Giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương vinh dự có nhiều công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN); Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam (VIFOTEC)... 

Tập trung nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ doanh nghiệp

Xác định đối tượng mục tiêu của toàn bộ hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương chính là doanh nghiệp, do đó, Bộ Công Thương tập trung chuyển hướng nghiên cứu, ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Trên cơ sở đó từng bước thực hiện quá trình tái cơ cấu về nguồn lực, nội dung cũng như phương thức triển khai. Đồng thời, liên tục đổi mới phương thức quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN của ngành, tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích sự tham gia của các tổ chức KH&CN trong và ngoài Bộ, các tổ chức tư vấn, doanh nghiệp KH&CN và đặc biệt là sự tham gia, vào cuộc của các doanh nghiệp của ngành Công Thương với vai trò là nơi tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động KH&CN của ngành Công Thương có sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài Bộ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là các tổ chức KH&CN thuộc Bộ (44%); tỷ lệ các tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp tham gia có xu hướng tăng (chiếm 26%), tiếp theo là khối các viện nghiên cứu ngoài Bộ (chiếm 10%), các trường đào tạo trong và ngoài Bộ (chiếm 6%); các đơn vị thuộc khối chiến lược, chính sách (chiếm 5%).

Đặc biệt, đã huy động được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp ở cả vai trò đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ, cũng như đơn vị ứng dụng các kết quả chuyển giao từ các đơn vị nghiên cứu, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN của Bộ cũng như toàn ngành.

Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ngành Công Thương đã có những bước tiến hết sức quan trọng, không chỉ cơ bản đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản phẩm của Việt Nam hiện đã vươn ra thị trường thế giới.

KH&CN ngành Công Thương
Các viện nghiên cứu đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu KH&CN thông qua các đề tài, nhiệm vụ

 

Tạo lập vị thế trong lĩnh vực KH&CN cho doanh nghiệp Việt

Các đơn vị đã chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước để hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất, chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, tạo cơ hội phát triển của các doanh nghiệp. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất kinh doanh. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm ứng dụng của các doanh nghiệp ngành Công Thương đã tạo lập vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các công trình nghiên cứu của ngành điện đã giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của sản xuất. Doanh nghiệp trong nước đã đủ năng lực sản xuất cung cấp các máy biến áp truyền tải cấp điện áp 220kV, một số máy biến áp cấp điện áp 500kV. Tích hợp, làm chủ công nghệ giám sát điều khiển trạm biến áp và sản xuất nhiều linh phụ kiện cho các công trình lưới điện truyền tải... quản lý vận hành hệ thống điện được hiện đại hóa với các giải pháp lưới điện thông minh. Trong đó, giải pháp “Nghiên cứu tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành trạm phân phối có cấp điện áp đầu ra đến 500kV và tích hợp hệ thống nhị thứ cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” được coi là bước nhảy vọt về năng lực công nghệ, thiết kế, chế tạo trong nước.

Các doanh nghiệp ngành Dầu khí đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công nhiều công trình có hiệu quả kinh tế cao. Công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt; các công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”, dự án đầu tư đóng mới giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia chế tạo giàn khoan tự nâng có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 400ft với điều kiện làm việc khắc nghiệt...

Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đã góp phần thay đổi diện mạo ngành than theo hướng hiện đại: công nghệ thiết bị khai thác than lộ thiên đạt trình độ tiên tiến; nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ở các nhà máy tuyển, mức thu hồi các chủng loại than. Tiêu biểu là các giải pháp: Áp dụng công nghệ sấy than bùn sau lọc ép giảm độ ẩm than bùn <10% và pha trộn thành than cám đạt tiêu chuẩn quốc gia tại Công ty Tuyển than Cửa Ông; hệ thống sàng đa mặt dốc hiệu suất cao tại Trung tâm Chế biến than Hòn Gai; Dự án Nhà máy sàng tuyển than Khe Chàm giúp nâng cao hiệu suất,cải thiện môi trường làm việc...

Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo rất đa dạng bao gồm: Thiết kế mới, thiết kế cải tiến, làm chủ bí quyết thiết kế chế tạo các dây chuyền thiết bị nhập ngoại, nội địa hóa thiết bị, phụ tùng; Phục hồi sửa chữa các thiết bị, phụ tùng máy móc có giá trị kinh tế lớn… Đưa vào vận hành nhiều hệ thống điều khiển DCS và SCADA cho hầu hết các ngành công nghiệp... Chế tạo thành công nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến... xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất đã chú trọng tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật và cách thức sản xuất mới, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm. Công trình “Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm phân lân nung chảy đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu” đã đưa sản phẩm xuất khẩu sang các nước như Australia, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan…

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học hầu hết các nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới như công nghệ sản xuất đường chức năng isomaltolose, enzyme xylanase,… Các đơn vị đã nghiên cứu ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để sản xuất, chế biến thực phẩm như: các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu hoá dược, sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng.

KH&CN ngành Công Thương
Sản phẩm chuyển giao tại Ong Tam Đảo là một trong những nhiệm vụ KH&CN do Bộ Công Thương giao cho Viện Công nghiệp Thực phẩm nghiên cứu triển khai

 

Các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ đã ứng dụng vào việc sản xuất các sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm. Chú trọng nghiên cứu, áp dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Kết quả nghiên cứu các công nghệ chế biến dầu thực vật đã được áp dụng vào sản xuất như dầu mè ép lạnh chất lượng cao, tinh dầu chúc; Nhiều công nghệ đã được chuyển giao như: sản xuất rượu công nghệ mới, sản xuất tinh bột biến tính, xử lý nước thải; Trong lĩnh vực dệt may, nổi bật là các phần mềm thiết kế, tính toán vải dệt thoi, vải dệt kim, vải nổi vòng, ngân hàng màu, tính toán và xử lý số liệu nhân trắc... được ứng dụng tại nhiều cơ sở đem lại hiệu quả cao...

Thông qua triển khai “Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao”, các doanh nghiệp đã có khả năng làm chủ, phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất. Dự án “Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang” đã giúp chủ động nguồn nguyên vật liệu sản xuất cáp quang cung cấp cho thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

“Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 08 ngành, lĩnh vực ưu tiên. Hiệu quả đối với từng mô hình điểm là hết sức rõ nét. Theo kết quả khảo sát, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ rất hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao  hàng... Bên cạnh đó, Dự án đã bước đầu hỗ trợ hình thành mạng lưới chuyên gia, đơn vị tư vấn, hỗ trợ hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp. Thành công từ Dự án đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, hình thành và lan tỏa phong trào năng suất trong toàn ngành. 

Các nghiên cứu trong lĩnh vực chiến lược, chính sách đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoạch định chiến lược, chính sách và quy hoạch phát triển bền vững của ngành Công Thương. Tập trung giải quyết các vấn đề nhằm tái cấu trúc và phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đồng thời cung cấp các giải pháp và chính sách nhằm phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Có thể nói, việc tập trung nghiên cứu theo hướng ứng dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đã mang lại kết quả rõ rệt. Các chương trình, nhiệm vụ do Bộ Công Thương giao cho các đơn vị hầu hết đều có tính ứng dụng cao và có khả năng thương mại hóa đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.