TÓM TẮT:

Trên cơ sở tham khảo một số kinh nghiệm quốc tế, bài viết đề xuất một số giải pháp chính sách nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hiệp hội doanh nghiệp phù hợp với truyền thống pháp luật và điều kiện kinh tế, chính trị của Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), hội nhập quốc tế, mô hình tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Tự do hiệp hội (Freedom of association) là quyền dân sự cơ bản, được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế[1]. Trong lĩnh vực kinh tế, quyền tự do hiệp hội được thực hiện thông qua các hiệp hội doanh nghiệp (HHDN), với nhiều tên gọi như “Chamber of commerce”, “Trade association”, “Federation of...”, “Society of...”. Trong đó Phòng Thương mại (Chamber of commerce) và Hiệp hội ngành hàng (Trade association) là 2 hình thức tổ chức phổ biến[2].

Tại Việt Nam, sau Cách mạng tháng Tám 1945 giành lại độc lập dân tộc, Hiến pháp đầu tiên (1946) đã ghi nhận quyền tự do lập hội[3] và được tái khẳng định trong các bản Hiến pháp tiếp theo (1959, 1980, 1992 và 2013). Cụ thể, Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, quyền hiến định về “tự do lập hội” chưa được quy định đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật; kế hoạch xây dựng “Luật về hội” đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Khóa XIII, nhưng đã qua 10 năm, cho tới nay vẫn đang bị trì hoãn.

Cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức hội nói chung, hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) nói riêng hiện vẫn viện dẫn Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập hội; và những quy định của Bộ luật dân sự 2015 về “Pháp nhân phi thương mại” (Điều 76), “Thành lập và đăng ký pháp nhân” (Điều  82). Văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh là Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

2. Một số khái niệm

2.1. Hội (Association):

Pháp luật Việt Nam quy định về hội “…là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. “Hội có các tên gọi khác nhau như hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật.”[4]

2.2. Hiệp hội doanh nghiệp (Business Association):

Chúng ta có thể tham khảo khái niệm “Hiệp hội doanh nghiệp là một loại hình tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được Nhà nước cho phép thành lập, có hội viên là các doanh nghiệp, các tổ chức khác và các cá nhân tự nguyện đóng góp tài sản hoặc hội phí nhằm phục vụ lợi ích của hội viên và đạt được mục đích của cả hiệp hội” (World Bank Việt Nam, 2002).

2.3. Hiệp hội ngành hàng (Trade/Sector/Industry Association):

Là tổ chức hội được thành lập bởi các đại diện doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực kinh doanh nhất định. Theo Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ “Hiệp hội ngành hàng là tổ chức của những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực kinh doanh, với danh nghĩa của tổ chức, cùng hành động vì lợi ích chung hoặc vì mục tiêu nghề nghiệp”[5] .

2.4. Phòng thương mại (Chamber of commerce):

Là tổ chức được thành lập bởi các chủ doanh nghiệp trong một khu vực địa lý (Thành phố, tỉnh, vùng, Quốc gia hay quốc tế) không phân biệt ngành hàng, lĩnh vực hoạt động, cùng hành động nhằm thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của các thành viên. Tại nhiều quốc gia trên Thế giới, phòng thương mại còn được Chính phủ ủy thác thực hiện một số chức năng công.

3. Vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

3.1. Chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Về mặt lý luận, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là nền kinh tế vừa tuân theo các quy luật kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc, bản chất của CNXH.[6] Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là chính sách nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, Nhà nước XHCN giữ vai trò kiến tạo, điều tiết vĩ mô; thể chế kinh tế được xây dựng theo các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; qua đó đảm bảo tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường, hướng tới mục tiêu tổng quát “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tiếp tục định hướng đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế”[7]

3.2. Vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong nền kinh tế:

Trong nền kinh tế thị trường, các HHDN với bản chất là tổ chức phi chính phủ, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đóng vai trò “cầu nối” giữa Nhà nước và Thị trường. Qua đó góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả vận hành nền kinh tế; giảm bớt sự can thiệp của nhà nước trong các quan hệ kinh doanh, giảm gánh nặng chi phí ngân sách, khuyến khích tự quản, tự chủ, tăng cường dân chủ xã hội. Cụ thể như sau:

