TÓM TẮT:

Trách nhiệm pháp lý của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật. Nghiên cứu các quy định này cho thấy còn tồn tại những mâu thuẫn, bất cập cần phải được hoàn thiện. Bài viết này tập trung vào việc chỉ ra những bất cập của các quy định về trách nhiệm pháp lý do sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

Từ khóa: trách nhiệm pháp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất và kinh doanh thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

1. Đặt vấn đề

Thực tế thực hiện những quy định pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh hiện nay vẫn còn chủ thể vì mục đích lợi nhuận mà thực hiện những hành vi mà pháp luật không cho phép, chẳng hạn như: vụ măng tươi nhiễm chất vàng ô dùng để nhuộm vải ở Đà Nẵng[1], sử dụng chất tẩy rửa để sản xuất mắm[2], pate đóng hộp có chứa độc tố[3],… Chính những việc như vậy cho thấy việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những chủ thể này là vô cùng cần thiết.

Trách nhiệm pháp lý được hiểu là: “sự bắt buộc phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi do vi phạm pháp luật”[4]. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm dẫn đến phát sinh trách nhiệm pháp lý của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm là những hành vi vi phạm các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tùy vào mức độ nguy hiểm cho xã hội mà người sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ phải chịu các hậu quả theo quy định pháp luật. Do đó, có thể định nghĩa như sau: “Trách nhiệm pháp lý do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là những hậu quả pháp lý bất lợi mà người sản xuất, kinh doanh phải gánh chịu khi thực hiện những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

2. Các loại trách nhiệm pháp lý do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Trách nhiệm hành chính: Kể từ khi Luật An toàn thực phẩm ra đời năm 2010, vấn đề trách nhiệm hành chính đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng được chú trọng và quan tâm đến. Điều đó được thể hiện qua việc Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được đánh giá có tính răn đe, giáo dục và nghiêm khắc hơn đối với người vi phạm, thay thế cho Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Trách nhiệm hình sự: Trách nhiệm hình sự đã được quy định từ BLHS 1999 và được sửa đổi, bổ sung tại điều 317 của BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 một cách chặt chẽ, cụ thể và khả thi hơn. Cụ thể, dấu hiệu hậu quả trong BLHS 1999 là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm[5] vì nếu không có hậu quả xảy ra thì không có tội phạm. Tuy nhiên, trong BLHS 2015 thì đây là tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ quy định về hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm, không đòi hỏi hậu quả phải xảy ra.

Trách nhiệm dân sự: Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý cơ bản nhằm bảo đảm được quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Đặc biệt, những văn bản này đã ghi nhận quyền được yêu cầu bồi thường những thiệt hại do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn của người tiêu dùng. Bộ luật dân sự 2015 vẫn giữ nguyên tinh thần đó, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người tiêu dùng bị thiệt hại[6].

3. Đánh giá quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm pháp lý do sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

3.1. Những ưu điểm đã đạt được

Thứ nhất, vấn đề trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quy định ở rất nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ đó, tạo ra hành lang pháp lý cho công tác kiểm soát ATTP được diễn hợp pháp, công khai, nhân danh quyền lực của Nhà nước. Đồng thời cũng có ý nghĩa như một biện pháp răn đe giáo dục đối với người sản xuất, kinh doanh có ý định thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Thứ hai, những quy định của pháp luật hiện hành đã tạo ra cơ sở pháp lý giúp cho người tiêu dùng có thể bảo vệ được quyền lợi của mình khi bị xâm phạm. Người tiêu dùng luôn được coi là ở thế yếu hơn, vì thế việc Nhà nước thừa nhận và bảo vệ quyền lơi của họ bằng việc ban hành những quy định này sẽ giúp cho họ có cơ sở để yêu cầu người vi phạm bù đắp lại những thiệt hại.

