Hoạt động logistics: Nghiên cứu trường hợp của doanh nghiệp bán lẻ

THS. PHẠM THỊ HUYỀN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Trong kinh doanh bán lẻ, logistics là một hệ thống các tác nghiệp bắt đầu từ nguồn cung cấp hàng hóa đầu vào và kết thúc khi phân phối hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng. Do đó, nhiệm vụ của logistics là đưa đúng sản phẩm đến đúng địa điểm và đúng thời điểm mà khách hàng yêu cầu, với một chi phí hợp lý để kinh doanh bán lẻ có thể thu được lợi nhuận. Nhiệm vụ đó của logistics không dễ dàng khi nhu cầu của khách hàng luôn luôn thay đổi.

Hoạt động logistics của các doanh nghiệp bán lẻ phải đáp ứng tất cả những yêu cầu và vượt qua các thách thức nêu trên. Vì vậy, bài viết tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận về logistics trong bán lẻ, thực trạng hoạt động logistics và đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động logistics, cụ thể như: thiết lập đối tác tin cậy trong mua hàng; thực hiện thường xuyên sáng kiến cải tiến trong quản trị kho và dự trữ; điều chỉnh mục tiêu nội bộ doanh nghiệp.

Từ khóa: Hoạt động logistics, doanh nghiệp bán lẻ, logistics bán lẻ.

 1. Đặt vấn đề

Cùng với tăng trưởng kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong suốt thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có bước tiến lớn với doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt 212,7 tỷ USD trong năm 2019, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Với sự phục hồi của nền kinh tế cùng các động lực tăng trưởng, thị trường bán lẻ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, ở phạm vị doanh nghiệp, hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ hiện vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của hoạt động bán lẻ là số lượng và chủng loại hàng hóa được phân phối rất lớn và đa dạng, người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm không chỉ đạt được kì vọng về giá cả và chất lượng mà còn phải sẵn có tại đúng nơi và đúng lúc mà họ cần.

Trong nền kinh tế hiện nay, thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ không phải là thu hút được nhiều khách hàng mà là cung cấp dịch vụ hàng đầu cho các khách hàng hiện tại. Điều này đã tạo ra áp lực và gia tăng mức độ phức tạp đối với hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ trong thời gian qua. Việc chủ động trong khâu vận chuyển, lựa chọn nhà cung cấp… vẫn còn nhiều hạn chế dẫn tới tỷ lệ hao hụt hàng hóa cao, chi phí cao làm giá bán bị đội lên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Với những lý do nêu trên, việc nghiên cứu một cách khoa học về thực trạng và tìm kiếm các giải pháp hoàn thiện hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang trở nên cấp thiết. Vì vậy, bài viết “Hoạt động logistics: Nghiên cứu trường hợp của các doanh nghiệp bán lẻ” được lựa chọn làm chủ đề nghiên cứu.

Bài viết chủ yếu thu thập các dữ liệu thứ cấp gồm các bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành (Vietnam Logistics Review, International Journal of Retail & Distribution Management), mạng internet… Các dữ liệu sau đó được sử dụng để trả lời cho một số câu hỏi nghiên cứu như khái niệm logistics bán lẻ? Thực trạng logistics trong các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay ra sao? Có các khuyến nghị gì nhằm nâng cao hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ?

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ

Hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ (logistics bán lẻ) là một lĩnh vực không ngừng phát triển. Với sự phát triển của công nghệ, logistics bán lẻ đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng. Những gì từng là phức tạp trước đây hiện đang được kết hợp với công nghệ để tạo ra các hệ thống hiệu quả hơn. Cho đến nay, khái niệm “logistics bán lẻ” đã được đề cập và phân tích trong một số nghiên cứu.

David Gilbert (1999) đã đưa ra định nghĩa: logistics bán lẻ là một quy trình có tổ chức để quản lý dòng lưu chuyển của hàng hóa từ các nguồn cung cấp đến khách hàng - từ nhà sản xuất, nhà bán buôn và các trung gian thông qua kho bãi, vận chuyển đến các đơn vị bán lẻ cho đến khi hàng hóa được bán và giao cho khách hàng.

