IEA bất ngờ nhận định thế giới sẽ không thiếu dầu ngay cả khi cắt nguồn cung từ Nga

Trong ngày 11/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) bất ngờ cho biết thế giới sẽ không rơi vào tình trạng thiếu dầu ngay cả khi nguồn cung dầu từ Nga ra thị trường bị suy giảm mạnh vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
khai thác dầu thô
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) bất ngờ cho biết thế giới sẽ không rơi vào tình trạng thiếu dầu ngay cả khi nguồn cung dầu từ Nga ra thị trường bị suy giảm mạnh vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây (Ảnh: Reuters)

Điều này trái ngược hoàn toàn với dự báo của cơ quan này hồi tháng 3/2022 về việc thế giới sẽ đối mặt với một cú sốc nguồn cung nếu thiếu dầu từ Nga với lượng thiếu hụt từ 1 – 3 triệu thùng dầu/ngày.

Theo IEA, việc Trung Quốc kéo dài phong toả nhiều thành phố và trung tâm sản xuất lớn đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông trong liên minh OPEC+ sẽ tăng dần theo thời gian. Mặt khác, Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên IEA khác vào ngày 12/4 đã quyết định xả bán 240 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia ra thị trường trong vài tháng tới nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường. Những yếu tố này sẽ giúp giảm thiểu tác động từ việc thiếu hụt nguồn cung dầu thô từ Nga.

IEA cho biết “Giá nhiên liệu tăng vọt và tăng trưởng kinh tế suy yếu sẽ khiến đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm đáng kể từ giờ cho đến cuối năm nay và năm 2023”.

Hiện tại Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang thảo luận về khả năng cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga. Nếu biện pháp trừng phạt này được thông qua thì EU sẽ phải tăng cường tìm kiếm nguồn cung dầu thô khác ngoài Nga. EU hiện là khách hàng nhập khẩu dầu thô lớn nhất, chiếm 43% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Nga.

Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) ông Mohammad Barkindo nhấn mạnh việc tìm kiếm nguồn cung dầu nhằm thay thế nguồn cung từ Nga là điều gần như không thể khi sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga lên tới hơn 7 triệu thùng/ngày, và cảnh báo liên minh OPEC+ đã cạn kiệt phần công suất dự phòng để gia tăng mạnh sản lượng khai thác thêm.

Liên minh OPEC+, bao gồm OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Giới quan sát nhận định, trong số các quốc gia thành viên OPEC, hiện chỉ còn Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) còn đủ khả năng tăng thêm sản lượng khai thác. Một số quốc gia thành viên khác đang gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng khai thác. Ví dụ, Libya đang đối mặt với các bất ổn chính trị và Nigeria đang gặp các khó khăn về kỹ thuật trong hoạt động khai thác.

Duy Quang