Saigon Co.op “ra tay”

Ngày 27/6/2018, Auchan Retail Việt Nam (Pháp) đã ký kết chuyển giao toàn bộ hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp bán lẻ trong nước sở hữu thương hiệu nước ngoài. Và điều này cũng chứng tỏ vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường vốn được xem là lợi thế của nhà đầu tư ngoại.

Điều đáng nói của thương vụ này là giá bỏ thầu của Saigon Co.op thấp hơn đơn vị bỏ giá cao nhất đến 20%. Ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết, đối tác đánh giá cao về năng lực, kinh nghiệm, uy tín của Saigon Co.op và đặt niềm tin vào nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam khi quyết định chuyển giao toàn bộ hoạt động tại Việt Nam. 

Trước khi thuộc quyền sở hữu của Saigon Co.op, vào đầu tháng 6/2019, Auchan đã đóng cửa 15 trong số 18 siêu thị, kết thúc hành trình 4 năm xây dựng và phát triển tại thị trường Việt Nam. Lý do mà Auchan đưa ra là tình hình kinh doanh không khả quan từ áp lực của các hình thức bán lẻ hiện đại. Cụ thể, hệ thống này thua lỗ kể từ khi bước chân vào Việt Nam và năm 2018, doanh thu Auchan chỉ đạt 45 triệu USD. Vào Việt Nam từ năm 2015, Auchan từng đặt tham vọng rất lớn đối với một trong những thị trường bán lẻ phát triển nhất thế giới này.

Ngay khi có mặt, Auchan đã bắt tay với các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản để hợp tác xây dựng siêu thị tại các chung cư. Nhà bán lẻ này từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại Việt Nam. Thế nhưng, chỉ sau hơn ba năm hoạt động, Auchan đã phải rời Việt Nam.

Sau khi về tay Saigon Co.op, nhà bán lẻ Việt Nam lên kế hoạch “cải tổ” lại chuỗi bán lẻ này của Pháp. Cụ thể, các cửa hàng Auchan tại TP.HCM, Hà Nội và Tây Ninh đã đóng cửa sẽ được chọn lọc để khai trương lại với những thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife. Riêng ba siêu thị Auchan đang hoạt động (hai tại quận 7 và một tại quận 1, TP.HCM) sẽ được Saigon Co.op tiếp tục duy trì cho đến hết tháng 2/2020. Thương hiệu Auchan có được tiếp tục giữ lại hay không sẽ được quyết định sau tháng 2/2020. 

M&A sẽ sôi động

Trước đây, thị trường bán lẻ Việt Nam được mặc định thuộc về các ông lớn nước ngoài như Big C, Metro... Việc thâu tóm chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam như Big C (Pháp) và Metro (Đức), các đại gia Thái Lan tin rằng sẽ làm chủ được thị trường bán lẻ Việt Nam. Thế nhưng, thực tế không phải vậy. Đã qua thời kỳ chỉ các tập đoàn nước ngoài mới đủ tiềm năng thâu tóm doanh nghiệp. Hiện nay, với hai đơn vị trong nước là Saigon Co.op và Vingroup, thị trường bán lẻ đã dần nghiêng về thế cân bằng. 

Mua bán, sáp nhập đã được các doanh nghiệp xem như công cụ phát triển thị trường. Và công cụ này đã được Vingroup chọn làm phương thức để tiến sâu vào lĩnh vực bán lẻ rất tiềm năng. Cụ thể, năm 2014, Vingroup đã lấn sân sang bán lẻ bằng thương vụ mua lại 70% cổ phần của Công ty CP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương - Ocean Retail - doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express với giá 570 tỷ đồng.

Từ hệ thống siêu thị Ocean Mart, Vingroup đã chuyển đổi và phát triển thành chuỗi siêu thị VinMart. Bắt đầu từ đây, Vingroup tiếp tục mua lại các hệ thống siêu thị Vinatexmart, Maximark rồi đến Fivimart. Gần đây nhất, vào đầu tháng 4/2019, Vingroup đã mua lại hệ thống cửa hàng tiện lợi Shop&Go của Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống. Bằng con đường M&A, tính đến tháng 5/2019, thương hiệu bán lẻ nội địa này đã xây dựng được chuỗi 111 siêu thị VinMart và khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+.  

Việc Saigon Co.op thâu tóm nhà bán lẻ ngoại hay Vingroup mua nhiều chuỗi bán lẻ khác đang cho thấy sức mạnh của doanh nghiệp nội địa. Hiện nay, các nhà bán lẻ Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng, đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. 

Tuy nhiên, ông Diệp Dũng cũng thừa nhận hạn chế lớn nhất của Saigon Co.op và các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là tiềm lực tài chính.