ICO: Thị trường cà phê toàn cầu sẽ dư cung trong niên vụ 2020/2021

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO trong tháng 3/2021 tiếp tục tăng tháng thứ 5 liên tiếp do những bất ổn về nguồn cung trong khi đó nhu cầu sử dụng cà phê tăng lên. Tuy nhiên, thị trường sẽ rơi vào trạng thái dư cung trong niên vụ 2020/2021.
Chỉ số giá cà phê ICO
 Diễn biến chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2021 (Ảnh: ICO)

Dữ liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO trong tháng 3/2021 tiếp tục tăng nhẹ lên mức trung bình 120,36 US cents/pound (0,454 kg), tăng 0,8% so với hồi tháng 2 trước đó, chạm mức cao nhất kể từ niên vụ 2017/2018. Qua đó, xác lập tháng tăng giá thứ 5 liên tiếp của chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO.

Trong tháng 3 vừa qua, nguồn cung cà phê toàn cầu đối mặt nhiều bất ổn khi một số khu vực cung ứng cà phê vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phong toả hoặc phải tái phong toả trở lại; đồng thời, một số khu vực gieo trồng cà phê cũng gặp tình hình thời tiết xấu. Điều này đã khiến giá tất cả các loại cà phê chính trên thế giới đều tăng lên.

Giá cà phê Robusta
Diễn biến chỉ số giá các loại cà phê chính trên thế giới từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2021 (Ảnh: ICO)

Trong đó, chỉ số giá cà phê Brazil đã có mức tăng mạnh nhất trong số các loại cà phê được ICO theo dõi với mức tăng 1,7% lên 122,16 US cents/pound, chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 1/2018 đến nay.

Chỉ số giá cà phê Robusta đã tăng 0,7% lên mức 73,86 US cents/pound – mức cao nhất kể từ tháng 7/2019. Chỉ số giá cà phê Colombian Milds tăng 0,3% lên 177,49 US cents/pound và chỉ số giá của các loại cà phê Arabica khác (Ohter Milds) tăng 0,4% lên 167,05 US cents/pound.

ICO dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 sẽ tăng 1,9% lên 171,89 triệu bao (1 bao = 60 kg). Trong đó, sản lượng cà phê Arabica được dự báo sẽ tăng 5,2% lên mức 101,88 triệu bao. Ngược lại, sản lượng cà phê Robusta được dự báo sẽ giảm 2,6% xuống còn 70,02 triệu bao.

Xét theo từng khu vực, sản lượng cà phê khu vực Châu Á và Châu Đại Dương trong niên vụ 2020/2021 được ICO dự báo sẽ giảm nhẹ 0,4% so với niên vụ trước, xuống còn 49,3 triệu bao. Tương tự, sản lượng cà phê tại khu vực Châu Phi được dự báo sẽ giảm 0,8% xuống mức 18,5 triệu bao.

Trong khi đó, sản lượng cà phê khu vực Nam Mỹ được dự báo sẽ đạt 84,53 triệu bao, tăng 4,4% so với niên vụ 2019/2020. Sản lượng cà phê tại khu vực Mexico và Trung Mỹ trong niên vụ 2020/2021 được dự báo sẽ ở mức ngang bằng niên vụ trước.

Tiêu thụ cà phê
 Mức tiêu thụ cà phê tại các khu vực trên thế giới qua các năm (Ảnh: ICO)

Mức tiêu thụ cà phê trên toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 được dự báo sẽ tăng 1,3% so với niên vụ trước lên 166,6 triệu bao. Sự gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng cà phê tại nhà đã phần nào bù đắp sự sụt giảm nhu cầu sử dụng cà phê tại các nhà hàng khách sạn trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới vẫn đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất ổn liên quan đến đại dịch Covid-19.

Trong đó, lượng cà phê được tiêu thụ tại khu vực Châu Á và Châu Đại Dương được dự báo sẽ tăng 1,4% lên 36,5 triệu bao. Tuy nhiên, ICO dự báo thị trường sẽ rơi vào tình trạng dư cung khoảng 5,3 triệu bao cà phê trong niên vụ 2020/2021 khi tổng sản lượng cao hơn tới 3,1% so với nhu cầu sử dụng.

Xuất khẩu cà phê xanh
 Lượng cà phê xanh xuất khẩu của các dòng cà phê chính trong 5 tháng đầu niên vụ 2020/2021 (Ảnh: ICO)

Dữ liệu của ICO cho thấy tổng lượng cà phê được xuất khẩu trên toàn cầu trong tháng 2/2021 đạt 10,47 triệu bao, giảm so với mức 11,16 triệu bao cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung cả 5 tháng đầu niên vụ 2020/2021 (tháng 5/2020 – tháng 2/2021) thì lượng cà phê xuất khẩu trên toàn cầu đạt 52,81 triệu bao, tăng 2,5% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Trong 5 tháng đầu niên vụ 2020/2021, lượng xuất khẩu của cà phê xanh Brazil (cà phê hạt chưa rang xay) đã tăng mạnh 18,2%. Trong khi đó, lượng xuất khẩu cà cà phê xanh Robusta giảm 5,6%.

ICO cho biết lượng cà phê xuất khẩu của khu vực Châu Á và Châu Đại Dương trong 5 tháng đầu niên vụ 2020/2021 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 15,4 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm mạnh 16,4% xuống còn 9,8 triệu bao; xuất khẩu cà phê của Indonesia tăng 20,5% lên 3,1 triệu bao và xuất khẩu cà phê của Ấn Độ giảm 4,6% xuống còn 1,9 triệu bao.

Quang Đặng (Theo ICO)