Hỗ trợ tối đa để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Đức

Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã dẫn đầu đoàn quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam đến thăm CHLB Đức và dự G20. Trong thời gian ở Đức, Đoàn đã có rất nhiều hoạt động c

Phóng viên: Xin chào Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết khái quát tình hình quan hệ kinh tế thương mại hiện nay giữa Việt Nam và Đức

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

Cùng với sự phát triển của quan hệ chính trị, ngoại giao, thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Đức và Việt Nam đã ngày càng phát triển.

Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đức đã tăng tương đối khả quan. Hiện tại Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đã đạt 8,79 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với kim ngạch năm 2010.5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch hai chiều đạt 3,86 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư, Tính đến tháng 5 năm 2017, CHLB Đức có 260 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,692 tỷ USD.Hiện Đức đang xếp thứ 5/23 nước thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 20 trên tổng số 119 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh của Đức ở Châu Á. Hiện có khoảng 250 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Đức như Siemens, Mercedes Benz, Bosch, Bilfinger, Adidas, B. Braun, Allianz... đang kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết thế mạnh đặc biệt của nền kinh tế của Việt Nam và trong lĩnh vực nào phía Đức có thể đẩy mạnh hợp tác?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

Thế mạnh kinh tế của Việt Nam có thể kể đến ở một số lĩnh vực đặc trưng như sau:

Thứ nhất, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ, năng động, cần cù, chịu khó và đang được đầu tư nhiều trong đào tạo, rất thích hợp để phát triển các ngành công nghiệp, sản xuất hàng hóa; trong giai đoạn hiện nay là các ngành công nghiệp cần nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí, trong tương lai sẽ là các ngành công nghiệp chế biến sâu.

Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng, có đường bờ biển dài, thích hợp cho phát triển kinh tế biển với cảng quốc tế, giao thông đường biển, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, du lịch…

Thứ 3, Việt Nam có truyền thống nông nghiệp tốt, có thể phát triển được công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản…

Thứ 4, Việt Nam có khoáng sản và dầu khí, thích hợp để phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, dầu khí.

Thứ 5, chính sách kinh tế, thương mại của Việt Nam ngày càng thông thoáng, Chính phủ Việt Nam nỗ lực và quyết tâm cao trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam và đang phấn đấu trở thành Chính phủ liêm khiết, kiến tạo và hành động. Đây là điểm rất thuận lợi trong việc phát triển dịch vụ và thương mại.

Từ những thế mạnh của Việt Nam và của Đức, một số lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác với Đức như: công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, hóa chất, công nghiệp cơ khí, phương tiện hàng hải, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may, da giày ra toàn thế giới…

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện tại đang tham gia rất nhiều FTA với các đối tác chính trên thế giới. Các doanh nghiệp Đức kinh doanh tại Việt Nam sẽ có cơ hội được hưởng lợi rất lớn từ không chỉ lợi thế thị trường tiêu dùng Việt Nam của 90 triệu dân, hay là cầu nối với thị trường 600 triệu dân của ASEAN mà sẽ là nói về cơ hội tiếp cận một thị trường tự do toàn cầu. Các doanh nghiệp Đức với thế mạnh về vốn và công nghệ, khi sản xuất quy mô kinh tế tại Việt Nam sẽ được xuất khẩu tự do hàng hóa trên hầu hết các đối tác chính trên thế giới.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ làm gì để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa hai nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

Thứ nhất, Bộ Công Thương thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh thông qua việc tạo ra một môi trường thông thoáng minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Thứ hai, Bộ Công Thương với vai trò chủ trì đàm phán mở cửa thị trường sẽ nỗ lực tạo được một sân chơi minh bạch, công bằng và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hai bên, ví dụ thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương…. Hiện tại, Việt Nam và EU về cơ bản đã hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do song phương. Hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới, Hiệp định sẽ được ký và phê chuẩn để tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và EU nói chung và quan hệ giữa Việt Nam và Đức nói riêng.

Cùng với những nỗ lực này, để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, vừa qua, cuối năm 2016, Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức ký MOU về cơ chế đối thoại, phản ứng nhanh (gọi tắt là fast - track). Bất cứ doanh nghiệp nào của hai bên khi gặp khó khăn trong kinh doanh tại thị trường của nhau sẽ thông báo để hai bên cùng trao đổi và tìm giải pháp thích hợp nhất cho doanh nghiệp. Ngay sau khi ký MOU, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam thông tin ngay các vấn đề mà doanh nghiệp Đức đang gặp khó khăn Việt Nam. Trên cơ sở cơ chế phản ứng nhanh này, doanh nghiệp có bất cứ vướng mắc hoặc sáng kiến hợp lý gì để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương đều có thể thông báo đến Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức.

Nói một cách tóm tắt, Bộ Công Thương nỗ lực hỗ trợ tối đa cho hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!