Hơn nửa tỷ USD đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nam

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hà Nam đã thu hút 33 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp.
Dây chuyền lắp ráp xe máy của Công ty Honda tại Khu công nghiệp Đồng Văn II.
Dây chuyền lắp ráp xe máy của Công ty Honda tại Khu công nghiệp Đồng Văn II.

 

Trong đó có 22 dự án FDI và 11 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 560 triệu USD và hơn 1.050 tỷ đồng.

Trong số các dự án mới, có 14 dự án thuộc ngành công nghiệp chế tạo, 14 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và năm dự án thuộc các ngành khác.

Để thu hút vốn đầu tư mạnh trong và ngoài nước, UBND tỉnh Hà Nam đã đưa ra 3 phương hướng:

Một là thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư; duy trì đường dây nóng điện thoại của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương để tiếp nhận ý kiến phản ánh từ doanh nghiệp và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Hai là tập trung thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại, định hướng tiêu thu nội địa bằng cách tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tỉnh thành để tổ chức các hội nghị kết nối cung-cầu đối với từng mặt hàng cụ thể với các địa phương có thế mạnh, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thu hàng hóa.

Ba là phát triển mạnh thương mại – dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ phụ vụ hoạt động trong các KCN, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mạnh, Khu du lịch Tam Chúc, sân golf ở huyện Kim Bảng. Huy động và thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Hội nghị kết nối cung cầu tỉnh Hà Nam
Thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại, định hướng tiêu thu nội địa là một trong những định hướng để Hà Nam thu hút đầu tư (ảnh: Các đại biểu tham quan gian hàng bên lề Hội nghị kết nối cung cầu tỉnh Hà Nam)

 

Để có được kết quả hôm nay, ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, Hà Nam đã nghiên cứu, quy hoạch và phát triển KCN tại những khu vực bán sơn địa, đất lúa một vụ năng suất thấp, nhưng có điều kiện giao thông, hạ tầng thuận lợi như các huyện Duy Tiên, Kim Bảng và Thanh Liêm.

Năm 2002, tỉnh Hà Nam đã tiến hành quy hoạch, đầu tư hạ tầng KCN Đồng Văn I - KCN đầu tiên với quy mô ban đầu 110 ha. Đến nay, sau 16 năm không ngừng nỗ lực đầu tư và xây dựng, Hà Nam đã có 6/8 KCN theo quy hoạch được triển khai đầu tư hạ tầng gồm: KCN Đồng Văn I, KCN Đồng Văn II, KCN Châu Sơn, KCN Hòa Mạc, KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn I, KCN Đồng Văn IV với tổng diện tích 1.418 ha.

Trong đó, một số KCN có tỷ lệ lấp đầy khá ấn tượng như:

KCN Đồng Văn I (diện tích là 221,2 ha) đã lấp đầy 100% diện tích;

KCN Đồng Văn II (diện tích là 321 ha) đã lấp đầy 92,9% diện tích; KCN Châu Sơn (diện tích 377 ha) đã lấp đầy 88,4% diện tích.

Một số KCN đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và sẵn mặt bằng cho nhà đầu tư thuê như: KCN hỗ trợ Đồng Văn III giai đoạn I (diện tích là 131,5 ha); KCN Đồng Văn IV (diện tích 300 ha); KCN Hòa Mạc (diện tích 131 ha).

Ông Nguyễn Xuân Đông (phải), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam và ông Kim Hyeon UK, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam tại buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Ông Nguyễn Xuân Đông (phải), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam và ông Kim Hyeon UK, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam tại buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

 

Trong thời gian tới, Hà Nam sẽ đa dạng hoá các hình thức quảng bá, xúc tiến đầu tư; chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến, vận động đầu tư trong và ngoài nước; tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức kinh tế - thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài, nhất là các tổ chức của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, các nhà đầu tư đã thành công tại Hà Nam để giới thiệu về môi trường đầu tư tại Hà Nam.

Quế Võ