Khuyến công Bắc Ninh: Hiệu quả của mô hình Hợp tác xã mây tre đan xuất khẩu Toàn Phong

Bây giờ tới xã Song Giang - huyện Gia Bình - tỉnh Bắc Ninh, chúng ta gặp không khí lao động rất hăng say và náo nhiệt của những hộ làm nghề mây tre đan truyền thống. Thế nhưng nhiều năm về trước, nghề
Từ khi thành lập đến nay, hàng năm HTX phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển tỉnh, Trung tâm dạy nghề của huyện, … mở các lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu, cụ thể đã mở được 30 lớp, trong đó có 5 lớp dạy nghề cho lao động là người khuyết tật và thương bệnh binh trong huyện (bình quân mỗi lớp trên 30 học viên). Nhờ đó, tay nghề của lao động ngày càng cao hơn, chất lượng sản phẩm ngày càng được khẳng định. Sau khi được đào tạo các học viên được làm việc tại HTX hoặc tự thành lập các tổ sản xuất theo khu vực thôn xóm, các hộ gia đình, mỗi hộ từ 3 đến 10 lao động do một người phụ trách.

Hiện tại HTX đã có một “Ngân hàng mẫu” mây tre đan xuất khẩu với những sản phẩm chủ yếu như: các loại giỏ, lẵng hoa, các loại tăm tre cao cấp... Song song với việc tổ chức sản xuất, HTX tổ chức tìm kiếm thị trường. Bằng nhiễu nỗ lực và cố gắng, HTX Toàn Phong đã có những hợp đồng làm ăn với nhiều đơn vị xuất nhập khẩu trong nước và bên ngoài như Trung Quốc, Đài Loan...

Nắm bắt tình hình kinh tế của địa phương và nhu cầu của thị trường cuối năm 2009, HTX mây tre đan xuất khẩu Toàn Phong đã có một bước tiến mới, đó là mở thêm mặt hàng may gia công. HTX đã đầu tư hàng chục chiếc máy may công nghiệp hiện đại để may các sản phