Tóm tắt:

Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích cơ sở lý luận cũng như các bất cập của các quy định hiện hành về giải thế doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020, trên cơ sở đó, đưa ra những biện pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện nay về giải thế doanh nghiệp.

Từ khóa: doanh nghiệp, thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay, do chịu ảnh hưởng từ những biến động tiêu cực từ nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều khó khăn. Các loại hình doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, là đối tượng chịu nhiều tác động nhất qua những biến động từ nền kinh tế. Có rất nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững các đợt “sóng gió”, đặc biệt trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid – 19. Dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến thị trường, dẫn đến việc các doanh nghiệp phải phá sản hoặc tiến hành các thủ tục để giải thể doanh nghiệp do không thể khắc phục những khó khăn bởi các yếu tố bất lợi mang lại.

2. Cơ sở lý luận về giải thế doanh nghiệp

Khác với phá sản, giải thể doanh nghiệp chỉ là một thủ tục hành chính nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, theo ý chí của doanh nghiệp hoặc do cơ quan có thẩm quyền với điều kiện doanh nghiệp buộc phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có quy định tương đối rõ ràng về thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Theo quy định tại điều 4 khoản 10 Luật Doanh nghiệp 2020, “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều các loại hình doanh nghiệp với các loại hình kinh doanh khách nhau, thường thì có các loại hình kinh doanh như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, nhóm công ty,… Việc thành lập công ty để kinh doanh cũng trở lên đơn giản hơn bởi các dịch vụ tư vấn thành lập công ty rất phổ biến trên thị trường hiện nay. Chính vì vậy, việc lựa chọn được một hình thức doanh nghiệp phù hợp với tính chất kinh doanh, quy mô ngành nghề kinh doanh và khả năng của người bỏ vốn thành lập công ty là vô cùng quan trọng, có tác động tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp về sau.

Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp là điều mà không một chủ doanh nghiệp nào mong muốn. Tuy nhiên, trước những khó khăn không thể tháo gỡ, đây là cách để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. Giải thể chỉ sự không còn hoặc làm cho không còn đủ điều kiện để tồn tại như một chỉnh thể, một tổ chức nữa. Theo đó, giải thể doanh nghiệp được hiểu là việc chấm dứt tư cách pháp nhân và các quyền, nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp. Giải thể doanh nghiệp có 2 trường hợp, là giải thể tự nguyện hoặc giải thể bắt buộc. Theo khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp tự nguyện: Theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên và chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Trường hợp bị cơ quan chức năng yêu cầu giải thể: Khi các thành viên trong công ty chuyển nhượng vốn góp, cổ phần hoặc công ty mua lại phần vốn góp, khiến công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 1 điều 207, Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; Trường hợp 2: Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; Trường hợp 3: Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; Trường hợp 4: Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Có thể thấy rằng, vấn đề quan trọng nhất của giải thể doanh nghiệp là giải quyết những khoản nợ và những hoạt động mà doanh nghiệp đã giao kết chấm dứt tồn tại. Việc quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể “khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài” nhằm đảm bảo tối đa quyền, lợi ích, của những người có liên quan tới hoạt động giải thể như người lao động, chủ nợ.

Có thể thấy, các trường hợp giải thể doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp đã khái quát khá cụ thể, giúp doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt khi nào được tiến hành giải thể. Tuy nhiên, trong đó, vẫn còn tồn tại những vấn đề cần phải làm rõ. Chẳng hạn như, Khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định 5 trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp

Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp được quy định tại điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 207. Còn doanh nghiệp giải thể trong trường hợp được quy định tại điểm d khoản 1 điều 207 được tiến hành theo thủ tục quy định tại điều 209 về Giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án. Việc giải thể doanh nghiệp trong trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 207, Luật Doanh nghiệp 2020 được tiến hành qua các bước như sau:

- Thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

Để có thể tiến hành giải thể doanh nghiệp trước hết đòi hỏi phải có một quyết định giải thể doanh nghiệp. Việc thông qua quyết định được thực hiện như sau:

Chủ thể thông qua quyết định: Việc thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch công ty (nếu là công ty TNHH một thành viên); chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân) của Đại hội đồng cổ đông (nếu là công ty cổ phần); của hợp đồng thành viên (nếu là công ty TNHH hai thành viên trở lên); của các thành viên hợp danh (nếu là công ty hợp danh). Quyết định này thể hiện sự nhất trí của các thành viên về các vấn đề liên quan đến lý do giải thể, thời hạn và các thủ tục khác liên quan đến việc giải thể.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng; Đây là thủ tục bắt buộc trước khi doanh nghiệp tiến hành xóa tên tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ được chia tài sản thanh lý khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế, công nợ với người lao động và các tổ chức cá nhân khác.