Kotzab và Bjerre (2005) thì cho rằng, logistics trong bối cảnh bán lẻ diễn ra trong một hệ thống logistics với nhiều cấp bậc, nghĩa là có nhiều điểm nút từ nhà cung cấp ban đầu cho đến điểm cuối cùng. Do đó, logistics bán lẻ có thể được định nghĩa là một phần của logistics kinh doanh, bao gồm việc lập kế hoạch, thiết kế, tổ chức và kiểm soát tất cả các dòng hàng hóa và thông tin liên quan trong một công ty bán lẻ, các nhà cung cấp, khách hàng nội bộ và người dùng cuối của nó.

Theo T. T. Sithole (2015), logistics bán lẻ là việc giao hàng cho khách hàng thông qua việc quản lý dòng lưu chuyển của hàng hóa và các sản phẩm có liên quan từ người bán đến khách hàng. Quản lý logistics rất quan trọng trong ngành bán lẻ, vì nó đòi hỏi các công ty phải đáp ứng đồng thời nhiều yêu cầu khác nhau.

Trên cơ sở phân tích những khái niệm trên, tác giả đề xuất khái niệm logistics bán lẻ như sau: “Logistics bán lẻ là quá trình tối ưu hóa dòng vận động của hàng hóa và các thông tin có liên quan từ các nhà cung cấp (sản xuất/bán buôn) thông qua vận chuyển, dự trữ… đến mạng lưới cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng cuối cùng”.

2.2. Các hoạt động logistics tại doanh nghiệp bán lẻ

Jonh Ferni (2000) cho rằng, nhiệm vụ của logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ sẽ được hoàn thành thông qua việc thực hiện tốt và đồng bộ năm hoạt động cơ bản. Việc quản lý các hoạt động này nhằm cân bằng các yêu cầu về chi phí và dịch vụ. Mục tiêu là quản lý các hoạt động logistics cơ bản theo cách đảm bảo sự đánh đổi thích hợp giữa chi phí và dịch vụ, như trong Hình 1. Theo đó, tất cả các hoạt động logistics có tác động đến sự cân bằng giữa chi phí và dịch vụ. Việc các hoạt động này được thuê ngoài hay không cũng ảnh hưởng đến sự cân bằng. Nếu không đạt được sự cân bằng này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Lục Thị Thu Hường (2012) cho rằng, trong kinh doanh bán lẻ, logistics là một hệ thống các tác nghiệp bắt đầu từ nguồn cung cấp hàng hoá đầu vào và kết thúc khi phân phối hàng hoá cho người tiêu dùng cuối cùng. Theo Kotzab và Bjerre (2005) và Kotzab (2012), các nhiệm vụ của logistics bán lẻ bao gồm quản lý đơn hàng, bảo quản (stock keeping), lưu kho, vận hành (chọn đơn hàng, đóng gói), vận chuyển cũng như cung cấp một sản phẩm hiệu quả ở cấp cửa hàng. Qua đó có thể chỉ ra 4 hoạt động cơ bản của logistics bán lẻ bao gồm mua sắm, lưu kho, phân phối vật lý và hoạt động logistics tại cửa hàng (instore logistics). (Hình 2)

Các doanh nghiệp bán lẻ có thể đạt được lợi thế cạnh tranh khi thực hiện hiệu quả các hoạt động này. Đó chính là lý dó tại sao logistics bán lẻ được coi là một yếu tố thành công quan trọng đối với các công ty bán lẻ. Các mục tiêu chính của logistics bán lẻ đề cập đến việc thiết kế hiệu quả các luồng hàng hóa và thông tin liên quan, đảm bảo tính linh hoạt, khả năng đáp ứng và độ tin cậy để giảm mức tồn kho, vận chuyển, các thao tác đối với hàng hóa (xử lý, đóng gói) và các chi phí liên quan khác trong khi vẫn đảm bảo có sẵn các sản phẩm một cách đầy đủ.

Trên cơ sở các nghiên cứu trước đó và kết hợp với các đặc điểm của hoạt động kinh doanh bán lẻ, có thể chỉ ra các hoạt động logistics chức năng cơ bản tại các doanh nghiệp bán lẻ bao gồm mua hàng, dự trữ, kho hàng, vận chuyển và logistics tại cửa hàng. Các hoạt động logistics chức năng này đảm nhiệm việc lưu chuyển hàng hóa từ các nhà cung cấp (sản xuất hoặc trung gian) đến nhà kho/trung tâm phân phối của doanh nghiệp bán lẻ thông qua hoạt động mua hàng, sau đó hàng hóa sẽ được sắp xếp vận chuyển đến các đơn vị bán lẻ cho đến khi nó được bán và giao cho khách hàng (Hình 3).

