Dự án sẽ được triển khai từ 2016-2020 bởi Tổ chức HELVETAS Việt Nam, Viện Dược Liệu và Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn với ngân sách 2 triệu Euro,

Dự án dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của 12 doanh nghiệp dược, 5.000 nông dân/hộ nông dân và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mục tiêu của dự án bao gồm cải thiện sinh kế của các hộ nông dân thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị dược liệu bền vững theo nguyên tắc Thương mại Sinh học, nâng cao kiến thức và kỹ năng trong việc trồng, thu hái và chế biến các nguyên liệu tự nhiên theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Dự án cũng sẽ tham gia đóng góp vào việc hoàn thiện khung chính sách thuận lợi cho sáng kiến Thương mại Sinh học, thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành dược liệu tại Việt Nam.

Ông Alejandro Montalban - Trưởng ban Hợp tác & Phát triển của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ: “Sự kiện này là một dấu mốc quan trọng trong việc quảng bá mô hình Thương mại Sinh học bền vững trong ngành dược liệu tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy mục tiêu của Dự án nhằm đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp các sản phẩm nguyên liệu tự nhiên được quốc tế công nhận trở thành hiện thực.”

Các doanh nghiệp dược được lựa chọn tham gia dự án chiếm 80% tổng thị phần sản phẩm thuốc từ thảo dược trên thị trường Việt Nam, và là các doanh nghiệp cam kết khai thác nguyên liệu theo hướng bền vững và phát triển các chuỗi giá trị tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Sáng kiến Thương mại Sinh học được khởi xướng năm 1996 bởi Tổ chức Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhằm hỗ trợ triển khai các mục tiêu của Công ước về Đa dạng sinh học.

Thương mại sinh học (BioTrade) bao gồm“các hoạt động thu hái, sản xuất và kinh doanh buôn bán hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ đa dạng sinh học tự nhiên, theo các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế”.