Khó khăn của doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

TRỊNH VIỆT TIẾN (Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu trước sự hoành hành của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu những tác động hết sức tiêu cực, nặng nề. Song với tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp đã nỗ lực vươn lên, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động. Bài viết nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra trên khắp thế giới.

Từ khóa: Thách thức, khó khăn, doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Thế giới những tháng đầu năm 2020 đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 xuất hiện và lây lan với tốc độ nhanh chóng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và nền kinh tế toàn cầu, buộc Chính phủ các nước phải đưa ra các quyết định phong tỏa và giãn cách xã hội, đồng thời đóng cửa biên giới, và vận tải hàng không nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hàng hóa  sản xuất ra không tiêu thụ được đã làm tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ du lịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, trong đó có nền kinh tế Việt Nam.

Đình trệ sản xuất và giao thương có tác động rất mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Doanh thu, lợi nhuận suy giảm, trong dài hạn sẽ làm doanh nghiệp lâm vào khó khăn, nghiêm trọng dẫn đến phá sản. Đây chính là thời điểm để đánh giá sức bền của doanh nghiệp nói riêng cũng như cho nền kinh tế nói chung, là bài học kinh nghiệm để doanh nghiệp đo lường sức chịu đựng và tìm ra những hướng đi để tồn tại và phát triển.

Việc hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp vượt qua khó khăn tiếp tục sản xuất kinh doanh, giao thương là rất cần thiết. Một trong những nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp tồn tại đó là tài chính, do vậy bài viết nghiên cứu “Thách thức, khó khăn của doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, từ đó đề xuất các giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn này.

2. Thách thức, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ Covid-19

2.1. Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam thời kỳ Covid-19

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, cộng đồng chung châu Âu liên tục rơi vào tình trạng suy giảm mạnh và nền kinh tế - xã hội Việt Nam những tháng đầu năm 2020 cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Dịch Covid-19 đã và đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm tổng cung - cầu trên thế giới, gia tăng tình trạng thất nghiệp, an sinh xã hội cũng bị ảnh hưởng nặng nề,...

Vốn được coi như huyết mạch của nền kinh tế, lực lượng doanh nghiệp cũng không tránh được tình trạng chung bị ảnh hưởng và chịu tổn thất lớn bởi dịch bệnh. Những doanh nghiệp trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, hàng không, hậu cần du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục,... rơi vào tình trạng “ngủ đông” trong suốt 3 tháng từ tháng 2, 3, 4/2020. Và khi làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại từ tháng 7 đến nay với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đặt doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh “khó lại càng khó”.

Trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với “khó khăn kép” vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử,…

Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê vào cuối tháng 4/2020 cho thấy có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, nhóm doanh nghiệp lớn có tỷ lệ chịu tác động nhiều nhất với 92,8%, thứ hai là nhóm doanh nghiệp vừa với 91,1%, doanh nghiệp nhỏ 89,7%, tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là thấp nhất với 82,1%.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh thu quý I/2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm trước.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là tình trạng thiếu vốn, nhất là vốn lưu động, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp bị thiếu hụt vốn cao nhất. Theo các doanh nghiệp, dòng tiền như là máu trong cơ thể của doanh nghiệp, thiếu vốn thì doanh nghiệp sẽ không thể vận hành trơn tru, nếu tình trạng thiếu vốn còn kéo dài và trầm trọng thì ắt sẽ ảnh hưởng đến sức sống của doanh nghiệp.

Còn theo báo cáo mới nhất của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tính đến ngày 1/4/2020, tại tất cả các lĩnh vực, có khoảng 93,9% các doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, 60,2% doanh nghiệp phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí vận hành của doanh nghiệp; 51,8% doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phải vận hành dưới mức bình thường. Trong đó, 20,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực cho biết doanh thu sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50-80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30-50%; 13,9% sụt giảm từ 10-30%, và chỉ có 2,7% doanh nghiệp bị sụt giảm dưới 10% doanh thu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chi trả nhiều khoản chi phí lớn để vận hành doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19, chi trả lãi vay ngân hàng là 25,0%, chi phí hoạt động thường xuyên là 20,6%, chi phí thuê mặt bằng là 17,9%.

