Kế toán môi trường tại một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ VÂN (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)

TÓM TẮT:

Xuất phát từ sự ảnh hưởng của những hoạt động từ các cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đến môi trường, gây ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến môi trường sống, suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên,… kế toán môi trường đã được áp dụng rất sớm tại các doanh nghiệp trên thế giới. Bài viết đề cập đến vấn đề kế toán môi trường tại một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Từ khóa: Kế toán môi trường, doanh nghiệp, ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

I. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, thế giới thường xuyên xảy ra các thảm họa tự nhiên, vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường (BVMT) đang trở nên bức thiết và mang tính toàn cầu. Các yêu cầu về môi trường ngày càng chặt chẽ và đang trở thành rào cản thương mại buộc các doanh nghiệp (DN) cần phải có cách nhìn nhận mới về vấn đề môi trường khi tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Các chính phủ luôn hướng tới phát triển bền vững, đạt sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế cùng tiến bộ xã hội và BVMT. Do đó, các DN ngoài quá trình sản xuất ra các sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu thị trường còn phải tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường và đảm bảo quá trình xử lý các đầu ra khác, trong đó bao gồm các chất thải theo đúng quy định. Vì vậy, các DN cần có sự tiếp cận mới về kế toán môi trường (KTMT), nhằm giúp DN xác định rõ chi phí môi trường (CPMT) trong quản lý và sản xuất, đánh giá được đầy đủ các CPMT, cân đối thu chi nội bộ và phân bổ vào từng sản phẩm.

II. Kết quả và thảo luận

1. Kế toán môi trường tại một số quốc gia trên thế giới

Kế toán môi trường tập trung vào chi phí môi trường phục vụ cho việc ra quyết định của các nhà quản trị. Sau đây là kinh nghiệm KTMT tại một số quốc gia trên thế giới:

1.1. Kế toán môi trường ở Mỹ:

Kế toán môi trường tại Mỹ xuất hiện năm 1972, sau Hội nghị thượng đỉnh về môi trường tại Stockkom - Thụy Điển vào năm 1972, nhưng chú trọng vào việc hạch toán ở cấp độ quốc gia. Kế toán môi trường ở cấp DN bắt đầu nghiên cứu từ năm 1990, đến năm 1992 Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) Hoa kỳ (EPA- Environmental Protection Agency) tiến hành dự án về kế toán môi trường với nhiệm vụ khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ các khía cạnh về chi phí môi trường, mối quan hệ giữa chi phí và các yếu tố môi trường đến quyết định kinh doanh.

Trên cơ sở của hệ thống pháp luật đồng bộ về kế toán môi trường và áp lực của công chúng về phong trào bảo vệ môi trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề môi trường trong quá trình hoạt động. Doanh nghiệp phải quan tâm đến chi phí môi trường mà DN bỏ ra.

Việc áp dụng KTMT tại Mỹ chủ yếu tập trung vào vấn đề chi phí môi trường phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản trị, tập trung vào cung cấp thông tin về môi trường theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ. Thông tin về môi trường của các công ty được trình bày trong Báo cáo Sáng kiến toán cầu (GRI).

1.2. Kế toán môi trường ở Nhật Bản:

Kế toán môi trường ở Nhật Bản được Bộ Môi trường Nhật Bản tiến hành nghiên cứu đầu tiên vào năm 1997. Năm 1998, Viện Kế toán công chứng Nhật Bản nghiên cứu tình hình sử dụng thông tin chi phí môi trường để quản trị các vấn đề môi trường. Năm 1999 là năm đầu tiên áp dụng kế toán môi trường tại Nhật Bản, Ủy ban về kế toán môi trường được thành lập. Năm 2000, Bộ Môi trường Nhật Bản phát hành hướng dẫn kế toán môi trường nhằm khuyến khích các công ty tự nguyện cung cấp thông tin về môi trường ra bên ngoài thông qua báo cáo môi trường của doanh nghiệp. Tháng 6/2002, Ủy ban về kế toán môi trường của Bộ Công Thương Nhật Bản đã công bố văn bản hướng dẫn về kế toán quản trị môi trường.

Kế toán môi trường tại Nhật Bản ra đời từ những khan hiếm nguồn năng lượng, căng thẳng về môi trường ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Nhật Bản. Kế toán môi trường Nhật Bản được xây dựng dựa trên sự quan tâm đến môi trường của Chính phủ, các bộ ban ngành và nhằm cung cấp thông tin về môi trường cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp.

