Khai giảng Chương trình Đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường làm việc

Trung tâm hỗ trợ phát triển Công nghiệp - Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương ủy quyền cho Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (IUH) thực hiện Đề án “Đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường làm việc nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành dệt - nhuộm - may khu vực phía Nam” thuộc Chương trình phát triển CNHT năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017.

Vừa qua, Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương đã phối hợp cùng IUH tổ chức lễ khai giảng chương trình “Đào tạo nhân lực, tư vấn kỹ thuật, cải tiến sản xuất và môi trường làm việc nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành dệt – nhuộm – may khu vực phía Nam” khóa thứ nhất năm 2021.

Lễ Khai mạc có sự tham dự của ông Phạm Xuân Trình – Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng ban chính sách Hiệp hội Dệt May Việt Nam, bà Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, bà Phạm Thị Hồng Phượng – Chủ nhiệm bộ môn Công Nghệ Hoá Học Vật Liệu, Khoa Công Nghệ Hoá Học - IUH, Chủ nhiệm đề án cùng các trưởng phó đơn vị IUH và các doanh nghiệp, các giảng viên trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp và trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội.

Chương trình đào tạo có thời lượng 04 tuần (02 tuần lý thuyết – 02 tuần thực tế)

Chương trình đào tạo có thời lượng 04 tuần (02 tuần lý thuyết – 02 tuần thực tế)

Đây là đề án được Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương tin tưởng giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp dệt may cải thiện những khó khăn về kỹ thuật, quản lý sản xuất, duy trì, cải tiến tăng năng suất/chất lượng, giảm giá thành, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với các chiến lược phát triển của doanh nghiệp và theo định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ các doanh nhiệp vừa và nhỏ của Chính phủ Việt Nam.

Chương trình đào tạo  góp phần hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, cải thiện môi trường ngành dệt nhuộm đang ở mức báo động như hiện nay. Các khóa đào tạo trong khuôn khổ chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dệt may đạt mục tiêu tăng 10% năng suất các hoạt động sản xuất; tăng 30% hiệu quả hoạt động của tài sản, thiết bị, nhà xưởng và tăng 10% doanh số, lợi nhuận…

Đề án do Trường Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì

Đề án do Trường Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì

Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết do tác động của dịch COVID-19, trên thế giới sẽ xuất hiện xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu xu thế đầu tư nước ngoài mới. Vì vậy, việc cải tiến sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng là việc cần thiết nhất trong thời gian này và phải được thực hiện thường xuyên, duy trì liên tục.

Các doanh nghiệp nước ngoài khi lựa chọn nhà cung ứng cũng như đối tác cung cấp sản phẩm phải luôn đảm bảo quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu trong thời gian dài.

PV