IEA nâng đáng kể dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô năm 2020

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng đáng kể dự báo triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2020. Tuy nhiên, IEA cảnh báo diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 vẫn có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng sử dụng dầu thô.
Giàn khoan dầu thô
 Giàn khoan dầu thô hoạt động trên Biển Bắc, Châu Âu (Ảnh: romaniajournal.ro)

Trong ngày 10/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2020 lên mức 92,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra hồi tháng 6/2020. Nguyên nhân chủ yếu do mức sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô thực tế trong quý 2/2020 thấp hơn so với dự báo của IEA.

Theo IEA, việc nhiều quốc gia dỡ bỏ và nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã giúp nhu cầu sử dụng nhiên liệu bật tăng mạnh trong tháng 5, 6 và có thể trong cả tháng 7/2020.

Tuy nhiên, IEA cũng nhấn mạnh mặc dù thị trường dầu mỏ đã đạt được những bước tiến lớn nhưng việc số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng nhanh tại một số quốc gia cho thấy đại dịch vẫn chưa được kiểm soát và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của nhu cầu sử dụng dầu thô.

IEA cũng cho biết hoạt động lọc dầu trên toàn cầu trong năm 2020 có thể sẽ sụt giảm mạnh hơn mức được dự báo trong tháng trước và mức độ phục hồi của hoạt động lọc dầu cũng sẽ ở mức thấp trong năm 2021.

Đối với các nhà máy lọc hoá dầu, mặc dù nhu cầu sử dụng nhiên liệu được dự báo sẽ tăng lên nhưng việc thị trường phân bón thu hẹp sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động lọc hoá dầu. Biên lợi nhuận của các nhà máy lọc hoá dầu còn đối mặt với việc nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế xuất từ dầu thô ở mức yếu trong Quý 2/2020 khiến lượng tồn trữ các sản phẩm chính tăng cao.

Về phía nguồn cung, IEA cho biết liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh bao gồm Nga, trên thực tế, đã cắt giảm sản lượng khai thác lên đến 108% thoả thuận cắt giảm sản lượng. Liên minh OPEC+ đã thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra; việc cắt giảm sản lượng được bắt đầu từ tháng 5, 6 và 7/2020 nhằm giúp nâng đỡ giá dầu thô.

Một số quốc gia khai thác dầu thô khác như Hoa Kỳ cũng đã giảm sản lượng khai thác dưới các tác động của thị trường. IEA dự báo sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ sẽ phục hồi chậm trong nử cuối năm 2020. Tuy nhiên, việc Libya tái khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu thô sau nửa nằm bị đình trệ vì các xung đột quân sự có thể khiến nguồn cung dầu thô trên thị trường tăng thêm 900.000 thùng/ngày vào cuối năm nay.

Quang Đặng (Theo Reuters)