Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

PHAN KHUYÊN (Phân viện Học viện hành chính Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bỏ phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu bất tín nhiệm là hoạt động được thực hiện ở một số quốc gia trên thế giới nhằm tự đưa ra vấn đề tín nhiệm liên quan đến một động thái nào đó mà Chính phủ muốn đạt được từ Nghị viện, hay thể hiện thái độ không đồng tình của Nghị viện đối với đường lối, chính sách, những động thái cụ thể nào đó hoặc dự luật của Chính phủ. Ở Việt Nam, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được xem như là hoạt động góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Bài viết đưa ra các dẫn chứng từ Hiến pháp của một số quốc gia trên thế giới, qua đó liên hệ với việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở nước ta để rút ra những bài học kinh nghiệm.

Từ khóa: hiến pháp, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu bất tín nhiệm.

1. Khái quát về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm được xem như là cần thiết và đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Hoạt động này góp phần nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, là động lực giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm xác định được mức độ tín nhiệm của bản thân, qua đó nhận ra những thiếu sót để khắc phục, rèn luyện, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đồng thời làm cơ sở để xem xét đánh giá các ứng cử viên thích hợp cho các vị trí quan trọng của một quốc gia.

Trên thế giới, có hai hình thức quy trách nhiệm của Chính phủ trước Nghị viện đó là bỏ phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu bất tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm (vote of confidence) xảy ra khi Chính phủ tự đưa ra vấn đề tín nhiệm liên quan đến một động thái nào đó mà Chính phủ muốn đạt được từ Nghị viện (có thể là một chính sách, đường lối, dự luật). Nếu không đạt được kết quả mong muốn, Chính phủ sẽ tự từ chức tập thể[1]. Bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ (vote of nonconfidence) thể hiện thái độ không đồng tình của Nghị viện đối với đường lối, chính sách, những động thái cụ thể nào đó hoặc dự luật của Chính phủ. Bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu được thông qua có thể kéo theo sự từ chức của Chính phủ và có thể có sự giải tán Nghị viện (nếu có quy định). Bỏ phiếu bất tín nhiệm xuất phát từ Nghị viện. Bởi vậy, vì tính ổn định của Chính phủ mà đôi lúc hiến pháp các nước đã phức tạp hóa quy trình này, quy định sáng kiến bỏ phiếu bất tín nhiệm phải do một số lượng đại biểu đáng kể đưa ra (thường là 10% tổng số nghị sỹ) và nghị quyết về bất tín nhiệm phải được đa số tuyệt đối hoặc đa số tương đối ủng hộ[2].

Ở Việt Nam, hoạt động Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ[3]. Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm[4]. Ngoài ra, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ[5]. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức[6]. Trường hợp không từ chức thì người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 (hai phần ba) tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm[7].

Thêm vào đó, Điều 12 Nghị quyết số 85/2014/QH13 phát biểu rằng “Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc khi có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số thành viên Hội đồng dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội về việc xem xét bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban có trách nhiệm báo cáo Hội đồng, Ủy ban quyết định. Trong trường hợp có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng, thành viên Ủy ban bỏ phiếu tán thành kiến nghị đó thì Hội đồng, Ủy ban kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; Đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng cách gửi văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Khi nhận được kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đối với một người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Việc tổng hợp số lượng kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm được tính trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp này đến ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo của Quốc hội” [8]

2. Pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở một số quốc gia trên thế giới

Ở Vương quốc Anh, đối với các chính thể đại nghị, vũ khí mạnh nhất của Nghị viện trước cơ quan hành pháp là quyền thay đổi Chính phủ thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm. Việc yêu cầu Chính phủ phải nhận được sự tín nhiệm của Viện Dân biểu là nguyên tắc nền tảng của Hiến pháp (không thành văn) của Anh. Đặc biệt, bỏ phiếu bất tín nhiệm càng quan trọng khi Chính phủ không chiếm đa số trong Hạ viện, hoặc khi có bất đồng trong nội bộ đảng cầm quyền. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm không cần phải do Thượng viện hay Nữ hoàng phê chuẩn. Nếu bị Hạ viện bất tín nhiệm, Chính phủ Anh sẽ bị lật đổ hoặc Hạ viện có thể bị giải tán để bầu cử một Hạ viện mới, từ đó hình thành nên một Chính phủ mới. Do vậy, bắt buộc Chính phủ phải bảo vệ mình bằng cách giải trình về các chính sách trước chính những Nghị viện, rộng hơn là trước cử tri cả nước. Bởi trên thực tế, khó có thể hy vọng Nghị viện sẽ biểu quyết ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ, vì đảng cầm quyền thường có đa số trong nghị viện, cộng với kỷ luật đảng chặt chẽ ở Anh cho phép đảng vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm[9].