- HHDN là cầu nối giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh ý kiến, quan điểm của giới doanh nhân tới các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế, xã hội. Đồng thời, thông qua các HHDN chính sách kinh tế, các quy định pháp luật được phổ biến, hướng dẫn tới cộng đồng doanh nhiệp góp phần nâng cao nhận thức và tổ chức thực thi pháp luật đồng bộ, hiệu quả;

- HHDN với chức năng đại diện, thực hiện quyền giám sát xã hội đối với các cơ quan nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp thành viên;

- HHDN thúc đẩy hợp tác, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên, thúc đẩy tiến bộ sản xuất thông qua việc đề xuất, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm và quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả, tiến bộ để nâng cao sức mạnh cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu, xây dựng các thương hiệu quốc gia, đặc biệt đối với các mặt hàng mũi nhọn, xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế;

- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đại diện các HHDN có thể tham gia cùng các cơ quan chính phủ thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các thỏa thuận thương mại; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thành viên thực hiện các nguyên tắc, tập quán thương mại quốc tế, các quy định pháp lý của quốc gia nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro thương mại.

- Các HHDN cung cấp các dịch vụ cho các doanh nghiệp hội viên, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, hội chợ triển lãm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thành viên tiếp cận, mở rộng cơ hội giao thương với các đối tác nước ngoài;

- HHDN là chủ thể phù hợp đề xuất các biện pháp tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất và thị trường trong nước, tham gia giải quyết tranh chấp thương mại với các đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại thương, thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh kinh tế, lợi ích quốc gia trong hội nhập quốc tế.

4. Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức, hoạt động hiệp hội doanh nghiệp

4.1. Cách phân loại và các mô hình tổ chức

Hiệp hội doanh nghiệp có thể được tổ chức và phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, tuy nhiên cách phân loại phổ biến là chia thành 2 nhóm:

(1) Hiệp hội ngành hàng được thành lập bởi đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực (ngành hàng hoặc phân ngành), có chức năng vận động chính sách liên quan tới ngành hàng, xây dựng và giám sát tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, cũng như các hoạt động khác phục vụ lợi ích của các thành viên và sự phát triển của ngành hàng.

Trên thế giới, các HHNH ở các quốc gia khác nhau không có sự khác biệt lớn, theo đó hầu hết HHNH được tổ chức trên cơ sở pháp luật dân sự, theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo ngân sách hoạt động.

(2) Phòng thương mại (hoặc Phòng thương mại và công nghiệp) là tổ chức được thành lập bởi đại diện các doanh nghiệp không phân biệt ngành nghề sản xuất, có phạm vi hoạt động trong trong một thành phố, vùng, quốc gia hay quốc tế. Các phòng thương mại (PTM) đại diện cho giới doanh nhân thực hiện việc vận động chính sách nhằm thuận lợi hóa môi trường kinh doanh nói chung, đồng thời có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thành viên;

Cách thức tổ chức PTM có sự khác biệt giữa các quốc gia. Có nhiều quan điểm trong việc phân loại PTM, tuy nhiên cách phân loại thành 3 loại mô hình gồm: mô hình châu Âu lục địa, mô hình Anh - Mỹ, và mô hình hỗn hợp được sử dụng rộng rãi,[8] cụ thể như sau:

a) Mô hình châu Âu lục địa (Continental model):

Các quốc gia thực hiện mô hình châu Âu lục địa đều ban hành luật về PTM, các PTM được chính phủ ủy thác thực hiện một số chức năng công như tư vấn, phản biện chính sách về thương mại, xuất - nhập khẩu, cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tổ chức Trung tâm trọng tài quốc tế,...

Đối với các HHNH, pháp luật các quốc gia theo hệ thống châu Âu lục địa quy định quyền tự chủ trong hoạt động, ít chịu sự chi phối từ Chính phủ, do vậy cũng ít nhận được sự hỗ trợ tài chính trực tiếp từ Nhà nước. Tuy vậy, đối với một số ngành hàng quan trọng của quốc gia, nhà nước có thể ban hành luật riêng điều chỉnh hoạt động của HHDN của ngành hàng đó (như Luật Hiệp hội Lúa gạo Thái Lan, Luật Hiệp hội doanh nghiệp Cọ dầu Malaysia, Luật Hiệp hội doanh nghiệp Gỗ dán Indonessia,...) và có chính sách hỗ trợ đặc thù.