                                                                        Nguồn: Minh họa của tác giả

 3. Thực trạng hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam

3.1. Tổng quan chung

Chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10% đến 20%. Trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ đóng góp cao nhất khoảng từ 60% đến 80%, ngoài ra các thành phần khác như chi phí xếp dỡ và thủ tục thông quan là những dịch vụ có chi phí cao sau vận tải.

Bên cạnh việc quyết định thuê ngoài một số dịch vụ logistics như vận tải hay xếp dỡ, phần lớn các công ty vẫn tự thực hiện các dịch vụ có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính, như: thu mua, kho hàng, khai báo hải quan và đóng gói hàng. Để khắc phục những hạn chế của việc tự thực hiện các hoạt động logistics, nhiều công ty vẫn duy trì cả 2 hình thức là thuê ngoài một số dịch vụ và tự làm một số hoạt động logistics cơ bản không có yêu cầu cao và phức tạp. Đặc biệt trong những thời kỳ cao điểm, các công ty thường lựa chọn phương án này.

3.2. Hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay

Hoạt động mua: Với các doanh nghiệp bán lẻ, sự đa dạng về mặt hàng kinh doanh đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, bên cạnh các sản phẩm trong nước, các doanh nghiệp bán lẻ còn phân phối rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài. Với các sản phẩm mua từ nước ngoài, cần phải đặt lịch tàu hoặc máy bay để vận chuyển hàng hóa nên thời gian quay vòng thường khá dài. Còn với các sản phẩm mua trong nước, các doanh nghiệp bán lẻ thường có bộ phận thu mua riêng và các tiêu chí đánh giá nhà cung cấp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các giấy tờ chứng nhận, chất lượng hàng hóa, giao hàng đúng thời gian, giá cả hợp lý, thời gian công nợ dài.

Có thể thấy rõ thực trạng này đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các siêu thị bán lẻ hiện nay. Chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống cho các siêu thị đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều khách hàng từ chuỗi truyền thống bằng khả năng đáp ứng nhu cầu mua sắm đồng bộ tốt hơn, đồng thời đảm bảo tính tiện lợi cao hơn. Các nguồn cung thực phẩm tươi sống cho siêu thị rất đa dạng, có thể kể đến như: nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, nông hộ, người gom hàng.

Hoạt động vận chuyển: Tại các doanh nghiệp bán lẻ, hoạt động vận chuyển được thực hiện để cung cấp hàng hóa cho các nhà kho/trung tâm phân phối và bổ sung hàng hóa cho các cửa hàng/cơ sở bán lẻ trong mạng lưới logistics của doanh nghiệp. Hoạt động vận chuyển tại các doanh nghiệp bán lẻ được tổ chức theo 2 hình thức cơ bản: vận chuyển tập trung và vận chuyển trực tiếp đến cửa hàng.

Với hình thức tập trung, nhà cung cấp cung cấp số lượng lớn hàng hóa cho trung tâm phân phối của nhà bán lẻ. Tùy thuộc vào quy mô, hình thức vận chuyển này có thể chiếm tỷ lệ từ 50-80% tại các doanh nghiệp bán lẻ, thậm chí có thể lên tới hơn 90% đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn. Ngoài việc tập trung hóa, các sản phẩm có thể được chuyển đến các cửa hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp. Tại một số doanh nghiệp bán lẻ, hình thức này có thể chiếm tới 30% tổng lượng hàng hóa.

Hoạt động dự trữ: Đối với doanh nghiệp bán lẻ, do phải đảm bảo lượng hàng hóa lớn và đa dạng, đảm bảo tính sẵn có của hàng hóa trong cung ứng nên chính sách dự trữ và tồn kho mang ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp. Quản lý dự trữ theo chủng loại hàng hóa, theo thời gian và áp dụng mô hình JIT (đúng thời điểm - just in time) đã nâng cao hiệu quả quản lý kho hàng lên nhiều lần.

Hoạt động kho hàng: Xu hướng chung của các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay là hệ thống quản lý và tác nghiệp trong kho được xây dựng càng đơn giản càng tốt, giúp nhân viên dễ dàng thao tác lấy hàng, sắp xếp hàng và giao hàng mà không tốn nhiều thời gian đào tạo. Các áp dụng tính toán vòng quay hàng tồn kho cũng không áp đặt theo công thức chung mà tùy thuộc vào từng doanh nghiệp để có cách tính thay đổi cho phù hợp.