Ở Nga, pháp luật về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm được quy định tại Điều 117 của Hiến pháp Liên bang Nga 1993. Cụ thể, thứ nhất, Đuma Quốc gia có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ Liên bang Nga. Nghị quyết về bất tín nhiệm Chính phủ Liên bang Nga được thông qua bởi đa số trên tổng số đại biểu Đuma Quốc gia. Sau khi Đuma bỏ phiếu bất tín nhiệm, Tổng thống Liên bang Nga có thể tuyên bố cách chức Chính phủ Liên bang Nga, hoặc có thể không đồng ý với quyết định của Đuma Quốc gia. Trong trường hợp Đuma Quốc gia trong vòng 3 tháng tiếp tục bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ, Tổng thống Liên bang Nga hoặc tuyên bố cách chức Chính phủ Liên bang, hoặc giải tán Đuma Quốc gia. Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga có thể tự đặt vấn đề tín nhiệm Chính phủ tại Đuma Quốc gia. Nếu Đuma Quốc gia bỏ phiếu không tín nhiệm, Tổng thống Liên bang Nga trong vòng 7 ngày quyết định về việc cách chức Chính phủ Liên bang Nga hoặc giải tán Đuma Quốc gia và ấn định cuộc bầu cử mới. Trong trường hợp từ nhiệm hoặc từ chức, Chính phủ Liên bang Nga tiếp tục hoạt động theo phân công của Tổng thống Nga cho đến khi Chính phủ mới được thành lập.

Ở Đức, đây là quốc gia đầu tiên thực hiện hoạt động bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tín xây dựng. Theo Luật cơ bản của Cộng hòa Liên bang Đức, Hạ viện chỉ có thể bày tỏ sự thiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng Liên bang bằng cách bầu ra một người kế nhiệm qua việc biểu quyết của đa số thành viên Hạ viện và yêu cầu Tổng thống Liên bang phế truất Thủ tướng Liên bang. Tổng thống Liên bang phải tuân thủ yêu cầu đó và chỉ định người được bầu. Có một thời hạn 48 giờ giữa lúc đề nghị và biểu quyết[10]. Bên cạnh đó, nếu một đề nghị của Thủ tướng Liên bang cho một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm không được hỗ trợ bởi đa số thành viên của Hạ viện, Tổng thống Liên bang có thể giải tán Hạ viện trong vòng 21 ngày theo đề nghị của Thủ tướng Liên bang. Quyền giải tán sẽ mất hiệu lực ngay khi Hạ viện bầu ra một Thủ tướng Liên bang khác bằng biểu quyết của đa số thành viên Hạ viện. Có một thời hạn 48 giờ giữa lúc đề nghị và biểu quyết[11]. Nếu như bỏ phiếu bất tín nhiệm là sự tác động từ bên ngoài, thì việc thăm dò tín nhiệm hay hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm là sự chủ động tự thân từ bên trong. Nói cách khác, Chính phủ, Nghị viện thực hiện khả năng kiểm soát quyền lực của mình, thực thi trách nhiệm là cơ quan đại diện của nhân dân thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ngoài ra, Thủ tướng cũng có thể biết được sự ủng hộ của Hạ viện đối với chính sách của mình đến đâu thông qua hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm để có thể có sự điều chỉnh hợp lý. Hai cơ chế này tồn tại song song với nhau, tác động hỗ trợ nhau nhằm minh bạch hóa, là động lực thúc đẩy liên tục việc xây dựng một Chính phủ hiệu năng.

