Phát biểu trong buổi lễ ngày 22/9/2021, trước phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những đóng góp của chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Columbia trong việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Buổi lễ này là một hoạt động hữu nghị của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc để nhìn nhận những góp đáng kể của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, trong đó có Đại học Columbia, đã nâng cao ý thức về Việt Nam, cũng như sự quyên góp từ thiện trong đại dịch Covid và thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thay mặt cho Đại học Columbia, Liên- Hằng Nguyễn, Phó giáo sư về Lịch sử Hoa Kỳ và Đông Á và cũng là người đồng sáng lập Sáng kiến ​​Việt Nam học đã chia sẻ, món quà này là sự thừa nhận thành công của chương trình cho đến nay trong việc giảng dạy sinh viên và định hình lĩnh vực rộng lớn hơn của Việt Nam học.

Giáo sư Nguyễn cho rằng, nhiệm vụ của họ còn chưa hoàn thành vì mục tiêu cao nhất của chương trình là gây quỹ để thành lập một trung tâm nghiên cứu về Việt Nam tại trường Đại học Columbia. Trung tâm này sẽ thắt chặt các mối quan hệ giữa Đại học Columbia và các đối tác đại học tại Việt Nam, với hy vọng sẽ đưa nhiều sinh viên Việt Nam hơn sang học tập và nghiên cứu tại cơ sở Morningside của trường tại thành phố New York.  

lien hang nuyen
Nguyễn Xuân Phúc đã trao và ký tặng cho giảng viên Đại học Columbia một bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập, một công trình nghiên cứu đồ sộ gần đây về lịch sử dân tộc.

Sáng kiến ​​Nghiên cứu Việt Nam - cầu nối giữa Hoa Kỳ với Đông Á và Đông Nam Á

Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhưng nhiều người Mỹ vẫn nhìn đất nước Việt Nam qua lăng kính chiến tranh. “Việt Nam” từ lâu đã đồng nghĩa với các cuộc xung đột, những cuộc chiến kéo dài mấy thập kỷ và tồn tại cho đến ngày nay chỉ như một chương trong thiên lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng Việt Nam không đơn giản chỉ có thế mà còn là một thị trường mới nổi, một nơi phát triển nghệ thuật, một cộng đồng đa dạng và thịnh vượng, và một đất nước đáng tìm hiểu với một lịch sử độc đáo của riêng mình.

Để nâng cao kiến ​​thức cần thiết về Việt Nam từ nhiều khía cạnh, Đại học Columbia đã khởi động sáng kiến ​​Nghiên cứu Việt Nam với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead (WEAI) và khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á (EALAC). Dựa trên đà phát triển này, Đại học Columbia và WEAI cùng các đồng sự, đã nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện thành công cho sáng kiến ​​này. Đó là hội nghị chuyên đề có tên “Việt Nam và Trung Quốc xét từ quan điểm Trường Kỳ (longue durée)” đã thu hút khoảng 130 người đăng ký tham dự.

Các hoạt động giới thiệu về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam cũng được tổ chức trong suốt 4 năm vừa qua như: công chiếu các bộ phim nổi tiếng “Hành trình từ mùa thu” và “Song Lang”, cũng như buổi nói chuyện với các đạo diễn người Mỹ gốc Việt là Hàm Trần và Leon Lê.

Ngoài ra còn một sự kiện đặc biệt giới thiệu và nói chuyện về “Thời trang bền vững - Km109” của nhà thiết kế Vũ Thảo. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19, một buổi biểu diễn và nói chuyện về Ca trù cũng được thực hiện trực tuyến với sự tham gia của gần 100 giáo sư và sinh viên Đại học Columbia.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội thảo quốc tế mang tên “Hồ Chí Minh toàn cầu” đã khám phá vai trò của Hồ chủ tịch trong sự hình thành của Việt Nam thời hiện đại. Và gần đây nhất là cuộc thảo luận bàn tròn về “Chấn thương và ký ức trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt” đã thu hút hơn 700 người tham gia trực tuyến.

Như vậy, từ khi thành lập Sáng kiến Việt Nam học đã kết nối các sinh viên và học giả qua các chương trình học thuật, sự kiện văn hóa và hội thảo khoa học. Một loạt các sự kiện thành công này đã khẳng định danh tiếng ngày càng tăng của Columbia như một điểm đến cho giới nghiên cứu về Việt Nam tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

lien hang nguyen
Phó giáo sư John PhanCaption và Phó giáo sư Liên-Hằng Nguyễn

Việt Nam học và học tiếng Việt tại Đại học Columbia

Khi thành lập một chương trình mới về Việt Nam học là khoa EALAC muốn khẳng định mình là một trong những khoa duy nhất trên toàn thế giới nghiên cứu về tất cả các nền văn hóa Đông Á lớn.

Phó giáo sư John Phan là một chuyên gia về ngữ âm học lịch sử Việt Nam, từ thời tiền hiện đại đến sơ kỳ cận đại, bao gồm cả tiếng nói và văn tự. Sở trường của Phó giáo sư Phan về Việt Nam thời tiền hiện đại được bổ sung bởi kiến ​​thức chuyên môn về hiện đại của Phó giáo sư Liên-Hằng Nguyễn, một chuyên gia nổi tiếng về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời chiến tranh lạnh.

Tác phẩm của phó giáo sư Nguyễn tập trung vào mạng lưới quan hệ quốc tế thời Chiến tranh Lạnh bao gồm cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam đối kháng nhau trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.

Trong nghiên cứu của mình, cả hai phó giáo sư Phan và Nguyễn đều tập trung vào các kết nối, giao lưu và tiếp xúc có tác động giữa Việt Nam và các nước láng giềng, ở cả Đông Á và Đông Nam Á, đồng thời nhấn mạnh cách tiếp cận liên vùng đối với nghiên cứu Việt Nam.  

Từ mùa thu năm 2018, Đại học Columbia đã khai giảng và phát triển chương trình học tiếng Việt với những giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt ở trình độ đại học và sau đại học, cùng phương pháp sư phạm phù hợp đáp ứng nhu cầu cụ thể của sinh viên.

Tại Đại học Columbia, các lớp học sử dụng phương pháp tiếp cận chức năng với trọng tâm là sự tham gia của người học và giao tiếp thực tế. Chương trình giảng dạy sẽ kết hợp khung năng lực ngôn ngữ sáu bậc của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam và khung năng lực ngôn ngữ năm bậc của ACTFL (Hội đồng Giáo viên dạy Ngoại ngữ của Hoa Kỳ) năm 2012.

Sinh viên được khuyến khích áp dụng và nâng cao kỹ năng giao tiếp thực tế của mình thông qua việc khám phá di sản văn hóa phong phú của Việt Nam, cũng như sự đa dạng và sống động của xã hội Việt Nam đương đại.

Hiện nay chương trình tiếng Việt tại Đại học Columbia đang cung cấp các khóa học: Tiếng Việt I & II năm thứ nhất (không cần kinh nghiệm), Tiếng Việt I & II năm thứ hai (yêu cầu thi xếp lớp), Tiếng Việt I & II năm thứ ba (yêu cầu thi xếp lớp) và Tiếng Việt I & II nâng cao hỗn hợp (yêu cầu thi xếp lớp).

Chương trình tiếng Việt cũng tự hào phục vụ nhu cầu của chương trình sau đại học của Columbia về Việt Nam học. Columbia hiện là một trong những học viện duy nhất cung cấp một chương trình sau đại học bao quát về lịch sử, văn hóa và văn học Việt Nam, từ thời tiền hiện đại đến đương đại. Chương trình Việt ngữ đang hợp tác chặt chẽ với các Giáo sư trong lĩnh vực này để thành lập một trung tâm đào tạo tiếng Việt hàng đầu tại Columbia.

Mục tiêu dài hạn của Đại học Columbia là phát triển một chương trình phục vụ nhu cầu của mọi cấp độ quan tâm, từ sinh viên trình độ sơ cấp đến sinh viên gốc Việt để nâng cao trình độ nghiên cứu sinh làm việc trên các tài liệu nguyên cấp bằng tiếng Việt.

Để biết thêm thông tin về chương trình tiếng Việt, vui lòng liên hệ Giảng viên Nguyễn Phương Chung tại [email protected]. Để biết thêm thông tin về các nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Columbia, vui lòng liên hệ với Phó Giáo sư John Phan tại [email protected].Chung Nguyen- Vinh Nguyen Tổng hợp từ các nguồn: Columbia NewsWeatherhead East Asian Institute NewsEALAC News