, sàng lọc còn 398 phiếu hợp lệ được đưa vào phân tích, đây là những hộ đã tham gia và được hưởng lợi từ Chương trình 135.

  • Phương pháp tổng hợp, xử lý số liệu: Số liệu được tổng hợp, xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel 2016.
  • Phương pháp phân tích: Phương pháp thống kê mô tả, thống kê so sánh và phương pháp chuyên gia.  
giao thong

Cơ sở hạ tầng của xã Ea Lai (huyện M’Đrắk) được đầu tư, xây dựng tạo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thực trạng

3.1.2. Đánh giá hiệu quả của Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
3.1.2.1. Hiệu quả về xã hội

Tình hình kinh tế - xã hội của các xã, thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 đã có những chuyển biến rõ rệt, cơ sở hạ tầng tại các xã đã được cải tạo và nâng cấp đáng kể. Các công trình phục vụ thiết yếu cho đời sống của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các xã như giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt... đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn, cũng như cải thiện rõ nét cuộc sống của người dân sống trên địa bàn các xã được đầu tư Chương trình 135. (Bảng 1)

Bảng 1. Đánh giá của người dân về hiệu quả các công trình

danh_gia_cua_nguoi_dan_ve_hieu_qua_cac_cong_trinhCụ thể, hiệu quả của các công trình được người dân đánh giá cao như: Công trình trường học 82,7%, Công trình điện 76,0%, Trạm y tế 70,0%. Bên cạnh đó, có công trình cấp nước sinh hoạt người dân chưa thực sự hài lòng và đánh giá không hiệu quả lên tới 16,7%.

Đến nay, trên địa bàn xã không còn tình trạng đường giao thông nông thôn lầy lội vào mùa mưa, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, các tuyến kênh, mương nội đồng được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển kinh tế nông nghiệp.

Xã đã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% xã có bác sĩ, 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% xã, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.

100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các báo chí, các ấn phẩm và các sản phẩm truyền thông khác.

Tổng kinh phí giao để thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ giai đoạn 2017 - 2019 là 287.288 triệu đồng. Đã thanh toán nợ cho 18 công trình; khởi công mới 675 công trình gồm: 595 công trình giao thông, 17 công trình thủy lợi, 17 công trình giáo dục, 45 công trình văn hóa và 01 công trình trạm bơm điện. Duy tu bảo dưỡng 64 công trình trên địa bàn các xã được đầu tư của Chương trình 135. (Bảng 2)

Bảng 2. Đánh giá của người dân về hiệu quả hỗ trợ của các dự ánhieu_qua_ho_tro_cua_cac_du_an Nguồn: Kết quả xử lý số liệu điều tra

Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2019 là 56.452 triệu đồng. Tổng số dự án đã thực hiện là 300 dự án, hỗ trợ cho 5.249 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện, xã. Trong đó: 265 dự án chăn nuôi; 28 dự án trồng trọt; 5 dự án hỗ trợ vật tư, phân bón và 02 dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị; mua vắc xin lở mồm long móng là 199.200 liều vắc xin với kinh phí 5.000 triệu đồng.

Bên cạnh đó, kinh phí giai đoạn 2017 - 2019 để thực hiện nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở Chương trình 135 là 12.079 triệu đồng. Tổ chức 31 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng, với 3.463 học viên tham dự, 26 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở với 2.639 học viên tham dự và tổ chức 03 đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh.

sau rieng
Tình hình kinh tế - xã hội của các xã, thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 đã có những chuyển biến rõ rệt
3.1.2.2. Hiệu quả về kinh tế

Nhìn chung, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học… đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, cơ bản đều phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi, được người dân đồng tình tham gia ủng hộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đời sống của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần chuyển đổi mạnh về cơ cấu kinh tế cho nhân dân, đặc biệt là giúp người dân về kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa. Thực tế, qua các năm trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ các loại cây giống như cao su, cà phê, bời lời, giống lúa năng xuất cao,... các loại con giống như trâu, bò, lợn, dê sinh sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bảng 3. Thu nhập của các nhóm hộ hưởng lợi từ chương trình 135

giai đoạn  2017 - 2019

ĐVT: triệu đồng/hộ

thu_nhap_cua_cac_nhom_ho_huong_loi_tu_chuong_trinh_135

Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra

Kết quả điều tra cho thấy, thu nhập của hộ gia đình liên tục tăng theo từng năm. Kết quả, năm 2017 thu nhập bình quân mỗi hộ là 29,5 triệu đồng; năm 2018 đạt 36,2 triệu đồng và năm 2019 bình quân đạt 42,9 triệu đồng/hộ/năm.

Tính riêng năm 2019, bình quân mỗi hộ có thu nhập là 42,9 triệu đồng. Số nhóm hộ có thu nhập cao nhất là nhóm người Kinh (50,8 triệu đồng/hộ/năm); tiếp đến là nhóm người Nùng (47,1 triệu đồng /hộ/năm), thấp nhất là nhóm người Mông (34,6 triệu đồng/hộ/năm). Đây cũng là nhóm hộ có số nhân khẩu bình quân lớn nhất so với các nhóm hộ khác.

Bên cạnh đó, nhóm hộ người Dao có số thu nhập/lao động/năm là thấp nhất so với các nhóm hộ khác do nhóm hộ này có số lượng người đang trong độ tuổi lao động cao hơn so với các nhóm khác nhưng cách thức sản xuất không mang lại hiệu quả cao. (Bảng 4)

Bảng 4. Thu nhập của người dân hưởng lợi từ chương trình 135 năm 2019

thu_nhap_cua_nguoi_dan_huong_loi_tu_chuong_trinh_135_nam_2019 Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra

Từ những phân tích trên, về thu nhập, ta thấy rằng thu nhập các nông hộ là không đồng đều giữa các năm, giữa lao động, giữa nhân khẩu và nhóm dân tộc.

