Khởi công lắp đặt các trụ monopile đầu tiên của Việt Nam tại dự án điện gió ngoài khơi Bình Đại

Mới đây, Công ty Cổ phần Điện gió Mê Kông (công ty con của Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf, Thái Lan), đã tổ chức lễ khởi công lắp đặt các trụ móng monopile của dự án điện gió ngoài khơi Bình Đại.
dien gio
Lễ khởi công lắp đặt các trụ móng monopile của dự án điện gió ngoài khơi Bình Đại.

Công ty Cổ phần Điện gió Mê Kông (công ty con của Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf - GULF, Thái Lan), vừa tổ chức lễ khởi công lắp đặt các trụ móng monopile của dự án điện gió ngoài khơi Bình Đại, với tổng công suất 30 MW. Đây là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam được áp dụng công nghệ monopile. Dự án Nhà máy điện gió Bình Đại, được đặt tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Công ty Cổ phần Điện gió Mê Kông đã ký Hợp đồng thỏa thuận mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho giai đoạn 1, với công suất lắp đặt 30 MW, được xây dựng từ tháng 11/2019 và dự kiến sẽ vận hành thương mại trong quý 2/2021.

Dự án điện gió Bình Đại có tổng công suất lên tới 310MW ở khu vực 10 và 11 trong khu qui hoạch tổng thể phát triển điện gió của tỉnh. Hiện dự án đã được phê duyệt qui hoạch tổng thể trong qui hoạch điện VII về phát triển ba giai đoạn nhà máy điện gió 30 MW/49 MW/49 MW. 

Trong đó, giai đoạn đầu của dự án (30 MW) với công nghệ tua bin gió của Siemens Gamesa đang được xây dựng và dự kiến sẽ đóng điện vào quí II/2021.

Giai đoạn đầu của dự án Nhà máy điện gió Bình Đại đã lựa chọn tua bin gió hàng đầu thuộc series 5.0 của hãng sản xuất tua bin Siemens Gamesa (Siemens Gamesa Renewable Energy, SGRE) để sản xuất điện năng hiệu quả cùng với công nghệ nền móng hiện đại monopiles, mà theo đó chỉ cần một trụ móng duy nhất cho mỗi tua bin.

Móng monopile phổ biến trên toàn thế giới này được xem như là phương pháp ưu tiên để xây dựng tua bin gió ngoài khơi từ khu vực nước nông đến khu vực có độ sâu trung bình nhờ vào tính hiệu quả cao, dẫn đến thời gian thi công rất ngắn mà công nghệ này mang lại.

Hơn nữa, vì nền móng không cần cầu dẫn hoặc móng bê tông nên giúp giảm thiểu tác động của dự án tới môi trường trên bờ và xung quanh khu vực biển ngoài khơi./.

T. Xuân