Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số

Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, các nền tảng thương mại điện tử lớn.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện 3 nhiệm vụ.

Thứ nhất, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát đại dịch COVID-19;

Thứ hai, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh;

Thứ ba, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, đề án; khắc phục triệt để tình trạng xin lùi thời hạn trình, chậm, nợ ban hành văn bản, đề án, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Nghị quyết giao nhiệm vụ cho một số bộ, ngành. Cụ thể:

Bộ Y tế: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước phòng dịch COVID-19; đồng thời nhập khẩu vắc-xin phục vụ tiêm phòng COVID-19 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ cũng như có kế hoạch để tiêm phòng vắc-xin trên diện rộng.

Khẩn trương cùng các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế "hộ chiếu vắc-xin" tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch; hoàn thiện quy định về thanh toán bảo hiểm y tế đối với các hoạt động khám chữa bệnh từ xa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các dự án trọng điểm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và các dự án ODA nói riêng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả;

Kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Giữ ổn định thị trường ngoại hối.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

Bộ Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa.

Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, các nền tảng thương mại điện tử lớn.

Tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản, vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bảo đảm cung ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị cho phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất, nhất là các nông sản theo mùa vụ.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất và phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để sớm gỡ “thẻ vàng”. Đẩy mạnh công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng.

Vỹ Dạ