Các quốc gia theo mô hình châu Âu lục địa điển hình là Đức, Pháp, một số nước Đông Âu; Việt Nam theo mô hình XHCN, khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, mô hình tổ chức PTM, HHNH cũng mang nhiều đặc trưng của mô hình châu Âu lục địa.

b) Mô hình Anh-Mỹ (Anglo-Saxon model):

Các quốc gia theo Mô hình Anh - Mỹ coi PTM và HHNH có địa vị pháp lý và chức năng bình đẳng, không có yêu cầu đặc biệt phải thực hiện các chức năng công. PTM và HHNH được thành lập và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật dân sự, một doanh nghiệp tham gia một PTM hay HHNH hoàn toàn tự nguyện. Không có sự hạn chế về địa bàn lãnh thổ hay phạm vi ngành nghề hoạt động đối với PTM hoặc HHNH, vì thế các PTM và HHNH thường phải cạnh tranh để thu hút, phát triển hội viên.

Các quốc gia theo mô hình Anh - Mỹ như Hoa Kỳ, Anh, Canada, các nước Bắc Âu, Mỹ La-tinh, hay Philipine ở châu Á.

c) Mô hình hỗn hợp (Mixed model):

Như tên gọi đã hàm ý, PTM và HHNH theo Mô hình hỗn hợp có thể vận dụng kết hợp những đặc điểm của mô hình Châu Âu lục địa và mô hình Anh - Mỹ trong tổ chức, quản lý và định hướng hoạt động của mình. Các quốc gia theo mô hình hỗn hợp điển hình như Nhật Bản và Thái Lan.

4.2. Kinh nghiệm phát triển hiệp hội doanh nghiệp của một số quốc gia

4.2.1. Nhật Bản

a) Phòng thương mại và công nghiệp:

Nhật Bản ban hành Luật về Phòng thương mại và công nghiệp (PTM&CN) năm 1953[9], hiện cả nước Nhật Bản có 515 PTM&CN (2015) với 1,25 triệu thành viên[10], trong đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) là cấp Trung ương và các PTM&CN địa phương.

Chính phủ Nhật Bản quy định đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn phải tham gia PTM&CN tại địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký, nhằm đề cao trách nhiệm xã hội và vai trò dẫn dắt đối với các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp nhỏ, việc tham gia PTM&CN là tự nguyện. Nguồn thu của các PTM&CN bao gồm phí hội viên, lệ phí cấp C/O, thu từ cung cấp dịch vụ cho hội viên và một phần tài trợ từ ngân sách cho những hoạt động liên quan tới chức năng công hoặc tham gia các chương trình, dự án của Chính phủ.

b) Hiệp hội ngành hàng:

HHNH được thành lập và hoạt động trên cơ sở pháp luật dân sự, trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí. Hiện nay, Nhật Bản có khoảng 15.610 HHNH, trong đó có 3.471 HHNH hoạt động trên phạm vi toàn quốc (2007)[11].

Các HHDN ở Nhật Bản được tự chủ trong hoạt động, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Chống độc quyền (The Anti-monopoly Act)[12]

4.2.2. Hàn Quốc

a) Phòng thương mại và công nghiệp:

Hàn Quốc ban hành Luật về Phòng thương mại và công nghiệp (PTM&CN) năm 1952[13], trong đó quy định các PTM&CN là tổ chức công (public legal persons). Hiện Hàn Quốc có 74 PTM&CN (2020) trong đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) là cấp Trung ương và 73 PTM&CN địa phương[14].  KCCI đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, thảo luận với Quốc hội và Chính phủ về chính sách kinh tế, thương mại; cung cấp thông tin thị trường, tư vấn kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực cho các thành viên. Đặc biệt, KCCI có vai trò quan trọng, đi đầu trong thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư  giữa Hàn Quốc với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

b) Hiệp hội ngành hàng:

HHNH ở Hàn Quốc thành lập và hoạt động trên cơ sở pháp luật dân sự, theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí. Hàn Quốc có nhiều HHNH lớn như Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), Hiệp hội Công nghiệp máy Hàn Quốc (KOAMI), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc (KAMA), Hiệp hội Sắt thép Hàn Quốc (KOSA), Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Hàn Quốc (KFIA), Hiệp hội Công nghệ, công nghiệp Hàn Quốc (KOITA), Liên đoàn dệt may Hàn Quốc (KOFOTI),…