- Gửi quyết định giải thể doanh nghiệp đến các cơ quan, tổ chức liên quan. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, nghị quyết, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể phải được đăng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán, phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan. Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

  • Thông báo tình trạng doanh nghiệp

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải đăng tải nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có).

  • Thanh toán các khoản nợ

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây:

  1. a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
  2. b) Nợ thuế;
  3. c) Các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

- Gửi Hồ sơ giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp.

     Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết, quyết định giải thể theo quy định tại khoản 3 Điều này mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3. Thực trạng giải thể doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian vừa qua

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có tổng cộng 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trong đó, gồm 46,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. Việc doanh nghiệp buộc tạm dừng, chờ phá sản, hoàn tất thủ tục giải thể gia tăng trong thời điểm hiện nay đã phản ánh sự khó khăn của điều kiện sản xuất, kinh doanh và tổng cầu một số ngành đã và đang giảm sâu do tác động của đại dịch Covid-19. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã có 59.800 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, tính trung bình mỗi tháng, có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường. Ở chiều ngược lại, cả nước có gần 55.800 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778.300 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412.400, tăng 15,4% về số DN và tăng 39,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 22.600 DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên 78.300 DN. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 15.700 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản là kết quả tất yếu của quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn.

4. Bất cập của các quy định và giải pháp hoàn thiện các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 về giải thể doanh nghiệp

4.1. Bất cập của các quy định Luật Doanh nghiệp 2020 về giải thể doanh nghiệp

- Thành phần hồ sơ trong thủ tục giải thể chưa rõ ràng, còn yêu cầu trùng lặp hồ sơ giữa các thủ tục thực hiện tại cơ quan nhà nước khác nhau. Điều này dẫn đến sự tùy tiện, thiếu thống nhất trong yêu cầu hồ sơ từ phía các cơ quan nhà nước tại quá trình giải quyết thủ tục và khiến doanh nghiệp phải mất nhiều công sức để chuẩn bị. Quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục giải thể doanh nghiệp cho thấy quy định về giải thể doanh nghiệp còn rải rác tại rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các quy định trong lĩnh vực thuế, đăng ký doanh nghiệp, công an, hải quan, bảo hiểm. Các thủ tục hành chính này được giải quyết tại nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Do đó, doanh nghiệp phải rất vất vả mới làm xong các thủ tục, làm mất rất nhiều thời gian và tốn kém chi phí.

- Chưa có quy chế liên thông, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp khi thực hiện giải thể phải cung cấp cùng một loại giấy tờ nhiều lần, tại nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Ví dụ: Trường hợp làm Quyết định giải thể của doanh nghiệp, trong quá trình làm thủ tục giải thể, doanh nghiệp phải nộp nhiều loại giấy tờ cho các cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan bảo hiểm và cơ quan công an.

- Quy trình giải quyết các thủ tục “con dấu” có liên quan đến giải thể doanh nghiệp cũng chưa hợp lý. Ví dụ: Thủ tục hủy con dấu và giấy tờ chứng nhận mẫu dấu phải thực hiện trước khi gửi bộ hồ sơ đến cơ quan đăng kí doanh nghiệp để xin giải thể. Trường hợp doanh nghiệp phát sinh việc phải sử dụng con dấu sẽ khó khăn cho doanh nghiệp, vì lúc này doanh nghiệp vẫn chưa chính thức được giải thể nhưng con dấu đã bị hủy.

- Chế tài xử lý đối với chủ doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ giải thể doanh nghiệp khi đã chấm dứt hoạt động chưa đủ răn đe, nhiều chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không quan tâm đến nghĩa vụ giải thể và phá sản doanh nghiệp.

- Quy định về điều kiện giải thể doanh nghiệp. Luật quy định doanh nghiệp phải trả hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác mới được giải thể, mà không lưu tâm đến các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp khi giải thể. Ví dụ, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của những doanh nghiệp đặc thù, doanh nghiệp có các hoạt động có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường (như DN kinh doanh trong lĩnh vực y tế, kinh doanh hóa chất).