Nhờ sự tập trung nguồn lực của Chương trình 135 kết hợp với các nguồn lực đầu tư khác nên hệ thống cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từng bước được đầu tư xây dựng đạt chất lượng tốt và phát huy hiệu quả, tạo tiền đề thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng thành thị và nông thôn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương được củng cố và giữ vững.

3.2. Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Chương trình 135 đầu tư, hỗ trợ những vùng thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhất là về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Công tác điều hành, quản lý, tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 135 ở một số huyện, xã chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện; việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư còn lúng túng, việc huy động các nguồn lực lồng ghép với các nguồn lực địa phương trong quá trình thực hiện dự án còn hạn chế.

Còn có các vướng mắc, bất cập trong bố trí vốn bổ sung từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Trung ương, Chính phủ chậm phê duyệt kết quả rà soát phân định 3 khu vực, thôn đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập; thời gian qua đã có quan tâm thực hiện nhưng kết quả đạt được chưa cao.

Quản lý các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn Chương trình 135 vẫn là khâu yếu kém. Đội ngũ thực hiện Chương trình năng lực còn hạn chế.

trong tieu
 Chương trình 135 góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa

3.3 Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Giải pháp đối với việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Cần phải đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua việc hỗ trợ đầu tư các cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm; hỗ trợ phát triển chăn nuôi, đầu tư xây dựng như thủy lợi, khôi phục và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn.     

Giải pháp đối với nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng đặc biệt khó khăn. Cần chọn lựa các công trình đầu tư thiết thực, phát huy tác dụng nhanh, giải quyết kịp thời các yêu cầu cấp bách, phục vụ đời sống và sinh hoạt. Tập trung nhiều hơn cho các công trình có quy mô nhỏ và vừa, tính kỹ thuật giản đơn, chủ yếu ở cấp xã, thôn, buôn.

Giải pháp đối với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Tổ chức khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ cơ sở, công chức người dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Giải pháp đối với đối tượng thụ hưởng. Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người nghèo, tạo ý chí phấn đấu, phát huy khả năng tự cứu vươn lên thoát nghèo, không cam phận đói nghèo. Đào tạo nghề cho người nghèo, thực hiện công tác khuyến nông, lâm, ngư, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn.

 

Giải pháp nhằm tạo cơ hội cho người nghèo. Các chính sách phải được hoạch định trên cơ sở tạo điều kiện cho người nghèo hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, các giống cây trồng, vật nuôi, phương pháp canh tác, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ công. Đẩy mạnh năng lực mạng lưới y tế, nhằm phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo. Nâng cao dịch vụ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp huyện là cán bộ tham gia xóa đói giảm nghèo.

Giải pháp nhằm tạo sự an toàn cho người nghèo. Quy hoạch tạo tuyến dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao như lũ quét, sạt lở đất. Ngăn ngừa khắc phục tình trạng trẻ em lao động sớm, thực hiện tốt công tác bình đẳng giới. Giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư, duy trì phát triển chính sách an sinh - xã hội.

4. Kết luận

Sau hơn 20 năm triển khai, Chương trình 135 đã để lại nhiều dấu ấn trên các buôn làng Tây Nguyên với những dự án dân sinh, hợp lòng dân. Không chỉ cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, hoàn toàn thay đổi bộ mặt nông thôn mà nhiều công trình 135 còn thúc đẩy kinh tế địa phương, giúp người dân vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số tăng thu nhập cho hộ gia đình; từng bước tạo động lực để vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135, bài báo đã đi sâu phân tích những khó khăn vẫn còn tồn tại như: (i) Công tác điều hành, quản lý, tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 135 ở một số huyện, xã chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện; (ii) Các vướng mắc, bất cập trong bố trí vốn; (iii) Trung ương, Chính phủ chậm phê duyệt kết quả rà soát phân định 3 khu vực, thôn đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đề xuất 7 nhóm giải pháp mang tính khả thi để thực hiện chương trình một cách hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo, nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên một cách bền vững trong tương lai. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk (2020), Báo cáo số 33/BC-BDT ngày 13/01/2020, Kết quả thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.
  2. Vũ Thị Bình và cộng sự (2005), Giáo trình Quy hoạch phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
  3. Đinh Phi Hổ (2003), Kinh tế nông nghiệp - Lý thuyết và thực tiễn, NXB Thống kê, Hà Nội.
  4. Sở NN&PTNT Đắk Lắk (2018), Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 204/QĐ-TTg về việc Phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016, Hà Nội.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2011), Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.
  7. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 Phê duyệt chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
  8. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 1722/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020, ngày 02 tháng 09 năm 2016, Hà Nội.
  9. Quốc hội (2015), Nghị quyết số 100/2015/QH 13, Phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020.
  10. UBND tỉnh Đắk Lắk (2016), Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 21/3/2016, Phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015.
  11. UBND tỉnh Đắk Lắk (2017), Quyết định số 1598/QĐ-UBND ngày 29/6/2017, Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016.
  12. UBND tỉnh Đắk Lắk (2019), Báo cáo Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018, Đắk Lắk.
  13. UBND tỉnh Đắk Lắk (2020), Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 21/01/2020, Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019.