Trong báo cáo được công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tác động dài hạn của sự phân mảnh về kinh tế có thể tương đương từ 0,2 – 7% GDP toàn cầu. Mức thiệt hại 7% tương đương với tổng GDP của cả nền kinh tế Nhật Bản và Đức cộng lại.

WEF 2023 hiện đang diễn ra tại Davos (Thuỵ Sĩ) với chủ đề "Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh" trong bối cảnh thế giới đối mặt với các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất từ hàng chục năm trở lại đây. Kinh tế thế giới phân mảnh thành từng khối riêng biệt, hạn chế giao thương với nhau, xu hướng hợp tác đa phương, toàn cầu đang dần phải nhường chỗ cho những mô hình hợp tác kinh tế mới và xuất hiện sự xói mòn lòng tin giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. WEF 2023 thiếu vắng khá nhiều nguyên thủ của các cường quốc kinh tế lớn trên thế giới. Trong số nhóm nước công nghiệp phát triển G7, chỉ có Thủ tướng Đức tham dự.

IMF cũng cảnh báo rằng nếu tính thêm cả sự phân mảnh về công nghệ giữa các khu vực và một số quốc gia thì GDP toàn cầu có thể giảm tới 12%. Dù vậy, báo cáo của IMF không đề cập đến việc tình trạng phân mảnh kéo dài bao lâu thì mới tác động đến tăng trưởng toàn cầu ở mức độ như này.

Diễn đàn kinh tế thế giới 2023
WEF 2023 thiếu vắng khá nhiều nguyên thủ của các cường quốc kinh tế lớn trên thế giới. (Ảnh: CNBC)

IMF nêu ra nhiều nhân tố góp phần gia tăng sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới, bao gồm cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và đại dịch COVID-19. Cả hai sự kiện này đều gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, căng thẳng về tài chính trên quy mô toàn cầu. Các chính sách hạn chế thương mại của một số quốc gia trong năm ngoái và căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc càng khiến các khu vực xa cách nhau.     

"Rủi ro là sự can thiệp về chính sách, với danh nghĩa an ninh quốc gia hoặc kinh tế, có thể gây ra các hậu quả không mong muốn. Hoặc chúng cũng có thể được dùng để cố tình giành lợi thế kinh tế trước các quốc gia khác", báo cáo IMF nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu tại WEF 2023, Chủ tịch Ủy ban chây Âu (EC) Ursula von der Leyen phàn nàn rằng Liên minh châu Âu (EU) đang là "nạn nhân" của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Theo bà, Trung Quốc đã công khai khuyến khích các công ty sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất của họ ở châu Âu. Trong khi đó, gói trợ cấp dành cho lĩnh vực khí hậu gần đây của Hoa Kỳ, được gọi là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), chỉ trợ cấp cho xe điện được lắp ráp ở Bắc Mỹ. EU đã kịch liệt phản đối đạo luật IRA của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, IMF cũng cho rằng các quy định nhằm hạn chế nhập cư, siết dòng chảy vốn và làm giảm hợp tác quốc tế cũng là các hình thức phân mảnh. Tổ chức này nhận định tác động của phân mảnh lên mỗi quốc gia là khác nhau. Người tiêu dùng có thu nhập thấp ở các nước tiên tiến sẽ không còn được tiếp cận hàng nhập khẩu giá rẻ nữa. Việc này sẽ khiến các nền kinh tế nhỏ, có độ mở cao chịu tổn thương.

"Phần lớn các nước châu Á sẽ chịu tác động này, do họ phụ thuộc vào thương mại. Các nước mới nổi và đang phát triển cũng sẽ không được hưởng lợi nhờ sự chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến. Đây là điều từng giúp họ kéo tăng trưởng và chất lượng cuộc sống lên cao. Thay vì bắt kịp mức thu nhập của các nền kinh tế tiên tiến, các nước đang phát triển sẽ càng tụt lại phía sau", theo IMF.