An Phú là một huyện của tỉnh An Giang, nằm ở đầu nguồn sông Hậu, có đường biên giới dài 42,5 km tiếp giáp Campuchia, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, có vị trí chiến lược về quốc phòng và an ninh.

Tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt

Trung tâm hành chính huyện An Phú

Kết qua năm 2022, tất cả 21/21 chỉ tiêu KT-XH của huyện đều đạt và vượt so cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng sản lượng lương thực 226.927 tấn, đạt 104,29% kế hoạch; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 183,5 triệu đồng/ha/năm.

Tổng sản lượng thủy sản 22.000 tấn (đạt 100% kế hoạch), công tác tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản được duy trì thường xuyên. Tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 293.796 con, tăng 8.396 con so với cùng kỳ năm 2021, công tác tiêm phòng, kiểm tra giám sát dịch bệnh cho đàn vật nuôi và công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại được thực hiện thường xuyên nên các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt.

Tăng cường thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với doanh nghiệp, UBND huyện An Phú ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát và Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan, hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 350ha và cam kết thu mua 5.000 tấn/năm; liên kết sản xuất tiêu thụ lúa với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hơn 1.800ha; liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng Phú Hưng với diện tích 100ha; liên kết sản xuất bắp giống, sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn SRP tại các xã: Nhơn Hội, Quốc Thái, Vĩnh Hội Đông với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)…

Du lịch Búng Bình Thiên, huyện An Phú

Trên địa bàn huyện đã có 3 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); hiện bình quân mỗi xã đạt 9/19 tiêu chí và 39/57 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025. Đến nay, xã Phước Hưng đạt 19/19 tiêu chí và 57/57 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025, được tỉnh công nhận xã NTM năm 2022. Ngoài ra, toàn huyện có 3 ấp (ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội; ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội và ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu) được công nhận đạt chuẩn “Ấp NTM”.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh 2010) 657 tỷ đồng, đạt 103,96% so kế hoạch 2022, tăng 8,96% so cùng kỳ 2021; tổng mức bán lẻ, dịch vụ 5.800 tỷ đồng, đạt 105,45% so kế hoạch, tăng 12,62% so cùng kỳ 2021; giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu đạt 1,26 tỷ USD, tăng 14,55% so cùng kỳ 2021.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Góp phần đáng kể đưa diện mạo huyện An Phú ngày càng khởi sắc là nhờ chủ trương chú trọng đầu tư phát kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại nhằm xây dựng và phát triển huyện An Phú đúng với tiềm năng và lợi thế là một huyện biên giới, là cửa ngõ xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh nói riêng và của khu vực ĐBSCL nói chung.

Nhờ đó, hạ tầng, cầu, đường được đầu tư hoàn thiện, nhiều công trình xây mới khang trang với điểm nhấn là công viên trước khu hành chính huyện, nhiều trụ sở cơ quan được xây dựng mới; thị trấn An Phú nhộn nhịp hơn, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn sôi động hơn.

Trung tâm Thương mại Long Bình, huyện An Phú

Trong năm 2022, toàn huyện có 38 công trình đầu tư xây dựng theo kế hoạch vốn 188.459 triệu đồng. Huyện đã thực hiện hoàn thành 16 công trình, đang thực hiện 15 công trình và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công 01 công trình. Đến cuối năm đã thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn; hỗ trợ thực hiện Dự án xây dựng Nhà ở Đại đoàn kế tại thị trấn An Phú tổng số 50 căn, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Huyện đã đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Phú, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, chế biến nhưng phải đảm bảo các điều kiện về môi trường, cơ cấu sử dụng đất, phát triển cụm công nghiệp góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của huyện.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cầu An Phú - Vĩnh Lộc, đây là công trình trọng điểm thúc đẩy kinh tế phát triển; đầu tư nâng cấp cầu Vĩnh Trường; nâng cấp các tuyến đường kết nối 2 tuyến giao thông huyết mạch của huyện là Quốc lộ 91C và Tỉnh lộ 957; tận dụng và phát huy công năng các tuyến đường tuần tra biên giới đang được đầu tư trên địa bàn, để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tuyến dân cư Đồng Bào dân tộc Chăm, xã Đa Phước, huyện An Phú 

Song song với đó, An Phú tập trung phát triển hạ tầng đô thị, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục thành lập thị trấn Đa Phước và phát triển thị trấn An Phú đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2023. Thực hiện đầu tư phát triển các khu dân cư đô thị mới, như: Khu đô thị mới thị trấn An Phú, Khu đô thị Cồn Tiên (mở rộng), Khu dân cư đô thị Tây sông Hậu… và quy hoạch khu đô thị, vui chơi, giải trí Bắc Quốc lộ 91C.

Đến thời điểm này, huyện An Phú đã cơ bản hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết của cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Năm 2023 là năm “bản lề” của nhiệm kỳ 2020-2025. Dựa trên những thành quả đã đạt được, An Phú tiếp tục thu hút các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.