Yên Châu là một huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La, nằm trên trục quốc lộ 6; có tổng diện tích tự nhiên là 85.937 ha, trong đó: diện tích đất lâm nghiệp là 43.945 ha, diện tích cây ăn quả là 2.657 ha; diện tích cây lương thực trên đất dốc 17.934 ha; dân số có 75.668 người, gồm 5 dân tộc: Thái, Kinh, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú và một số ít đồng bào dân tộc khác cùng sinh sống. Huyện có 14 xã và 1 thị trấn với 184 bản, 6 tiểu khu, có 4 xã vùng cao biên giới. Trung tâm huyện cách thành phố Sơn La 62 km theo hướng Đông Nam, cách Hà Nội 240 km theo hướng Tây Bắc.

Xác định nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng các loại sản phẩm có giá trị kinh tế, năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tập trung đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; đẩy mạnh triển khai các mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi giống mới có năng suất và chất lượng cao, kết hợp với đẩy mạnh áp dụng các tiến bộkhoa học - kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất. Các mô hình thực hiện đạt mục tiêu đề ra và được nhân dân ứng dụng, mở rộng sản xuất mang lại hiệu quả.

Về phát triển cây ăn quả, huyện Yên Châu có trên 24 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, do địa hình chia cắt nên chủ yếu là đất dốc và đã bị bạc mầu. Với phương châm trước hết là cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả sang vườn cây ăn quả có thu nhập cao, đồng thời nhân rộng diện tích cây ăn quả có lợi thế của huyện như: Xoài, chuối, nhãn, mận. Huyện đã tổ chức cho cán bộ, nhân dân đi thăm quan học hỏi những mô hình ở các địa phương khác để vận dụng tại địa phương mình. Từ mô hình nhãn ghép với quy mô 2 ha bằng nguồn vốn của Trung tâm khuyến nông tỉnh và ngân sách của huyện cấp năm 2011, một số hộ tại xã Tú Nang đã mạnh dạn đốn tỉa và ghép giống nhãn chín muộn giống gốc từ Hưng Yên; mô hình ghép xoài Đài Loan. Sau một năm cho sản phẩm, với năng suất cao, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, giá bán cao.

Về lĩnh vực trồng trọt có nhiều khởi sắc: Mô hình thâm canh ngô lai được triển khai diện rộng, huyện đã phối hợp với Công ty ngô giống xây dựng các mô hình trình diễn ngô lai giống mới tại 14 xã. Đến nay, các mô hình được bà con đưa vào sản xuất đại trà, 100% sử dụng giống mới; các hộ nông dân áp dụng biện pháp thâm canh, đầu tư phân bón, đưa năng suất ngô từ 35 tạ/ha lên 55 tạ/ha, có hộ đạt 10 tạ/ha. Mô hình thâm canh lúa nước, mô hình trình diễn các giống lúa: Hoa khôi 4 được thâm canh theo phương pháp SRI kết hợp với nuôi cá, PAC 807- Giống lúa nếp ĐT52, TBR225,… Các hộ gia đình đã đưa giống mới vào sản xuất, chủ động giống để gieo cấy. Mô hình trồng tỏi trên ruộng 1 vụ, 2 vụ được thử nghiệm đầu tiên với 1 ha tại Chiềng Đông. Qua thực tiễn cho thấy, mô hình rất phù hợp với điều kiện đầu tư, trình độ sản xuất của bà con nông dân, tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Mô hình được mở rộng ở nhiều xã với diện tích hơn 100 ha, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Về lĩnh vực chăn nuôi: các mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản, chăn nuôi dê, gà thả vườn, lợn nái sinh sản, thụ tinh nhân tạo cho bò, ủ phân vi sinh, sử dụng chế phẩm Balasa làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà và chăn nuôi lợn được phổ biến rộng rãi trong nông thôn. Chương trình thuỷ sản: thực hiện triển khai và phát triển các mô hình chăn nuôi cá (ươm cá giống, nuôi cá ruộng, cá ao) như: nuôi cá rô phi đơn tính, tôm càng xanh, mô hình nuôi cá chép lai 3 máu,... Chương trình khí sinh học: năm 2006 có 40 công trình, đến năm 2014, toàn huyện đã xây dựng được trên 500 công trình, mô hình đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nhiều hộ nông dân xây dựng mô hình sử dụng bã thải tưới cho rau, chạy máy phát điện, trạm khuyến nông huyện có 4 kĩ thuật viên chuyên trách về chương trình khí sinh học chuyên tư vấn cho bà con thực hiện.

