Khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 1929

Mặc dù tình trạng hoảng loạn và bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã có dấu hiệu giảm xuống trong phiên giao dịch thứ Sáu nhưng ông Stephen Isaacs cảnh báo tác động của đại dịch virus Covid-19 lên thị trường tài chính là “chưa từng có tiền lệ” trong bối cảnh mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường cùng với tình trạng đầu cơ giá lên đã ở mức cao kỷ lục. Ông Stephen Isaacs cho biết việc hiện tượng bán tháo trên các thị trường tài chính giảm xuống chỉ là nhất thời.

Chỉ số chứng khoán chính của thị trường tài chính Hoa Kỳ là S&P 500, tính đến thời điểm hiện tại, đã giảm khoảng 30% so với mức cao nhất mọi thời đại xác lập vào ngày 19/2/2020. Tuy nhiên, ông Stephen Isaacs cho biết chỉ số S&P 500 có thể giảm thêm 20% nữa để xuống dưới mức 2.000 điểm trước khi thị trường được coi là vào trạng thái “dư bán”.

Đại khủng hoảng năm 1929
  Một người đàn ông bán xe ô tô mới với giá chỉ 100 USD nhằm có tiền mặt sau khi mất toàn bộ tài sản trên thị trường chứng khoán khi cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 nổ ra (Ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)

Thời điểm gần nhất mà thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái giá xuống (bear market) là cuộc Đại khủng hoảng năm 1929. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào ngày 29/10/1929 đã khiến chỉ số S&P 500 giảm 86% trong vòng chưa đầy 3 năm. Đến tận năm 1954, chỉ số S&P 500 mới phục hồi tăng trở lại như trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Ông Stephen Isaacs dự báo “Sự sụp đổ của thị trường có thể xảy ra vào giữa đến cuối tháng 4/2020 trong bối cảnh khu vực Châu Âu tiến hành phong toả chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và từ nay đến lúc đó, sẽ có một số đợt phục hồi tăng giá ngắn. Đây sẽ là tình huống chưa bao giờ xảy ra, tình hình sẽ còn tệ hơn những gì xảy ra hồi năm 2008 và năm 1987 và trở thành cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1929”.

Đối mặt với khủng hoảng kinh tế

Trong ngày 11/3, hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP thực toàn cầu trong năm 2002 xuống chỉ còn 0,7% trong bối cảnh các yếu tố hình thành một cuộc khủng hoảng kinh tế đang dần trở nên hiện hữu. Mức tăng trưởng kinh tế dưới 2,0% được phân loại là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit ông Nariman Behravesh và Giám đốc điều hành bộ phân kinh tế toàn cầu IHS Markit bà Sara Johnson dự báo Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã rơi vào tình trạng suy thoái; trong khi đó, khu vực kinh tế Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ bước vào suy thoái trong quý 2/2020.

IHS Markit đã điều chỉnh giảm dự báo GDP thực của Hoa Kỳ trong năm 2020 sẽ giảm 0,2%, khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) giảm 1,5% và Nhật Bản sẽ giảm 0,8%. Trong khi đó, dự báo GDP thực của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nơi khởi phát của dịch virus Covid-19, sẽ giảm từ 6,1% xuống còn 3,9%. 

Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giảm mạnh
 Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ liên tục sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu (Ảnh: ABC News)

Cũng trong ngày 11/3, ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ chỉ đạt 1,25% trong bối cảnh số ca nhiễm virus Covid-19 mới tăng cao tại Hoa Kỳ và Châu Âu cùng với dữ liệu yếu kém về nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Jan Hatzius nhận định mức tăng trưởng nêu trên cao hơn so với thời điểm các cuộc suy thoái năm 1981-1982 và năm 2008-2009 diễn ra những sẽ thấp hơn so với thời điểm năm 1991 và 2001. Ông Jan Hatzius cũng dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone, Nhật Bản và Anh sẽ giảm xuống trong năm nay.

Tính đến cuối ngày 20/3, đã có hơn 270.000 ca nhiễm với hơn 11.400 ca tử vong vì dịch virus Covid-19 được ghi nhân trên toàn cầu. IHS Markit và Goldman Sachs dự báo số ca mắc bệnh trên toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào quý 3/2020 và nền kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, IHS Markit cho biết diễn biến kinh tế sẽ theo đồ thị hình chữ U thay vì hình chữ V do tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ sụt giảm mạnh và theo sau đó là sự phục hồi diễn ra chậm.  Các dự báo hiện nay cho thấy rủi ro đang tăng cao và diễn biến kinh tế phụ thuộc nhiều vào các chính sách phản ứng của các nền kinh tế, IHS Markit cho biết.

Hiện nay hàng loạt ngân hàng trung ương lớn và các chính phủ trên toàn cầu đã triển khai các gói kích thích kinh tế khổng lồ với kỳ vọng sẽ giảm bớt các bất ổn kinh tế và giúp các doanh nghiệp vượt qua những tác động tiêu cực do đại dịch virus Covid-19 gây ra.