Hoạt động logistics tại cửa hàng: Điểm mạnh của các doanh nghiệp bán lẻ là có các phương tiện vật chất hữu hình và dịch vụ tiện ích nên đã đáp ứng được độ tin cậy của khách hàng. Điểm mạnh này được thể hiện rõ ràng nhất trong hệ thống phương tiện, thiết bị hỗ trợ hoạt động cung ứng hàng hóa tại các cửa hàng/điểm bán lẻ.

Hoạt động logistics tại cửa hàng được đặc trưng bởi hệ thống nội bộ của một doanh nghiệp bán lẻ ở cấp cửa hàng. Tỷ lệ chi phí của hoạt động logistics tại cửa hàng trên tổng chi phí của một công ty bán lẻ có thể lên tới 50%, đó là lý do vì sao logistics tại cửa hàng có thể được coi là một động lực lợi nhuận chính cho các nhà bán lẻ hiện nay.

4. Kết luận và một số khuyến nghị với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam

Qua nghiên cứu thực tế có thể khẳng định, trong thời gian qua, hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ đã nhận được sự quan tâm và đầu tư lớn hơn, nhờ đó bước đầu mang lạị những kết quả khả quan cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ vẫn bộc lộ một số hạn chế như hệ thống logistics còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp, các quy trình tác nghiệp logistics còn thủ công, chưa nhất quán và còn nhiều bất cập trước sức ép cạnh tranh và nhu cầu thị trường.

Giải quyết được những điểm yếu này trong hệ thống logistics sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ đáp ứng được nhu cầu đa dạng hơn của khách hàng và đạt được kết quả kinh doanh hiệu quả hơn. Dưới đây là một khuyến nghị với các doanh nghiệp bán lẻ để có thể triển khai hiệu quả hoạt động logistics.

4.1. Hoàn thiện hoạt động mua thông qua việc liên kết  với các đối tác đáng tin cậy

Các nhà bán lẻ tham gia vào quá trình bán hàng hóa bằng cách đưa sản phẩm từ nhà sản xuất và nhà cung cấp đến người tiêu dùng. Nếu các nhà cung ứng hoạt động không hiệu quả, chậm trễ trong quá trình cung cấp hàng hóa sẽ làm ảnh hưởng đến các nhà  bán lẻ và cả người tiêu dùng. Vấn đề này có thể được giảm thiểu nếu các nhà bán lẻ tích hợp hệ thống logistics của mình với các nhà cung ứng, hơn nữa, có thể tối ưu hóa và quản lí thống nhất toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này sẽ làm giảm chi phí và nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng không chỉ cho các nhà bán lẻ mà cho cả các nhà cung cấp.

Các nhà bán lẻ nên thừa nhận rằng họ không thể tự làm mọi thứ. Tạo nên mối quan hệ hợp tác bền vững và lâu dài với các đối tác có thể đem lại hiệu quả lớn hơn cho doanh nghiệp,  đồng thời góp phần gia tăng trải nghiệm tích cực cho khách hàng. Mối quan hệ đối tác thực sự vượt xa mối quan hệ khách hàng - nhà cung cấp truyền thống và mối quan hệ này thường không được xác định bởi các điều khoản thương mại trong hợp đồng.           

Các nhà bán lẻ đang ngày càng phát triển và có nhiều cơ hội trong việc khai thác và tìm kiếm nguồn cung ứng quốc tế. Đối với nhiều sản phẩm, chi phí sản xuất thấp hơn nhiều ở các nước bên ngoài các nước phát triển và do đó tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn. Kiểm soát chuỗi cung ứng là như vậy, quan trọng là phải có được sản phẩm đến các cửa hàng trong tình trạng tốt. Quá trình này sẽ kiểm soát hệ thống cung cấp của các cửa hàng bán lẻ và sử dụng công nghệ máy tính để kiểm soát hệ thống phân phối trung tâm.

Quá trình bán lẻ liên quan đến mối quan hệ với các doanh nghiệp khác nhưng cũng có các đặc điểm riêng biệt phát sinh từ bản chất của bán lẻ. Yêu cầu về nguồn gốc của sản phẩm, kết hợp với các vấn đề xây dựng thương hiệu, các nhà bán lẻ chắc chắn phải có mối quan hệ với các đối tác kinh doanh, cũng như mối quan hệ giữa các nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các mối quan hệ có thể là yếu tố để đảm bảo một nguồn cung cấp chất lượng. Nó có thể giúp doanh nghiệp phát triển một dòng sản phẩm hoặc để đảm bảo tính nhất quán chất lượng sản phẩm... Đối với nhiều nhà bán lẻ, trong khi giá có thể là rất quan trọng, nhưng một số yếu tố khác tạo nên mối quan hệ tốt đẹp cũng phải được thực hiện.