3. Một số đề xuất những giải pháp tài chính có thể hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Giải pháp về nguồn vốn: Hiện nay, vốn nhà nước được phân cấp quản lý như vốn đầu tư giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quản lý; giải ngân sách các Ủy ban tài chính giám sát quá trình thực hiện. Việc tiếp tục cung cấp, giải ngân nguồn vốn để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động là vấn đề cần thiết.

Giải pháp về thuế: Sau tác động của dịch bệnh gây ra dẫn đến tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu, lợi nhuận giảm các khoản thuế doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ, tuy nhiên đây là vấn đề khó khăn, việc chậm trách nhiệm nộp thuế có thể diễn ra. Vì vậy để kích thích sản xuất và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Nhà nước và các cơ quan có thể ghi nhận lượng thuế và có chính sách miễn, giảm trong thời điểm khó khăn này để doanh nghiệp dùng nguồn tài chính hợp lý đó vào tái đầu tư phát triển doanh nghiệp.

Giải pháp về bảo hiểm xã hội: Trách nhiệm trích lập nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp được thể hiện rõ bởi hệ văn bản pháp quy của nhà nước. Tuy nhiên, việc dồn nguồn lực tài chính cho các vấn đề khắc phục khó khăn và duy trì sản xuất và thương mại có thể làm cho doanh nghiệp khó cân đối được khoản trích lập nghĩa vụ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, Nhà nước, cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội là Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có chính sách hợp lý trong giai đoạn hiện nay để doanh nghiệp có thể sử dụng khoản trích lập này sử dụng vào nguồn tài chính hoạt động của doanh nghiệp.

Giải pháp về giãn nợ: Hiện nay, việc sản xuất và lưu thông hàng hóa đang bị tác động mạnh bởi tình hình đình trệ sản xuất do dịch bệnh gây ra, việc tồn đọng lượng hàng hóa đã sản xuất là vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp, hàng hóa sản xuất chưa đưa ra lưu thông, chưa thể thu hồi lại nguồn vốn đầu tư, bên cạnh đó doanh nghiệp vẫn phải chi trả lãi suất vay theo định kỳ. Để chia sẻ và hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách thông qua hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp như: khoanh nợ, giảm lãi suất, miễn lãi suất, tiếp tục cho vay ưu đãi để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất - kinh doanh.

Giải pháp về hỗ trợ trực tiếp người lao động làm việc tại doanh nghiệp: Phần lớn người lao động làm trong các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng trong những tháng đầu năm bởi tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, tuy nhiên mức chi trả cho người lao động của doanh nghiệp ở mức tối thiểu, vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp và đúng đối tượng để người lao động phần nào được vượt qua khó khăn. Với vai trò của mình, Nhà nước cần đảm bảo cho công dân  những điều kiện sinh hoạt để vượt qua khó khăn do đình trệ sản xuất, thương mại bởi dịch bệnh gây ra.

4. Kết luận

Nếu thiếu nguồn lực tài chính, sự vận hành của doanh nghiệp sẽ khó khăn và tác động đến nền kinh tế. Việc tạo nguồn lực tài chính thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chính là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Việc làm này cần sự vào cuộc của cả hệ thống quản lý và sự nỗ lực của doanh nghiệp và người lao động, để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2015). Luật số: 76/2015/QH13: Luật Tổ chức chính phủ, ban hành ngày 19/6/2015.
  2. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
  3. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
  4. Thanh Hoa (2020). Doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19: Chính sách “hỗ trợ” hay “giải cứu”?, Truy cập tại: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/doanh-nghiep-kho-khan-do-dich-covid-19-chinh-sach-ho-tro-hay-giai-cuu-1066871.html

DIFFICULTIES AND FINANCIAL SUPPORTS

FOR VIETNAMESE ENTERPRISES AMID THE ON

GOING COVID-19 PANDEMIC

• Ph.D TRINH VIET TIEN

Faculty of Human Resources

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

Amid global economic challenges arising in the Covid-19 pandemic, Vietnam’s business community also faces many difficulties and suffers significant impacts. However, thanks to the strong spirit of overcoming difficulties and self-reliance, Vietnamese enterprises have strived to maintain their production and business activities and protect jobs for their employees. This article presents the difficulties that Vietnamese enterprises are facing and proposes financial supports for them amid the ongoing Covid-19 pandemic. 

Keywords: Challenges, difficulties, businesses, financial support, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]