Các HHDN ở Hàn Quốc phải tuân thủ các quy định pháp luật về chống độc quyền. Cụ thể, Luật Chống độc quyền và đảm bảo tự do cạnh tranh công bằng Hàn Quốc (Korea’s Monopoly Regulations and Fair Trade Act/ KMRFTA) trao thẩm quyền cho Ủy ban đảm bảo Thương mại Công bằng Hàn Quốc (Korea’s Fair Trade Commission/ KFTC) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh. KTFC cấm các HHDN thực hiện các hạn chế nhằm hình thành các tập đoàn độc quyền (cartels) như đưa ra các quy định về giá sàn, giá trần; sản lượng, quy mô sản xuất; phân chia vùng hoạt động hay quy định về lựa chọn đối tác kinh doanh đối với các doanh nghiệp thành viên.

4.3. Những bài học từ kinh nghiệm quốc tế

(1) Có khuôn khổ pháp lý rõ ràng về HHDN, hầu hết các quốc gia đều có những đạo luật riêng về “hội của các tổ chức kinh tế” như Thái Lan có Luật về Phòng Thương mại và Công nghiệp (1966), cùng năm có Luật về Hiệp hội ngành hàng (1966); Hàn Quốc có Luật về Phòng thương mại và Công nghiệp từ 1952; Singapore có Luật về hội (Societies Act, 1966), Luật Liên đoàn doanh nghiệp (Singapore Business Federation Act, 2001). Có những quốc gia có Luật riêng về những HHNH quan trọng như Malaysia có Luật về Hiệp hội Cọ dầu, Luật về Hiệp hội gỗ dán,…

(2) Có chính sách ưu đãi phù hợp như miễn thuế VAT, thuế thu nhập đối với các hoạt động dịch vụ của HHDN cung cấp cho các hội viên, giảm thuế VAT đối với dịch vụ cung cấp ra bên ngoài; chính phủ cần “đặt hàng” với HHDN thực hiện những chương trình, dự án qua đó giúp tăng nguồn thu tài chính, đồng thời tăng cường năng lực cho các hiệp hội như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore,…

(3) Nhà nước thực sự coi các HHDN là đối tác, là tổ chức tư vấn, phản biện chính sách về kinh tế, đồng thời thông qua các HHDN để thúc đẩy ngoại giao kinh tế, quảng bá thương hiệu quốc gia như cách làm của Hàn Quốc, Nhật Bản,…

(4) Có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ kiểm soát những tác động tiêu cực tiềm ẩn trong hoạt động của các hiệp hội nhằm hạn chế nguy cơ thao túng giá cả, độc quyền kinh doanh, hạn chế cạnh tranh, biến HHNH thành những cartels độc quyền.

5. Một số đề xuất nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về HHDN ở Việt Nam

 (1) Cần ban hành “Luật về hội của các tổ chức kinh tế” (hoặc Luật Hiệp hội doanh nghiệp), mà không chờ đợi một luật chung (Luật về hội) đã trì hoãn quá lâu.

Điều này cũng phù hợp với quy định của Sắc lệnh 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn bản luật có hiện vẫn đang có hiệu lực thi hành, trong đó nêu rõ không điều chỉnh các hội có mục đích kinh tế[15].

(2) Cần lựa chọn mô hình tổ chức HHDN phù hợp với truyền thống pháp luật và thể chế chính trị của Việt Nam, đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế phổ biến trong bối cảnh hội nhập. Theo tác giả, “Mô hình châu Âu lục địa” (Continetal model) có thể là lựa chọn phù hợp.

Theo đó, Luật quy định hình thức tổ chức HHDN thành 2 loại:

Phòng thương mại và công nghiệp, gồm có:

-  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở cấp Quốc gia;

- Phòng Thương mại và Công nghiệp địa phương, được tổ chức theo tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, thay thế các Hội/ Hiệp hội doanh nghiệp đa ngành hiện nay. Mỗi địa phương chỉ có 1 Phòng thương mại và công nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, việc tham gia PTM&CN có 2 hình thức “bắt buộc” và “tự nguyện”, theo đó những doanh nghiệp đáp ứng “tiêu chí quy mô” nhất định (vốn, lao động, doanh thu) thì phải tham gia PTM&CN địa phương (và tham gia VCCI nếu đạt tiêu chuẩn “quy mô doanh nghiệp” cao hơn). Đồng thời khuyến khích những doanh nghiêp vừa và nhỏ chưa đáp ứng tiêu chí tự nguyện tham gia;

(ii) Hội/Hiệp hội ngành hàng: Ở cấp Trung ương (phạm vi hoạt động toàn quốc) thì gọi là hiệp hội; ở cấp tỉnh, thành phố thì gọi là hội.