Ở Ba Lan, pháp luật về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm được quy định ở Điều 158, 159 và 160 tại Hiến pháp năm 1997, các yêu cầu khắc nghiệt nhất đối với một cuộc bỏ phiếu mang tính xây dựng các nước cộng sản đã thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng. Hạ nghị viện thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Hội đồng Bộ trưởng với một đa số phiếu của số Hạ nghị sĩ theo luật định, theo đề nghị của ít nhất 46 Hạ nghị sĩ và ghi rõ tên của ứng cử viên chức vụ Thủ tướng. Nếu nghị quyết này được Hạ nghị viện thông qua, thì Tổng thống Ba Lan phải chấp nhận việc từ chức của Hội đồng Bộ trưởng và bổ nhiệm một Thủ tướng mới như Hạ nghị viện đã lựa chọn và theo đề nghị của Thủ tướng, bổ nhiệm các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng và chấp nhận lời tuyên thệ nhậm chức của những người này. Đề nghị thông qua nghị quyết có thể được đưa ra bỏ phiếu không sớm hơn 7 ngày sau ngày được đệ trình. Đề nghị tương tự tiếp theo có thể được đệ trình không sớm hơn 3 tháng kể từ ngày đề nghị trước đó được đệ trình. Đề nghị tiếp theo có thể được đệ trình trước khi kết thúc 3 tháng nếu đề nghị này được đệ trình bởi ít nhất 115 Hạ nghị sĩ (Điều 158). Theo Điều 159 của Hiến pháp, Hạ nghị viện có thể thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng bộ trưởng. Đề nghị thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm này có thể được đệ trình bởi ít nhất 69 Hạ nghị sĩ. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ bãi nhiệm bộ trưởng mà việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã được Hạ nghị viện thông qua với đa số phiếu của số Hạ nghị sĩ theo luật định (Điều 159). Ngoài ra, Thủ tướng có thể đề nghị Hạ nghị viện bỏ phiếu tín nhiệm Hội đồng Bộ trưởng. Việc bỏ phiếu tín nhiệm Hội đồng Bộ trưởng phải được thông qua với đa số phiếu có mặt của ít nhất 1/2 số Hạ nghị sĩ theo luật định (Điều 160).

Ở Pháp, pháp luật về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm được quy định tại Điều 49 và 50 của Hiến pháp năm 1958. Tại Điều 49 của Hiến pháp quy định: Sau khi Hội đồng Bộ trưởng đã thảo luận và ra nghị quyết, Thủ tướng thay mặt Chính phủ tuyên bố trước Hạ viện việc thông qua một chương trình hoạt động của Chính phủ hoặc về tuyên bố chính sách chung của Chính phủ có ý nghĩa tương đương với việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ Hạ viện truy cứu trách nhiệm của Chính phủ qua bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ chỉ được chấp nhận khi có chữ ký của ít nhất 10% số thành viên Hạ viện. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ chỉ được tổ chức sau 48 giờ kể từ lúc trình kiến nghị. Khi kiểm phiếu, chỉ cần tính các phiếu thuận không tín nhiệm Chính phủ và việc bất tín nhiệm Chính phủ được thông qua khi đạt đa số phiếu của các thành viên của Hạ viện. Trong trường hợp quy định tại khoản dưới đây, trong một khóa họp thường kỳ của Hạ viện, một thành viên Nghị viện không thể đứng tên đề xuất quá 3 kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ và trong khóa họp bất thường của Hạ viện, thì không thể quá một kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Sau khi Hội đồng Bộ trưởng thảo luận và ra nghị quyết, Thủ tướng thay mặt Chính phủ tuyên bố trước Hạ viện việc biểu quyết thông qua một dự án luật về tài chính hoặc về nguồn tài chính đối với các quỹ an sinh xã hội tương đương với việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ. Trong trường hợp này, dự án coi như đã được thông qua trừ trường hợp có kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ đưa ra trong thời hạn 24 giờ sau đó và đã được biểu quyết thông qua theo các điều kiện quy định tại khoản trên. Ngoài ra, Thủ tướng có thể sử dụng trình tự này đối với một dự án luật khác trong mỗi kỳ họp. Thủ tướng có quyền yêu cầu Thượng viện phê duyệt tuyên bố chính sách chung của Chính phủ (Điều 49).

Tại Điều 50 của Hiến pháp quy định: Trong trường hợp Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ hoặc không phê duyệt chương trình hành động hoặc tuyên bố chính sách chung của Chính phủ, Thủ tướng phải đệ đơn từ chức của Chính phủ lên Tổng thống. Bên cạnh đó, Quốc hội Pháp có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ. Theo Hiến pháp của Cộng hòa Pháp, toàn thể Quốc hội Pháp (gồm 2 Viện) thiết lập một Tòa án tối cao để xem xét một lý do duy nhất dẫn tới việc bãi nhiệm Tổng thống Pháp. Đó là việc rõ ràng không thực hiện nghĩa vụ dẫn tới không thể tiếp tục đương nhiệm. Việc bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín với tỷ lệ ít nhất 2/3 số phiếu tán thành. Người đứng đầu Chính phủ Pháp có thể bị bãi nhiệm bởi Tổng thống. Ông ta có thể phải từ chức nếu không có sự ủng hộ của Quốc hội qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm. Việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Pháp có thể được thực hiện dưới 2 hình thức: do Thủ tướng Chính phủ khởi xướng hoặc do các đại biểu Quốc hội khởi xướng bằng hình thức khiển trách (còn gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm)[12].

3. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm không được thực hiện ở trên thế giới mà chỉ có ở Việt Nam. Do nhiều quốc gia trên thế giới có cơ chế hoạt động của các đảng phái chính trị theo chế độ đa đảng, khó để thực hiện các hoạt động lấy phiếu tín nhiệm như ở Việt Nam. Như vậy, đối với nền chính trị đặc thù như Việt Nam, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được xem như là cơ chế giám sát tương đối linh hoạt, nhằm mục đích thăm dò, làm bước đệm cho các hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm của Nhà nước. Thông qua Hiến pháp của các nước trên thế giới, quy định về hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm, bất tín nhiệm, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là:

Thứ nhất, ở nước ta nên sử dụng thuật ngữ “bỏ phiếu bất tín nhiệm” thay cho “bỏ phiếu tín nhiệm”. Bởi vì:

Một là, theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành, Quốc hội chỉ bỏ phiếu tín nhiệm khi có sự không đồng tình của các đại biểu Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đối với cách lãnh đạo, điều hành của “những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”. Do đó, việc bỏ phiếu này cần gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Hai là, các nước trên thế giới sử dụng phổ biến là thuật ngữ “bỏ phiếu bất tín nhiệm” vì bỏ phiếu bất tín nhiệm là xuất phát từ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ không đồng tình của Quốc hội đối với những động thái, chính sách cụ thể nào đó hoặc dự luật của Chính phủ. Thuật ngữ “bỏ phiếu bất tín nhiệm” thể hiện sự tin tưởng hay không tin tưởng của nhân dân và đại biểu Quốc hội vào các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đa phần các quốc gia này thực hiện các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là chủ yếu.

Thứ hai, ở Việt Nam, đối tượng bị bỏ phiếu tín nhiệm là những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là quá rộng, khó có thể thực thi. Bởi lẽ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là một số lượng không nhỏ nếu đem ra bỏ phiếu tín nhiệm. Trong số những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có những chức danh mà quyền ra quyết định của họ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, như: Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, cũng có những chức danh mà quyền ra quyết định của họ chỉ mang tính gián tiếp, ảnh hưởng không đáng kể đến các mối quan hệ xã hội như: Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội… Trong khi các nước trên thế giới, quan niệm cơ chế tín nhiệm và bất tín nhiệm chỉ được áp dụng trong chính thể đại nghị và một phần Chính phủ (Thủ tướng và các Bộ trưởng) trong chính thể cộng hòa hỗn hợp thì pháp luật của Việt Nam quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với tất cả các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là không khả thi. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng cá nhân thành viên của Chính phủ mà không quy định đối với tập thể Chính phủ cũng là điều không hợp lý.[13] Vì vậy, hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm ở Việt Nam cần hạn chế đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người có quyền lực thực sự, nhằm kiểm soát quyền lực của các đối tượng này. Nên bổ sung trường hợp Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với tập thể Chính phủ.

Thứ ba, theo pháp luật của các quốc gia này, các vị bộ trưởng sau khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, họ được phép báo cáo, tranh luận, phản biện về những vấn đề liên quan và những phiên thảo luận như thế kéo dài nhiều ngày, nếu các vị bộ trưởng này “cãi thắng”, thuyết phục được đa số trong Nghị viện thì sẽ không bị bất tín nhiệm. Ở Việt Nam, pháp luật cũng có quy định về việc các cá nhân bị đánh giá tín nhiệm thấp, tuy nhiên vẫn chưa có được những quy định rõ ràng và cụ thể đối với những bước tiếp theo mà các cá nhân này cần phải thực hiện. Do đó, Chính phủ và Quốc hội cần nên xem xét để cụ thể hóa các các quy định về hệ quả đối với những cá nhân bị đánh giá tín nhiệm thấp, các quy định về biện pháp xử lý, thủ tục xử lý đối với các cá nhân không được Quốc hội tín nhiệm bị miễn nhiệm và các quy định đối với các cá nhân không được Quốc hội tín nhiệm bị cách chức hoặc bãi nhiệm[14].

Thứ tư, mặc dù Chính phủ và Quốc hội nước ta đã có những quy định đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng vẫn còn dàn trải, rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau[15]. Nhiều quy định vẫn còn bị trùng lặp, chồng chéo hay mâu thuẫn với nhau ở các văn bản pháp luật này. Điều này gây nên sự khó hiểu, hay nhầm lẫn, khiến các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chưa thật sự hiệu quả do còn nhiều vướng mắc từ những văn bản pháp luật này. Do đó, Chính phủ và Quốc hội nên xem xét về việc thống nhất các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giữa các văn bản pháp luật quy định về vấn đề này.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1, 2. Minh Thy (2012). Bỏ phiếu bất tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/Bo-phieu-bat-tin-nhiem-va-bo-phieu-tin-nhiem-i207222/.

3. Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

4. Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 85/2014/QH13.

5. Điều 7 Nghị quyết số 85/2014/QH13. Tuy nhiên, trong báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Nhận định của UBTVQH cho rằng, 1 năm lấy phiếu ý kiến 1 lần hoặc 2 lần trong một nhiệm kỳ thì thời gian ngắn, không đủ để phản ánh đúng mức độ chuyển biến trong công tác của người được lấy phiếu.

6. Khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

7. Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

8. Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

9. Quỳnh Vũ (2021). Bỏ phiếu bất tín nhiệm, https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/Bo-phieu-bat-tin-nhiem-i279055/.

10. Điều 67 Bỏ phiếu bất tín nhiệm, Luật cơ bản Cộng hòa Liên bang Đức 1949.

11. Điều 68 Bỏ phiếu tín nhiệm, Luật cơ bản Cộng hòa Liên bang Đức 1949.

12. Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Thị Thu Hà: “Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội: Thực trạng và kiến nghị”, Tạp chí Khoa học và Pháp lý, số 73 năm 2018, tr. 50.

13. Trần Việt Dũng (2018). Hoàn thiện các quy định của pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/206796/Hoan-thien-cac-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-bo-phieu-tin-nhiem-doi-voi-nguoi-giu-chuc-vu-do-Quoc-hoi-bau-hoac-phe-chuan.html.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đăng Dung (2012). Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan 1997, Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia (trang 440-522), NXB Hồng Đức.
  2. Nguyễn Đăng Dung (2012). Hiến pháp Cộng hòa Pháp 1958, Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia (trang 203-246), NXB Hồng Đức.
  3. Nguyễn Đăng Dung (2012). Hiến pháp Liên Ban Nga 1993, Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia (trang 387-439), NXB Hồng Đức.
  4. Nguyễn Đăng Dung (2012). Luật cơ bản Cộng hòa Liên bang Đức ngày 23/5/1949, được sửa đổi vào ngày 20/12/1993, Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia (trang 247-341), NXB Hồng Đức.
  5. Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hồi đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
  6. Trần Việt Dũng (2018). Hoàn thiện các quy định của pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/206796/Hoan-thien-cac-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-bo-phieu-tin-nhiem-doi-voi-nguoi-giu-chuc-vu-do-Quoc-hoi-bau-hoac-phe-chuan.html.
  7. Quỳnh Vũ (2021). Bỏ phiếu bất tín nhiệm, https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/Bo-phieu-bat-tin-nhiem-i279055/.

Votes of confidence or no-confidence in some countrries and lessons learnt for Vietnam

Phan Khuyen

National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

Abstract:

A vote of confidence or no-confidence is an activity carried out in some countries around the world in order to raise a confidence issue regarding a certain move that the Government wants to obtain from the Parliament or to express the Parliament's disagreement with the Government's moves, bills or policies. In Vietnam, taking votes of confidence or no-confidence is to improve the effectiveness and efficiency of the National Assembly’s supervision function. This paper presents some examples from the constitutions of some countries, thereby drawing some lessons leanrts about votes of confidence or no-confidence in Vietnam.

Keywords: the Constitution, vote of confidence, no-confidence vote.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7  năm 2022]