Theo Luật Cạnh tranh năm 2018 số 23/2018/QH14 do Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, tập trung kinh tế bao gồm 4 hình thức chính, là sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp.

Sáp nhập doanh nghiệp là một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

Mua lại doanh nghiệp là một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

Liên doanh giữa các doanh nghiệp là hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.

Báo cáo về “Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh giai đoạn 7/2019-7/2021” của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, tổng giá trị các thương vụ tập trung kinh tế tại Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Nhìn vào hoạt động tập trung kinh tế năm 2019, tuy giá trị giảm, nhưng vẫn có những yếu tố tích cực. Trong 6 tháng cuối năm 2019, nhiều thương vụ lớn với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn trong nước đã xuất hiện.  

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bất ngờ lan rộng trên toàn cầu đã và đang tác động rất lớn đến kinh tế thế giới nói chung, cũng như hoạt động tập trung kinh tế nói riêng. Hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu trong giai đoạn nửa đầu năm 2020 đều giảm mạnh do các nhà đầu tư có những phản ứng thận trọng. Đồng thời, những điều kiện về giãn cách xã hội trên toàn cầu gây trở ngại cho việc tìm hiểu, đánh giá và ra quyết định tập trung kinh tế. Giá trị tập trung kinh tế tại Việt Nam năm 2020 tiếp tục suy giảm, đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019). 

Năm 2019, thương vụ giữa BIDV và KEB Hana Bank đã đánh dấu một trong những giao dịch M&A với nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam
Năm 2019, thương vụ giữa BIDV và KEB Hana Bank đã đánh dấu một trong những giao dịch M&A với nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam

Tỷ trọng trong tổng giá trị tập trung kinh tế tại Việt Nam của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng nhanh chóng với sự chủ động ngày càng cao của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Năm 2018, giá trị giao dịch của các thương vụ tập trung kinh tế do doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chỉ chiếm tỷ trọng 11,8% trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 88,2% trong tổng giá trị giao dịch tập trung kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2020, giá trị các thương vụ tập trung kinh tế do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đã tăng lên, chiếm trên 30% tổng giá trị giao dịch tập trung kinh tế được thực hiện tại Việt Nam. 

Bên cạnh các thương vụ thành công, nhiều kế hoạch tập trung kinh tế cũng được định hình và dự kiến được thực hiện trong thời gian tới như Kido Group lên kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên, Thadi tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp... 

Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài trong các giao dịch tập trung kinh tế tại Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn do xu hướng chuyển dịch đầu tư hậu Covid-19 sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. 

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hoạt động tập trung kinh tế trong thời gian qua tại thị trường Việt Nam, tuy chịu sự tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng vẫn diễn ra tương đối sôi động. 

“Hoạt động tập trung kinh tế vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả và cũng là cách thức để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thực hiện tái cấu trúc nội bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh vừa đấu tranh đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi kinh tế, thích ứng với trạng thái bình thường mới như hiện nay. Thông qua hoạt động tập trung kinh tế, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng củng cố vị trí và vai trò của mình để đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, báo cáo của Bộ Công Thương nhận định.

Trong giai đoạn 2019-2020, có một số thương vụ tập trung kinh tế nổi bật, có giá trị giao dịch lớn, điển hình như thương vụ KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của BIDV với giá trị 878 triệu USD; KKR&Temasek mua lại cổ phần của Vinhomes với giá trị 652 triệu USD; hoặc có liên quan đến các tập đoàn lớn của Việt Nam, điển hình như VinGroup, Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk, REE, PAN Group,... 

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu thu hút lượng lớn vốn đầu tư thông qua tập trung kinh tế tại Việt Nam thời gian qua bao gồm bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ. Bên cạnh đó, một số thương vụ tập trung kinh tế đáng chú ý cũng được thực hiện trong lĩnh vực logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng. Ngoài ra, tập trung kinh tế còn diễn ra trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế như bia, nước giải khát, sữa, giấy, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, thủy sản, vật liệu xây dựng... 

Các chuyên gia cho rằng, giá trị các giao dịch tập trung kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ ở quy mô 4,5 - 5 tỷ USD và năm 2022 có thể đạt được mốc 7 tỷ USD. 

Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp có thể vẫn sẽ là tâm điểm thu hút tập trung kinh tế trong năm 2021 và 2022. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 và trong một số năm tới. 

Về chủ thể, các nhà đầu tư từ châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore, sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Các tập đoàn lớn trong nước tiếp tục là động lực đóng góp vào sự hồi phục của hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo. 

Với xu hướng hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường giai đoạn hai năm tiếp theo, dự báo số hồ sơ thông báo gửi đến Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ tăng mạnh. Trong đó, khoảng 30% đến 40% số hồ sơ sẽ liên quan các giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam do xu hướng hồi phục và tăng tốc của hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trên thế giới sẽ lan tỏa đến thị trường trong nước và các hoạt động kinh doanh theo chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng gia tăng, trong đó Việt Nam là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị này. 

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp dưới tác động của đại dịch Covid-19, làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài gia tăng, mua lại và đầu tư gián tiếp vào các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo đó, các giao dịch tập trung kinh tế dưới hình thức mua lại giữa các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cũng sẽ gia tăng, được dự báo sẽ tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn trong số hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong nửa cuối năm 2021 và cả năm 2022.