Việc tham gia các hội, hiệp hội ngành hàng là tự nguyện.

(3) Luật cần quy định về việc Nhà nước ủy thác một số hoạt động chức năng công cho hệ thống PTM&CN, mà trước hết là VCCI, đồng thời quy định nguyên tắc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách đối với PTM&CN tương ứng với chức năng công được ủy thác. Luật cũng quy định nguyên tắc hỗ trợ các HHNH gắn với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia hoặc ngành sản xuất đặc thù cần khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực.

(4) Luật cần quy định ưu đãi nhằm tạo nguồn kinh phí cho HHDN như miễn giảm thuế, cho thuê đất xây dựng Tòa nhà trụ sở, trong đó có văn phòng cho thuê, Trung tâm hội nghị, triển lãm,…

(5) Cùng với Luật Cạnh tranh 2019, “Luật về hội của các tổ chức kinh tế” cần quy định những điều cấm trong hoạt động của HHDN, nhằm ngăn ngừa xu hướng gây ảnh hưởng chính trị, tạo nhóm lợi ích hoặc hạn chế cạnh tranh, thao túng giá cả, hình thành nhóm doanh nghiệp độc quyền trong HHDN.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Điều 20, Tuyên ngôn về Quyền con người (UDHR, 1948); Điều 22, Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966).

[2] Mark Boleat (2003), Managing Trade Association, Trade Association Forum.

[3] Điều 10, Hiến pháp 1946.

[4] Điều 2,  Nghị định số 45/2010/NĐ-CP  ngày 21/4/2010 của Chính phủ.

[5] Lã Khánh Tùng & cộng sự (2015), Hội và Tự do hiệp hội: Một cách tiếp cận dựa trên quyền, NXB Hồng Đức, Hà Nội (p.2).

[6] Nguyễn Xuân Phúc (2014), Tạp chí Cộng sản, Số 585 (4/2014), Hà Nội.

[7] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam (2021).

[8] Markus Pilgrim and Ralf Meier (1995), National Chambers of Commerce, a Primer on the Organization and Role of Chambers Systems, Bornn, Germany.

[9] Luật số 143, ngày 01/8/1953.

[10] Https://www.jcci.or.jp/english/about.html

[11] OECD (2007) Policy Roundtables on Trade Associations, Paris

[12] Được ban hành lần đầu năm 1947.

[13] Trong thời kỳ phong kiến, Hàn Quốc đã có Luật về PTM&CN năm 1895.

[14] Xem http://english.korcham.net/nChamEng/Service/About/appl/01.asp.

[15] Sắc lệnh Số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 quy định: “Điều 10. Các hội có mục đích kinh tế không thuộc phạm vi quy định của luật này”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2008), Báo cáo đề tài NCKH cấp bộ “Phát triển các hiệp hội ngành hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Hà Nội.
  2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2015), Báo cáo thực tiễn tốt và bộ công cụ đánh giá năng lực hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
  3. Lã Khánh Tùng, Nghiêm Hoa, Vũ Công Giao (2015), Hội và Tự do hiệp hội: Một cách tiếp cận dựa trên quyền, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
  4. Daniel Gueguen (2007), European Lobbying in Perpetual Motion, EPPA, Brusels.
  5. Mark Boleat (2003), Managing Trade Association, Trade Association Forum, UK.
  6. Markus Pilgrim and Ralf Meier (1995), National Chambers of Commerce, a Primer on the Organization and Role of Chambers Systems, Bornn, Germany (https://www.citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.458.7406&rep=rep1&type=pdf).
  7. OECD (2007), Policy Roundtables on Trade Associations, Published by Secretariat of OECD, Paris.

 Perfecting the legal framework of business associations in the context of Vietnam’s current development conditions

 Master. Nguyen Xuan Son

The Government Inspectorate of Vietnam

ABSTRACT:

With reference to some international practical experiences, this paper proposes some policy solutions to perfect the legal framework of business associations in accordance with legal traditions, political and economic conditions of Vietnam.

Keywords: socialist-oriented economy, international intergration, organisational model, business association.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]