Theo ước tính, trong tháng 11/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 210 nghìn tấn, trị giá 354 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 3% về lượng, nhưng tăng 6,9% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.687 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 10/2021 và tăng 10,2% so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1,7 triệu tấn cao su, trị giá 2,84 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 40,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng khá so với so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, một số chủng loại như: SVR 20, SVR CV60, SVR 3L, SVR CV50, SVR 10, cao su tổng hợp, RSS1… đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2021, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 925,14 nghìn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,4% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 919,78 nghìn tấn, trị giá 1,51 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp có giá xuất khẩu bình quân giảm. Trong đó, đáng chú ý một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Cao su dạng Crếp tăng 104,2%; Skim block tăng 48,6%; RSS1 tăng 41,5%; SVR CV40 tăng 38,9%; RSS3 tăng 34,9%; SVR CV60 tăng 33,2%...

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 ước tính tăng 8,3% so với năm 2020, lên 14,028 triệu tấn.

Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên sản lượng cao su tự nhiên thế giới được điều chỉnh lên 13,836 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2020. Theo số liệu cho thấy, thế giới sẽ thiếu hụt 192 nghìn tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.

Nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt phần lớn do các trận mưa lũ bất thường, không theo mùa đã ảnh hưởng đến các vùng trồng cao su chính ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Trong đó, Thái Lan và các vùng trồng cao su chính của Malaysia đã trải qua mùa mưa kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.

Mặt khác, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi của ngành cao su.

[Quảng cáo]