Các nhà bán lẻ có nhiều mối quan hệ kinh doanh vượt ra ngoài việc tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm. Một trong những mối quan hệ quan trọng nhất là mối quan hệ liên quan đến việc phân phối sản phẩm. Nhiều nhà bán lẻ chỉ tập trung vào hoạt động bán hàng và thường thuê ngoài dịch vụ logistics. Do đó, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đối tác sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.

4.2. Thực hiện các sáng kiến ​​tiết kiệm chi phí

Nhiều nhà bán lẻ không có một chiến lược rõ ràng về các quyết định liên quan đến tổng chi phí trong chuỗi cung ứng của họ. Các doanh nghiệp bán lẻ phần lớn chỉ quan tâm đến mức giá phải trả cho việc thuê kho và dịch vụ vận chuyển và cố gắng thương lượng mức giá tốt nhất, nhưng tiềm năng tiết kiệm chi phí trong chuỗi cung ứng còn lớn hơn thế nhiều.

Việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật logistics bán lẻ là một quyết định đúng đắn, tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần cân nhắc kỹ các yếu tố như nhu cầu, đặc điểm của hàng hóa để lựa chọn các thiết bị phù hợp, đáp ứng yêu cầu của quá trình kinh doanh bán lẻ nhưng đồng thời vẫn đảm bảo các chi phí đầu tư là hợp lý.

Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa nhiều năm nay trăn trở để hình thành một hệ thống kho trữ lạnh để bảo quản các thực phẩm tươi sống, hệ thống kho có băng chuyền, quản lý hàng xuất nhập bằng vi tính... Nhưng những khó khăn về vốn liếng, mặt bằng, quy định hạn chế chi phí khuyến mãi... khiến cho những phương án này chưa thể thành hiện thực.

4.3. Điều chỉnh mục tiêu nội bộ

Đối với các nhà bán lẻ lớn, một số bộ phận sẽ trực tiếp làm việc với các thành viên kháctrong chuỗi cung ứng. Mức độ mà các bộ phận này có thể làm việc cùng nhau được xem là một yếu tố quyết định chính cho sự thành công của công ty. Một khi bộ phận tìm nguồn cung ứng, bộ phận bán lẻ, bộ phận công nghệ thông tin thực sự bắt đầu liên kết với nhau có thể thu được toàn bộ lợi ích của một giải pháp chuỗi cung ứng tổng thể.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lục Thị Thu Hường (2012), Logistics bán lẻ mặt hàng thực phẩm tươi sống tại một số siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đề tài NCKH cơ sở, Trường Đại học Thương mại.

2. David Gilbert (1999), Retail marketing management, Bell & Bain Limited, Glasgow.

3. Fernie, J and Sparks, L (2000), Retail logistics in the UK: Past, present and future,International Journal of Retail & Distribution Management 38(11/12).

4. Kotzab, H. (2012), Handels logistic, In P. Klaus, W. Krieger, & M. Krupp, Gabler Lexikon  Logistik (S. 212-217). Wiesbaden: Gabler Verlag/ Springer Fachmedien, 5. Auflage.

5. Kotzab, H., Bjerre, M. (2005), Retailing in a SCM-perspective, Copenhagen Business School Press, Frederiksberg.

6. T. Sithole (2015), Challenges of Transporting Retail Goods into a Landlocked Country: The Case of Importing into Zimbabwe, University of Kwazulu-Natal.

Logistics activities  of retail businesses

Master. Pham Thi Huyen

Thuongmai University 

ABSTRACT:

For retail businesses, logistics is a system of operations starting from the supply of input goods to the distribution of goods to final consumers. Therefore, the ultimate goal of logistics activities is to provide the right product to the right place at the right time according to customers’ requests with a reasonable cost. This goal is not easy to achieve due to the ever-changing needs of customers.

This study focuses on the theoretical basis of  retail logistics and the current situation of logistics activities, thereby proposing some recommendations for improving the logistics performance including establishing reliable partners in purchasing process, regularly implementing innovations in warehouse and storage management and adjusting internal business goals of enterprise.

Keywords: Logistics activities, retailing enterprises, retail logistics.