Đó là kết quả của nhiệm vụ “Nghiên cứu khả năng thay thế chất xúc tác selenium sử dụng trong phương pháp Kjeldahl để xác định hàm lượng nitrogen của cao su tự nhiên” do Viện Nghiên cứu Công nghiệp cao su Việt Nam chủ trì thực hiện.

Từ trước tới nay, để xác định hàm lượng nitrogen (một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng cao su thiên nhiên), các phòng kiểm nghiệm cao su thiên nhiên thuộc các nước trồng cao su trong đó có Việt Nam đều áp dụng tiêu chuẩn ISO 1656-1996 (xác định hàm lượng nitrogen theo phương pháp Kjeldahl). Do tiêu chuẩn ISO 1656 có sử dụng selenium, một chất độc hại có thể ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của người trực tiếp sử dụng, nên các nước đang đề xuất hủy bỏ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nếu ban hành tiêu chuẩn mới, hủy bỏ tiêu chuẩn cũ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới các nước trồng cao su do thực thi công tác hài hòa tiêu chuẩn trong khối ASEAN, đồng thời kéo theo chi phí lớn cho việc đầu tư, thay mới toàn bộ các dụng cụ, thiết bị, cơ sở vật chất cho chỉ tiêu xác định nitrogen trong cao su thiên nhiên.

Nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Cao su (Tổng công ty Cao su Việt Nam) đặt mục tiêu tìm ra một chất khác ít độc hại hơn, có thể thay thế vai trò của chất xúc tác của selenium bằng các hóa chất an toàn cho thử nghiệm viên, duy trì hiệu lực của tiêu chuẩn ISO 1656. Đây là cơ sở để Viện đề xuất thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng thay thế chất xúc tác selenium sử dụng trong phương pháp Kjeldahl để xác định hàm lượng nitrogen của cao su tự nhiên”.

Sau quá trình nghiên cứu, thực nghiệm, nhóm đã bước đầu xác định được hỗn hợp xúc tác ít độc hại hơn để sử dụng xác định hàm lượng nitrogen trong cao su tự nhiên theo phương pháp Kjeldahl.

Kjeldahl để thay thế hỗn hợp xúc tác có selenium, đó là hỗn hợp xúc tác TiO2: CuSO4: K2SO4. 3:3:100. Về mức độ ứng dụng, theo nhóm chuyên gia, các hóa chất có trong hỗn hợp xúc tác TiO2 là những hợp chất ít độc hại, rẻ tiền và sẵn có trên thị trường hóa chất phòng thí nghiệm, cách pha chế hỗn hợp xúc tác để sử dụng cũng rất dễ dàng. Hỗn hợp xúc tác TiO2 khi áp dụng cho phép thử nitrogen trong cao su tự nhiên không gặp bất kỳ khó khăn nào do chỉ thay đổi hỗn hợp xúc tác và liều lượng xúc tác sử dụng. Ngoài ra, các bước tiến hành đều theo đúng hướng dẫn của TCVN. So với giá thành của chất xúc tác selenium, việc thay thế chất xúc tác có thể tiết kiệm được 50% chi phí cho chất xúc tác. Đồng thời, các phòng kiểm nghiệm cao su định chuẩn kỹ thuật vẫn có thể tiếp tục xác định nitrogen theo phương pháp Kjeldahl mà không phải lo ngại về việc ảnh hưởng sức khỏe tới kiểm nghiệm viên. Môi trường không bị ảnh hưởng do nước thải không còn chữa hợp chất selenium.

Trong một hội thảo cấp khu vực, kết quả nghiên cứu được trình bày cho thấy có thể tìm được chất xúc tác (hỗn hợp Ti2O:CuSO4:K2SO4.3:3:100) thay thế selenium đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương, trong khi chi phí thấp hơn rất nhiều so với phương pháp Micro Dumas được một số thành viên ISO/TC45 đề xuất thay thế.

Từ kết quả nghiên cứu của Việt Nam, Ban Thư ký ASEAN đã gửi thư mời mỗi nước thành viên lựa chọn 3 phòng thí nghiệm để tiến hành kiểm tra đối chứng và đưa ra đề xuất tại Hội nghị kế tiếp; đồng thời đề nghị Việt Nam nên đăng ký là thành viên P-membership để có thể đề xuất kết quả nghiên cứu và đăng ký kết quả nghiên cứu thành tiêu chuẩn ISO.

Được biết, hiện nay phương pháp thử này đang được đề nghị ban hành TCVN trước khi chuyển sang đăng ký tiêu chuẩn ISO.