Kế toán môi trường tại Nhật Bản tập trung vào hạch toán dòng vật liệu, kế toán chi phí và thu nhập về môi trường, phân tích chu trình sống sản phẩm, xác định lượng nguyên liệu, năng lượng sử dụng hàng năm, xác định khí thải, chất thải rắn, kế toán chi phí và thu nhập về môi trường. Từ việc phân tích chu trình sống của sản phẩm mà các doanh nghiệp Nhật Bản luôn tìm cách cải tiến sản phẩm, đưa sản phẩm trở nên thân thiện với môi trường.

Qua đây, chúng ta thấy tuy Nhật Bản là nước đi sau trong vấn đề áp dụng kế toán môi trường, nhưng đã vận dụng triệt để, hiệu quả các kinh nghiệm của các nước trên thế giới và đã tạo nên những thành công của các doanh nghiệp và quốc gia trong việc áp dụng KTMT.

2. Thực trạng vấn đề môi trường và kế toán môi trường tại Việt Nam

Một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn.

Trong những năm qua, ô nhiễm chất thải rắn (CTR) tiếp tục là một trong những vấn đề môi trường trọng điểm. Trên phạm vi toàn quốc, CTR phát sinh ngày càng tăng với tốc độ gia tăng khoảng 10% mỗi năm và còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại. Theo nguồn gốc phát sinh, khoảng 46% CTR phát sinh là CTR sinh hoạt đô thị, 17% CTR từ hoạt động sản xuất công nghiệp; còn lại là CTR nông thôn, làng nghề và y tế. Đối với khu vực đô thị, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trong giai đoạn 2011 - 2015 tiếp tục gia tăng và có xu hướng tăng nhanh hơn so với giai đoạn 2006 - 2010. Ước tính lượng phát sinh CTR sinh hoạt khoảng 63 nghìn tấn/ngày. Đối với khu vực nông thôn, ước tính mỗi năm tại khu vực này phát sinh khoảng 7 triệu tấn CTR sinh hoạt, hơn 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Mặt khác, sự phát triển của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề tái chế kim loại, đúc đồng cũng tạo sức ép lớn đối với môi trường khi thải ra lượng CTR lớn. Đối với khu vực sản xuất công nghiệp, lượng CTR phát sinh xấp xỉ 4,7 triệu tấn chất thải mỗi năm.

Những năm vừa qua, Việt Nam đã chú trọng đến vấn đề BVMT trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam hiện đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005; Luật Thuế Bảo vệ môi trường (Luật số 57/2010/QH12); Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 của Chính phủ quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành một số thông tư liên quan đến thuế môi trường, như: Thông tư số 152/2011/TT-BTC (hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP của Chính phủ); Thông tư số 159/2012/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC)…

Mặc dù, Việt Nam đã quan tâm chú trọng đến vấn đề BVMT, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với BVMT bằng việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay những văn bản pháp quy về KTMT chưa được quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện công tác KTMT, khái niệm KTMT vẫn còn khá xa lạ. Bộ Tài chính hiện tại chưa ban hành được hệ thống văn bản quy định hướng dẫn về KTMT cho doanh nghiệp. Chỉ một số ít các DN là công ty liên doanh và công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Ford Việt Nam, Panasonic AVC Việt Nam, Unilever Việt Nam, Pepsico Việt Nam…) mới tổ chức KTMT. Vì theo quy định của các quốc gia này phải tổ chức KTMT, phải báo cáo những thông tin về môi trường cho các đối tượng sử dụng. Từ thực trạng trên, có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến KTMTvẫn chưa được chú trọng ở Việt Nam:

Một là, hệ thống văn bản pháp quy chưa hoàn thiện. Việt Nam hiện chưa quy định trong những chuẩn mực kế toán hiện hành về tài sản môi trường, nợ phải trả về chi phí môi trường vô hình, chi phí môi trường bên ngoài, thu nhập môi trường...; Chưa quy định trong chế độ kế toán hiện hành về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính để phản ảnh những thông tin về môi trường; Chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể vế cách hạch toán những thông tin về môi trường phát sinh trong doanh nghiệp...

Hai là, các chính sách xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp, những tổ chức gây ảnh hưởng nguy hại đến môi trường chưa thực sự thích đáng, chưa tính toán tác động xấu của doanh nghiệp đến môi trường trong dài hạn, dẫn đến mức xử phạt chưa hợp lý gây tình trạng tái phát lại hành vi gây hại đến môi trường của DN. Nhà nước chưa có những biện pháp hỗ trợ những doanh nghiệp thực hiện tốt vấn đề bảo vệ môi trường và thực hiện KTMT trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ba là, nội dung của KTMT không được phổ biến, các nhà quản trị, những người làm công tác kế toán trong doanh nghiệp, phần lớn đều chưa biết về KTMT. Khái niệm về KTMT còn quá xa lạ với những người làm công tác kế toán và các nhà quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chỉ chú trọng đến kế toán tài chính, kế toán quản trị của công ty mà chưa quan tâm đến KTMT.

