Phối hợp chia sẻ dữ liệu

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng kinh doanh tất yếu trong thời đại công nghệ số và hội nhập kinh tế toàn cầu.  Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thực tế, nhiều mặt hàng giả, không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai, dễ dàng tung ra thị trường theo hình thức kinh doanh trực tuyến, qua sàn TMĐT, qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… được tích hợp các tính năng tiếp thị, đặt hàng, giao hàng, thanh toán như một sàn TMĐT.

Tình trạng đó khiến người tiêu dùng e ngại khi mua sắm trực tuyến. Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng cho ta thấy bức tranh tương đối toàn cảnh này:

thương mại điện tử

 

thương mại điện tử

Nhằm khuyến khích hoạt động thương mại trên các sàn, website thương mại điện tử phát triển một cách lành mạnh, bền vững, vì người tiêu dùng, Bộ Công Thương tăng cường phối hợp với các Bộ ngành trong việc chia sẻ dữ liệu TMĐT, như xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu TMĐT với Bộ Tài chính;  Phối hợp với Bộ Tài chính có phương án kết nối chia sẻ dữ liệu giao dịch xuất nhập khẩu thông qua TMĐT với Bộ Công Thương để kịp thời nắm bắt thông tin về TMĐT xuyên biên giới, đồng thời có phương án kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong quản lý hoạt động TMĐT nói chung sau khi Nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT được ban hành.

Đồng thời, tiếp tục triển khai Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT, tăng cường quản lý rà soát các hoạt động TMĐT của sàn giao dịch TMĐT xuyên biên giới, sàn giao dịch TMĐT có vốn nước ngoài.

Trong thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐ, tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, thực thi pháp luật TMĐT, đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội rói riêng và hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý thuế trong TMĐT.

Song song đó, tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp hành pháp luật về TMĐT theo Kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và các chuyên đề đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ.

Kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP Việt Nam) đã hợp tác thực hiện Sáng kiến Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Hai bên đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Bộ quy tắc hướng dẫn thực hành Kinh doanh có trách nhiệm trong Thương mại điện tử tại Việt Nam, lần thứ nhất vào ngày 14/12/2022 tại Hà Nội, lần thứ hai ngày 10/1/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã ghi nhận ý kiến góp ý của các sàn TMĐT và các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán hàng hóa, dịch vụ thông qua các TMĐT hoặc các website, ứng dụng TMĐT đối với Dự thảo Bộ Quy tắc hướng dẫn Thực hành kinh doanh có Trách nhiệm trong Thương mại điện tử tại Việt Nam (Bộ quy tắc).

Bộ quy tắc có 3 điểm được cơ quan quản lý và doanh nghiệp chia sẻ, gồm:

- Theo sát và thúc đẩy các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người của Liên Hợp Quốc (UNGPs) - cốt lõi của -inh doanh có trách nhiệm.

- Không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn phải hạn chế, phòng ngừa các tác động tiêu cực khác từ hoạt động kinh doanh (dù chưa đến mức vi phạm pháp luật) lên con người, môi trường và xã hội, và xa hơn nữa là tạo ra những tác động tích cực cho xã hội.

- Sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong suốt tiến trình xây dựng, ban hành và thúc đẩy việc áp dụng Bộ quy tắc là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của Bộ Quy tắc.

Sự tham gia và đóng góp ý kiến của tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sàn TMĐT, đến các đơn vị kinh doanh hàng hóa-dịch vụ, các bên cung cấp dịch vụ phụ trợ như logistics, quảng cáo, trang mạng hay ứng dụng thương mại điện tử, người lao động và người tiêu dùng sẽ góp phần tích cực giúp ban soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc, để khi được ban hành sẽ là bộ công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp trong việc xây dựng, nâng cao uy tín, danh tiếng và thương hiệu của mình đối với người tiêu dùng.