- Pháp luật có quy định về các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể tại Điều 211, Luật Doanh nghiệp 2020, tuy nhiên lại chưa có quy định về chế tài áp dụng với doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp nếu thực hiện các hoạt động bị cấm, kể từ khi có quyết định giải thể. Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ chung chung, “Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

4.2. Giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp

Thứ nhất, thực hiện đồng thời thủ tục giải thể doanh nghiệp với giải thể đơn vị phụ thuộc như: chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện liên thông, đồng thời thủ tục đóng mã số thuế doanh nghiệp với mã số thuế đơn vị phụ thuộc.

Thứ hai, quy rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thông báo doanh nghiệp rơi vào tình trạng giải thể gửi tới tòa. Đồng thời, quy định rõ sự phối hợp giữa các cơ quan thuế, hải quan trong thực hiện xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

Thứ ba, về điều kiện giải thể: cần quy định điều kiện giải thể theo hướng mở rộng, thông thoáng hơn, nhằm tạo điều kiện cho những doanh nghiệp muốn giải thể được thực hiện thủ tục giải thể. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc vấn đề “nghĩa vụ khác” đã nêu ở phần hạn chế.

Thứ tư, sửa đổi bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp, ví dụ như: Cần bổ sung quy định về thủ tục thanh toán nợ có bảo đảm nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm, pháp luật cần quy định mềm dẻo thời hạn thanh toán các khoản nợ, thanh lý hợp đồng để phù hợp hơn với thực tế nhằm tránh các vướng mắc đã nêu. Ngoài ra, pháp luật cũng cần quy định thêm những cách thức để cơ quan đăng ký kinh doanh có thể căn cứ vào đó tiến hành kiểm tra tính chính xác về nội dung trong hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

Thứ năm, theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp, chưa có chế tài đủ sức răn đe đối với chủ, đại diện theo pháp luật không chịu chấp hành các quy định về giải thể. Do đó, cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng tăng chế tài xử phạt. Đồng thời, cần bổ sung các quy định về xử phạt đối với một số trường hợp còn thiếu sót đã đề cập ở phần hạn chế. Tăng chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Để tăng ý thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật trong việc tuân thủ pháp luật, cũng như có cơ chế pháp lý rõ ràng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý những đối tượng này, cần thiết lập và quy định rõ các biện pháp chế tài đối với chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp không tuân thủ quy định về giải thể doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động. Có thể tham khảo một số biện pháp chế tài sau đây: Cấm thành lập công ty mới, cấm đảm nhiệm chức vụ người đại diện theo pháp luật trong một thời gian nhất định, cấm góp vốn vào các công ty khác,...; với các trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong khi vẫn còn nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông báo sang cơ quan Công an tỉnh và cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động để phối hợp theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp 2020.
  2. Nguyễn Viết Tý,Nguyễn Thị Dung (2021). Giáo trình Luật Thương mại (tập 1 & tập 2). Đại học Luật Hà Nội - Nhà xuất bản Tư pháp.
  3. Minh Phương (2020). Gần 60.000 doanh nghiệp tạm ngưng và ngừng hoạt động. Truy cập tại: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/gan-60000-doanh-nghiep-tam-ngung-va-ngung-hoat-dong-1391237.html
  4. Hoàng Linh (2018). Vì sao có đến gần 91.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động năm 2018? Truy cập tại: https://tintucvietnam.vn/vi-sao-gan-91000-doanh-nghiep-giai-the-ngung-hoat-dong-nam-2018-d204054.html
  5. Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Thị Như Hà (2009). Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện Việt Nam là thành viên WTO. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Kiều Linh (2020). 101 nghìn doanh nghiệp ngừng kinh doanh năm 2020. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/101-nghin-doanh-nghiep-ngung-kinh-doanh-nam-2020.htm

PERFECTING CURRENT LAW ON ENTERPRISES’ PROVISIONS ON ENTERPRISE DISSOLUTION

Nguyen Ngoc Hai

Military Academy of Logistics

Abstract:

This paper analyzes the theoretical basis and points out the shortcomings of current Law on Enterprises’ provisions on enterprise dissolution. Based on the paper’s findings, some measures are proposed to enhance the effectiveness of current provisions on enterprise dissolution.

Keywords: enterprises, dissolution procedure, agency for business registratio, the Law on Enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]