Bốn là, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà đầu tư chỉ chú trọng đến lợi ích cá nhân, lợi nhuận đem lại từ hoạt động của doanh nghiệp. Họ quan điểm rằng việc thực hiện công tác KTMT làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Từ sự nhận thức đó dẫn đến các nhà quản trị chưa thực sự quan tâm đến KTMT.

III. Kết luận và khuyến nghị cho kế toán môi trường ở Việt Nam

Ở Việt Nam, các chính sách về môi trường chưa thực sự được quan tâm, chưa nhận thức được vai trò quan trọng của vấn đề môi trường, dẫn đến chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề KTMT. Đặc biệt, khi hạch toán đầy đủ các chi phí môi trường thường dẫn đến kết quả làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và đội giá thành lên cao hơn so với hạch toán truyền thống. Để triển khai thực hiện tốt KTMT tại Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề sau:

+ Đối với doanh nghiệp:

- Cần nâng cao nhận thức của các nhà quản lý trong doanh nghiệp về vấn đề môi trường, từ đó mới thức đẩy các nhà quản lý đưa KTMT là một bộ phân không tách rời với kế toán tài chính.

- Cần xây dựng bộ phận quản lý và KTMT trong doanh nghiệp.

- Cần nâng cao trình độ cho người làm kế toán và quản lý đối với hoạt động môi trường.

+ Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:

- Cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các chính sách về bảo vệ môi trường rõ ràng, cụ thể hơn. Các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp gây nguy hại cho môi trường cần phải nghiêm ngặt hơn nữa. Khi xử phạt các doanh nghiệp vi phạm luật bảo vệ môi trường cần phải tính đến những tác động xấu lâu dài của doanh nghiệp đến môi trường để tránh xử phạt nhẹ gây nên sự lặp lại hành vi gây hại môi trường của doanh nghiệp. Từ đó làm cơ sở cho doanh nghiệp chú trọng hơn đến KTMT.

- Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thức được các lợi ích mà việc đáp ứng các yêu cầu về môi trường mang lại cho quốc gia và doanh nghiệp. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nhưng sản phẩm có lợi cho môi trường. Những doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường thì Nhà nước nên có chính sách trợ giá để tạo cơ sở bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

- Nhà nước cần sắp xếp các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực vào một khu công nghiệp để tiết kiệm cho việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Những doanh nghiệp có thể cùng nhau xây dựng hệ thống xử lý chất thải, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc công khai chi phí môi trường của các doanh nghiệp và đưa kế toán môi trường trở thành yếu tố công khai của doanh nghiệp.

- Bổ sung văn bản pháp lý hướng dẫn về lĩnh vực kế toán môi trường. Bộ Tài chính cần ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn về lĩnh vực kế toán môi trường trong doanh nghiệp. Cụ thể, cần bổ sung tài khoản kế toán, các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với hoạt động môi trường, các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động môi trường trong hệ thống báo cáo tài chính.

- Cần ban hành các báo cáo môi trường, quy định công khai báo cáo môi trường theo định kỳ gắn liền với báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động bảo vệ môi trường.

- Nâng cao nhận thức về môi trường cho các doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo cần mở các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho các doanh nghiệp và đội ngũ kế toán về vấn đề bảo vệ môi trường, mối quan hệ giữa môi trường và phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS. TS. Phạm Đức Hiếu, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Thái, Kế toán môi trường trong doanh nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục, 2012;

2. Trần Phước Hiền, Định hướng xây dựng kế toán quản lý môi trường ở Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ, TP. Hồ Chí Minh, 2014.

3. Hoàng Thị Bích Ngọc, Kế toán quản trị môi trường - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán.

4. ThS. Phạm Hoài Nam - Kế toán môi trường tại Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán.

5. Hoàng Thị Bích Ngọc, Kế toán môi trường - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.

ENVIRONMENTAL ACCOUNTING IN SOME COUNTRIES

IN THE WORLD AND VALUABLE LESSONS FOR VIETNAM

MA. NGUYEN THI VAN

Hanoi University of Industry

ABSTRACT:

Environmental accounting has been widely implemented in numerous enterprises in the world for years as it is considered an effective tool to mitigate the environmental impacts from manufacturing processes of enterprises as well as individuals. This study is to introduce the implementation of environmental accounting of some countries in order to draw valuable experience for Vietnam.

Key words: Environmental accounting, enterprise, pollution, environmental protection.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây