Chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp quan trọng cho các DNNVV nhằm khôi phục, nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Chuyển đổi số hiệu quả giúp các doanh nghiệp thu thập dữ liệu; khai thác và quản lý tài nguyên tốt hơn; cải thiện trải nghiệm khách hàng; mang tới sự linh hoạt; thích ứng và nâng cao hiệu quả, năng suất, lợi nhuận.

Đầu năm nay, Việt Nam đã triển khai “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” nhằm hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình sản xuất; hỗ trợ CĐS toàn diện để tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ và mô hình mới cho các doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình đã phối hợp với nhiều đối tác trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện với hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 4.500 doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS, 350 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu để giải quyết các vấn đề cụ thể về CĐS.

Các nền kinh tế APEC, đặc biệt là Xinh-ga-po (ESG), Hoa Kỳ (USAID) đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc hỗ trợ các DNNVV tham gia vào quá trình CĐS.

Vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 27 với chủ đề “Giải pháp ứng phó của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đối với đại dịch COVID-19 và cơ hội để xây dựng một tương lai bền vững” đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Thông qua Hội nghị, Việt Nam đã học hỏi kinh nghiệm, các phương pháp hỗ trợ DNNVV trong CĐS. Đồng thời Việt Nam cũng chia sẻ cơ hội hợp tác trong khuôn khổ APEC để cùng nhau hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Hội nghị đã giới thiệu các mô hình kinh doanh bao trùm (Inclusive Business -IB), hướng tới người thu nhập thấp để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện thông qua thúc đẩy đầu tư vào các mô hình kinh doanh sáng tạo, thương mại mới, cũng như các mô hình đang phát triển nhằm cung cấp hàng hóa và dịch vụ phù hợp, giá cả tốt hơn cho người thu nhập thấp ở quy mô lớn; hoặc các cơ hội sinh kế được cải thiện cho những người khó khăn.

Theo đánh giá, mô hình IB mang lại lợi ích cho 3 đối tượng: doanh nghiệp, người nghèo và toàn xã hội. Vì vậy, mô hình IB không chỉ đóng góp đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo mà còn thu hẹp khoảng cách giới trong xã hội.

Việt Nam ủng hộ Chương trình thúc đẩy mô hình IB để hòa nhập và phát triển thịnh vượng trong kế hoạch hỗ trợ các DNNVV. Được biết, Việt Nam đã lồng ghép chủ đề này vào việc tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một chương trình hỗ trợ các DNNVV kinh doanh bao trùm và bền vững tại Việt Nam đang được xây dựng và dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Chương trình hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bao trùm và bền vững của các doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặc biệt là các DNNVV; đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả nền kinh tế với trách nhiệm xã hội, đồng thời bảo vệ tài nguyên và môi trường.

“Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” hướng tới mục tiêu: 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS; Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về CĐS; Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.