Kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản trong nước

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để kết nối cung cầu, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lưu thông phân phối nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước.

Để hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối nói chung các mặt hàng nông sản nói riêng, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai, thực hiện những chính sách, pháp luật như xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Thương mại Việt Nam; Quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại trên phạm vi cả nước; Quy hoạch trung tâm hội chợ triển lãm trên địa bàn cả nước; Quy hoạch phát triển thương mại vùng Đông Nam Bộ; Quy hoạch phát triển Thương mại Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch thương mại vùng đồng bằng sông Hồng; Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…

Bên cạnh đó, tham mưu trình ban hành các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như:

Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”;

Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư…

Hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Thủ tướng Chính phủ (tháng 12 năm 2020).

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản” trình Chính phủ tháng 10 năm 2020.

Đối với hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với Sở Công Thương) triển khai tổ chức nhiều Hội nghị kết nối cung cầu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản;

Hỗ trợ một số địa phương tổ chức Hội chợ các sản phẩm OCOP; chủ động làm việc với hệ thống phân phối lớn (Big C, Coopmart...) về việc hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các mô hình sản suất nông sản theo chuỗi để cung cấp trong hệ thống bán lẻ của mình;

Xây dựng gói hỗ trợ 800 tỷ nhằm hỗ trợ hệ thống phân phối trong công tác bình ổn thị trường, cung ứng hàng hóa thiết yếu và hàng hóa tiêu dùng cho người dân; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho nông sản Việt Nam và tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, thiết lập điểm bán hàng Việt Nam cố định, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ nông sản, hỗ trợ gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ được tổ chức đã rất thành công, góp phần  giúp mối liên hệ giữa các nhà phân phối, kinh doanh nông sản trong và ngoài nước với các nhà sản xuất, bà con nông dân trở nên gắn kết, theo quy mô ngày càng tăng từ một vài tỉnh, mở rộng nhiều tỉnh, từ một vùng phát triển lên liên kết vùng đã tạo thuận lợi và điều kiện cho việc tiêu thụ nông, lâm, thủy hải sản sản được dễ dàng hơn.

Trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ dân sinh..., tạo tiền đề vật chất cho hoạt động lưu thông hàng hóa. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện các cơ chế chính sách này để tiếp tục đề xuất có những điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa. Cụ thể:

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, hoạt động nhằm phát triển thương mại nông thôn trong giai đoạn tới.

Xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo cơ sở, nội dung và nguồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2021-2025.

Khẩn trương hoàn thiện và tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”.

Trong hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định.

Phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nói chung và hàng nông sản tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng như các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài với nhà sản xuất và người nông dân để tiêu thụ hàng hóa qua các hệ thống phân phối trong nước cũng như xuất khẩu thông qua các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp này ở nước ngoài.

Vân Đồn