Thứ ba, trong bối cảnh thực trạng vi phạm an toàn thực phẩm đáng báo động như hiện nay, thì việc có những cơ chế xử lý vi phạm có ý nghĩa vô cùng to lớn trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả những hành vi vi phạm từ quá trình sản xuất cho đến phân phối thực phẩm ra thị trường đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo trật tự pháp luật trong xã hội. Những quy định này đã góp phần rất lớn trong việc ngăn cản sự lan rộng của thực trạng tràn lan thực phẩm không đảm bảo an toàn.

3.2. Những hạn chế cần khắc phục

Thứ nhất, sự không thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ mô tả chủ thể.

Pháp luật hành chính hiện nay quy định về vấn đề chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức này có thể là pháp nhân thương mại nhưng cũng có thể là những tổ chức bao gồm một nhóm người tiến hành hoạt động mà không có tư cách pháp nhân (ví như hộ kinh doanh). Tuy nhiên, dưới góc nhìn pháp luật dân sự và pháp luật hình sự thì chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật bao gồm: cá nhân và pháp nhân. Có thể thấy rằng, pháp luật hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất với nhau về cách sử dụng thuật ngữ mô tả chủ thể trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Thứ hai, bất cập trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hành chính.

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, có một số quy định vẫn chưa được làm rõ, những hành vi chưa được giải thích cụ thể. Ví dụ điểm b khoản 1 điều 15 quy định xử phạt đối với hành vi “Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến”. Vậy thế nào là “không đủ” và thế nào là “đủ dụng cụ”. Tiếp theo đó, việc quy định mức hình phạt chung áp dụng cho toàn bộ chủ thể là không hợp lý và không đảm bảo công bằng cho những chủ thể vi phạm. Vì hiện nay, ở nước ta vẫn còn tồn tại đa số những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không phải đăng ký kinh doanh. Những chủ thể này tham gia hoạt động với nguồn vốn ít ỏi nên có thể sẽ không đảm bảo được những quy định về an toàn thực phẩm. Do đó, việc pháp luật quy định mức xử phạt chung này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn về mặt kinh tế cho những chủ thể này.

Thứ ba, bất cập trong quy định của pháp luật về trách nhiệm dân sự.

(1) Vấn đề xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả. Mối quan hệ nhân quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định thiệt hại. Tuy nhiên vấn đề xác định quan hệ nhân quả khá khó khăn vì thiệt hại thì có thể do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ một nguyên nhân gây ra. Mức độ tác động của từng nguyên nhân đối với kết quả là có thể khác nhau, chính sự khác nhau đó đã tạo ra vai trò chủ yếu và thứ yếu của từng nguyên nhân. Ví dụ A sử dụng thực phẩm ở cơ sở A vào lúc 10h sáng, sau đó 11h sang một nhà hàng B để dùng bữa trưa và bị ngộ độc thực phẩm. Vậy, trong trường hợp này nguyên nhân của việc ngộ độc thực phẩm của A là do sử dụng thực phẩm ở cơ sở A hay cơ sở B?. Thực tế, sau khi sử dụng thực phẩm, các phản ứng sinh học trong cơ thể chưa làm xảy ra các triệu chứng mà chỉ xảy ra sau một thời gian nhất định. Do đó, việc xác định xác định thiệt hại và nguyên nhân nào là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp; nguyên nhân nào là nguyên nhân thứ yếu và gián tiếp dẫn đến thiệt hại đó, một thiệt hại có thể kéo theo nhiều thiệt hại khác, thiệt hại đầu tiên có coi là nguyên nhân của thiệt hại sau hay không là vô cùng quan trọng. Pháp luật dân sự hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể đối với vấn đề này.

(2) Hạn chế trong mối quan hệ giữa trách nhiệm nộp phạt vi phạm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong quan hệ hợp đồng. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường[7]. Như vậy, có thể hiểu rằng, các bên có thể thỏa thuận hoặc không thỏa thuận về vấn đề bồi thường thiệt hại trong trường hợp đã có thỏa thuận trước về trách nhiệm phạt vi phạm. Trên thực tế, đây là một hạn chế rất lớn vì rằng nếu các bên chỉ thỏa thuận phạt vi phạm mà không thỏa thuận vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thì khi có thiệt hại xảy ra sẽ không phải bồi thường. Tuy nhiên, mức phạt vi phạm mà các bên thỏa thuận có thể nhỏ hơn thiệt hại mà người bị vi phạm gánh chịu, đặc biệt trong trường hợp mức phạt vi phạm lại bị giới hạn không quá 8% giá trị phần vi phạm theo quy định của Luật Thương mại 2005[8]. Do đó, quy định như trong BLDS năm 2015 có thể không bảo đảm được lợi ích của bên bị vi phạm trong trường hợp các bên không có thỏa thuận áp dụng chế tài bồi thường.

(3) Mâu thuẫn giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tại điểm e khoản 1 và điểm g khoản 2 của Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp “thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng”. Có thể hiểu rằng, cho dù người tiêu dùng có một phần hoặc toàn bộ lỗi thì cũng không được bồi thường thiệt hại. Điều này là không hợp lý vì theo quy định tại khoản 2 điều 584 BLDS năm 2015 thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại[9]. Trong khi đó, nhiều trường hợp người tiêu dùng chỉ có một phần lỗi làm phát sinh thiệt hại và một phần lỗi sẽ thuộc về người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng. Vì vậy, việc loại trừ trách nhiệm người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng theo quy định tại điểm e khoản 1 và điểm g khoản 2 của Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 là không phù hợp với nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại khoản 4 điều 585 BLDS năm 2015.

Thứ tư, bất cập trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự.

(1) Mặc dù BLHS hiện hành đã có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tuy nhiên lại không có quy định này buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đây là một hạn chế lớn, vì thực tế hiện nay có rất nhiều pháp nhân thương mại thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm như Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm Masan,… Trường hợp các chủ thể này không thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của rất nhiều người tiêu dùng vì những pháp nhân này chiếm thị phần lớn trong tổng giá trị lương thực thực phẩm được cung cấp trên thị trường.

(2) Điều 317 của BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 là tội phạm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, quy định về những hành vi vi phạm đến những điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gồm rất nhiều điều kiện về không gian, về cơ sở vật chất,… và cả điều kiện về những quy chuẩn kĩ thuật. Thế nhưng, những hành vi vi phạm được quy định tại điều 317 chỉ quy định những hành vi vi phạm điều kiện về quy chuẩn kĩ thuật. Điều này đã làm giới hạn đi những hành vi vi phạm nghiệm trọng quy định về an toàn thực phẩn nhưng không được coi là tội phạm hình sự mà chỉ được coi là vi phạm hành chính. Do đó, đây có thể coi là điểm hạn chế đáng quan tâm của những nhà làm luật.

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Kiến nghị chung

Tác giả cho rằng cần có sự sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP và những văn bản có liên quan khác quy định về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo ra sự thống nhất giữa các văn bản này với BLDS năm 2015 về vấn đề chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo đó, chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm cá nhân và pháp nhân thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm hành chính

Thứ nhất, trong các quy định xử lý hành vi vi phạm cụ thể thì chưa có sự phân chia mức phạt dành cho hai chủ thể này. Điều này là không hợp lý và không công bằng giữa các chủ thể vì những cá nhân sản xuất, kinh doanh có nguồn vốn ít hơn nhưng vẫn phải chịu mức phạt như những tổ chức sản xuất, kinh doanh và ngược lại. Do đó, theo tác giả, nên quy định tại mỗi điều có một mức phạt riêng cho mỗi loại chủ thể.

Thứ hai, Nhà nước nên quy định rõ thế nào là “đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến”. Việc này sẽ giúp cơ quan có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra dễ dàng phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm dân sự

Thứ nhất, sửa đổi nội dung điều 418, Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng nếu 2 bên chỉ có thỏa thuận về trách nhiệm phạt vi phạm mà không thỏa thuận về việc áp dụng thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng nếu có thiệt hại thì bên bị thiệt hại vẫn có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường. Sự thay đổi này sẽ bảo vệ được sự cân bằng giữa quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ hợp đồng.

Thứ hai, sửa đổi nội dung điểm g, khoản 1 và điểm e khoản 2 tại điều 62 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 theo hướng quy định người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của người mua, người tiêu dùng. Điều này sẽ tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc sản xuất ra những thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, tránh việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thực phẩm không an toàn gây ra[10].

Thứ ba, nhằm tạo điều kiện tối đa để người tiêu dùng tham gia khởi kiện bảo vệ quyền lợi của mình và được hưởng mức bồi thường phù hợp, Nhà nước có thể ban hành những văn bản hướng dẫn, hỗ trợ người tiêu dùng trong việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với thiệt hại. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người tiêu dùng bị thiệt hại thực hiện các thủ tục tố tụng liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm hình sự

Thứ nhất, thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, các pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính vì không thể khởi tố, điều tra hình sự vì những quy định trong BLHS hiện hành không quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm. Do đó, tác giả cho rằng, cần phải bổ sung tội vi phạm quy đinh về an toàn thực phẩm vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tại điều 76 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Thứ hai, sửa đổi khung hình phạt theo hướng tăng về mức phạt tiền cũng như hình phạt tù trong quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Việc tăng nặng khung hình phạt cơ bản sẽ làm tăng tính răn đe hơn đối với những chủ thể muốn thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, cũng nên sửa đổi yếu tố hành vi trong cấu thành tội phạm của tội này. Cụ thể là bổ sung thêm những hành vi vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

  1. Hải Châu, (2016), “Đà Nẵng: Phát hiện chất nhuộm vải, giấy, gỗ... được dùng làm đẹp măng tươi”, https://infonet.vietnamnet.vn/da-nang-phat-hien-chat-nhuom-vai-giay-go-duoc-dung-lam-dep-mang-tuoi-post194962.info
  2. Nguyễn Dương, (2020), “Sử dụng axit, chất tẩy rửa vệ sinh để sản xuất nước mắm”, https://dantri.com.vn/xa-hoi/su-dung-axit-chat-tay-rua-ve-sinh-de-san-xuat-nuoc-mam-20200112195510593.htm
  3. Anh Nhàn - Lệ Hà, (2020), “Pate Minh Chay: Độc tố botulinum là thủ phạm” https://laodong.vn/suc-khoe/pate-minh-chay-doc-to-botulinum-la-thu-pham-832139.ldo
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội, (2017), Giáo trình lí luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb Tư pháp, str.429.
  5. Hoàng Trí Ngọc, (2009), Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong luật hình sự Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Cụ thể Điều 608, BLDS 2015 quy định:“Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
  7. Khoản 3 Điều 418 BLDS năm 2015.
  8. Điều 301 Luật Thương mại 2005.
  9. Khoản 2 Điều 584 BLDS năm 2015.
  10. Lê Thị Hồng Vân (2016) “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng”. Tạp chí Khoa học pháp lí Việt Nam, 09(103)/2016: https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=f1c50d71-add9-4f31-bcc0-7e97f3fcdc3d

 Strengthening the effectiveness of regulations on legal responsibilities of producers and distributors for ensuring food safety and hygiene

 Tran Trung Hoa Son

Hanoi Law University

Abstract:

Legal responsibilities of producers and distributors for ensuring food safety and hygiene are specified in many different legal documents. However, these documents still have some shortcomings and contradictions. This paper points out inadequacies of regulations on the legal responsibilities of producers and distributors for ensuring food safety and hygiene. The paper also proposes some solutions to strengthen the effectiveness of these regulations.

Keywords: responsibility, food safety and hygiene, producing and trading food, unsafe food.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]