Hội thảo "Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Hướng tới sự phát triển bền vững”

Sáng ngày 30 tháng 3 năm 2016, Bộ Khoa học Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Hướng tới sự phát triển bền vững”.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa chứng kiến hai sự kiện lớn đó là việc: Việt Nam tham gia Hiệp định TPP và trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Với việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, vấn đề phát triển, phát triển bền vững được nhiều doanh nghiệp quan tâm bởi đó chính là yếu tố giúp doanh nghiệp mở ra cánh cửa thành công trong sân chơi hội nhập.

Tham dự hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, hiệp hội, hội, cơ quan, tổ chức, trường đại học, thành viên Hội đồng giải thưởng quốc gia và địa phương, các chuyên gia và nhà nghiên cứu cùng đại diện các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng chất lượng quốc gia đã nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo, đồng thời đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện đánh dấu sự phát triển 20 năm của Giải thưởng chất lượng quốc gia (1996 - 2016). Trong bài báo cáo của mình tại Hội thảo, Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã nhấn mạnh: “Giải thưởng chất lượng quốc gia đã đóng góp không nhỏ cho phong trào năng suất - chất lượng tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý của mình thông qua việc áp dụng các thực hành sản xuất, kinh doanh tốt nhất".

Ra đời từ năm 1996, đến nay, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận đó không chỉ là một hình thức tôn vinh doanh nghiệp mà còn là một công cụ, hệ thống quản lý hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý, nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả hoạt động SXKD của DN theo các tiêu chí Giải thưởng.

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có tham luận với chủ đề “Đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý của doanh nghiệp bằng Giải thưởng chất lượng”. Theo đó, ngày càng có nhiều các công cụ đánh giá hoạt động của DN như: TQM (quản lý chất lượng toàn diện); BSC (Thẻ điểm cân bằng); ERP (Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) hay BE (Mô hình kinh doanh hoàn hảo). Hiện nay, trên thế giới, Mô hình BE hay còn gọi là Giải thưởng chất lượng được các DN sử dụng phổ biến để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý của mình bởi nó cho phép DN định kỳ xem xét các hoạt động nào vận hành như kế hoạch đề ra, hoạt động nào sụt giảm, hoạt động nào cần được củng cố, điều chỉnh và sự chênh lệch giữa kết quả mong muốn và kết quả đạt được như thế nào, đo lường một cách toàn diện và mang tính hệ thống các điểm mạnh và cơ hội cải tiến cho DN, định hướng cho DN xây dựng và thực thi các kế hoạch hành động khả thi trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Là đơn vị đã tham gia và đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết hiện công ty đang áp dụng một số hệ thống như QHSE, ISO 9001; ISO 14001, OHSAS. Nhờ đó, sản phẩm của công ty luôn đáp ứng yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn về môi trường, an toàn sức khỏe. Trong công ty tạo ra một phong trào sâu rộng về thực hiện cải tiến liên tục và tác phong làm việc gọn gang, sạch sẽ. Việc tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia qua nhiều năm cũng giúp công ty thường xuyên phát hiện những điểm chưa hoàn thiện để khắc phục và cải tiến, đồng thời cũng khẳng định những nỗ lực không ngừng của Công ty trên con đường tự hoàn thiện mình.

Tham gia hội thảo với vai trò một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động dựa trên kết quả của một công trình nghiên cứu khoa học, nhà khoa học Trịnh Định Năng thẳng thắn cho rằng: “Việc lấy chất lượng sản phẩm là giá trị cốt lõi, chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học, nâng tầm giá trị thảo dược làm định hướng chiến lược là chặng đường đầy khác biệt và khó khăn của Năng Nano Curcumin. Là một người nghiên cứu khoa học, tôi hiểu rằng: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sẽ là một cách tiếp cận đúng đắn cho hệ thống quản lý chất lượng của Năng Nano Curcumin”.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Việt Nam được triển khai theo mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Mỹ với 7 tiêu chí đánh giá, bao gồm:

+ Vai trò lãnh đạo; 

+ Đo lường, phân tích, quản lý tri thức;

+ Chiến lược hoạt động; 

 + Quản lý phát triển nhân lực;

+ Chính sách thị trường - khách hàng; 

 + Quản lý hoạt động;

+ Kết quả hoạt động.