kiểm tra Covid-19
Đợt bùng phát lây nhiễm mới do biến chủng Covid-19 Omicron đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 (Ảnh: Reuters)

Theo đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 xuống mức 4,4%, giảm 0,5% so với báo cáo hồi tháng 10/2021. Mặc dù các chuyên gia dự báo số ca mắc mới do biến chúng Omicron có thể giảm dần từ quý 2/2022 nhưng IMF vẫn đánh giá làn sóng bùng phát dịch lần này có tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế trên toàn cầu.

IMF cảnh báo nền kinh tế thế giới đang bước sang năm 2022 với tốc độ tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng và sự xuất hiện của biến chủng Omicron vào cuối tháng 11/2021 lại càng tạo áp lực hơn lên đà phục hồi yếu hiện nay. Đồng thời, việc giá các mặt hàng năng lượng tăng cao và tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn vẫn chưa được khắc phục đang khiến lạm phát tăng trên phạm vi rộng, kéo dài hơn so với các nhận định trước đây, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 1/2022, IMF hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trừ Ấn Độ. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nước có điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng mạnh nhất và đây cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.

Đối với Hoa Kỳ, IMF dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này trong năm 2022 chỉ đạt 4%, thấp hơn tới 1,2% so với mức dự báo hồi tháng 10/2021. Việc kế hoạch chi tiêu xã hội khổng lồ do Tổng thống Joe Biden đề xuất chưa được Quốc hội nước này đồng thuận và chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, IMF nhận định việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong toả mới đây theo chiến lược “Không ca nhiễm Covid” (Zero Covid) đã khiến mức tiêu dùng cá nhân của người dân nước này suy giảm. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Trung Quốc. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 chỉ đạt 4,8%, giảm 0,8% so với dự báo hồi tháng 10/2021.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn khác như Đức giảm 0,8%. Brazil và Mexico cùng mức giảm 1,2%. Tuy nhiên, IMF lại nâng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ lên mức 9%, tăng 0,5% so với dự báo gần nhất. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, được dự báo sẽ có mức tăng trưởng vừa phải, đạt 3,3% trong năm nay.

Trong trung hạn, IMF nhận định triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 sẽ ở mức tích cực nhưng vẫn chưa đủ bù đắp cho sự sụt giảm trong năm 2022. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu của cả năm 2022 và 2023 dự kiến thấp hơn 0,3% so với dự báo trước đó.

[Quảng cáo]