Về mô hình khuyến công, khuyến lâm: Yên Châu đã xây dựng được các mô hình: Máy sấy nông sản, tưới ẩm tiết kiệm nước cho chè, máy làm đất đa năng, máy nâng xếp mía, trồng thâm canh cây gỗ lớn (giổi xanh),... Các mô hình khuyến công, khuyến lâm đã đáp ứng được các thông số kỹ thuật và phát huy tác dụng, được các hộ nông dân học tập và nhân rộng.

Ngoài ra, huyện còn tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật đến tận người dân, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp dưới nhiều hình thức xây dựng các mô hình trình diễn, các mô hình sản xuất tiên tiến để qua đó hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Phối hợp với các chương trình, các dự án triển khai đúng mục tiêu, có hiệu quả,... tăng cường kỹ năng tiếp cận thị trường cho nông dân. Bên cạnh đó, công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, công tác thâm canh, tăng vụ và đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất được đẩy mạnh thực hiện.

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao tổng sản lượng lương thực trên địa bàn huyện. Năm 2014, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 87.270 tấn, tăng 34.360 tấn so với năm 2010, góp phần đưa giá trị của sản xuất nông nghiệp tăng dần qua các năm (năm 2014 đạt 9082 tỷ đồng, chiếm 38,4% cơ cấu kinh tế của huyện, tăng 48,1% so với năm 2010). Đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 2011-2015 qua các năm (giảm từ 42,6% năm 2010 xuống còn 28,34% năm 2014).

Về xây dựng nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhân dân đã nhận thức rõ việc xây dựng nông thôn mới là xây dựng quê hương và người nông dân trực tiếp được hưởng lợi từ kết quả của chương trình và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia thực hiện. Người dân Yên Châu đã đóng góp được gần 150 nghìn ngày công để xây dựng trên 20 km đường giao thông nông thôn (bê tông hóa); mở mới được 30 km đường cấp phối các loại. Đồng thời, từ nguồn ngân sách của Chính phủ thông qua các chương trình, dự án, Yên Châu đã có 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm xã, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân, trong nhiệm kỳ XX (2015-2020), Đảng bộ huyện Yên Châu đã xác định nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là: Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, chuyển từ hộ sản xuất cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp qua hợp tác xã, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao. Trồng rừng kinh tế, rừng sản xuất theo kế hoạch. Phát triển rừng sinh thái gắn với phát triển du lịch, tập trung theo hướng liền vùng, liền khoảnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế rừng, công nghiệp sơ chế. Phát triển các mô hình rau sạch, an toàn, các sản phẩm hàng hóa có lợi thế ở địa phương. Tiếp tục triển khai các đề án xây dựng nông thôn mới, huy động các nguồn lực trong nhân dân, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, một số lĩnh vực, dự án huyện đang quan tâm ưu tiên thu hút đầu tư đó là: Dự án đầu tư vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP; dự án phát triển vùng xoài Yên Châu; dự án phát triển vùng chuối Yên Châu; dự án phát triển vùng cây chè Yên Châu; dự án phát triển vùng cây dược liệu; dự án chế biến sản phẩm sau thu hoạch; dự án phát triển vùng du lịch Hang Chi Đảy, du lịch Hồ Chiềng Khoi, khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào; dự án phát triển các làng nghề thổ cẩm,...

Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, trong giai đoạn 2015-2020 tin tưởng rằng với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của huyện, Yên Châu sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, phấn đấu trở thành huyện phát triển khá trong tỉnh Sơn La.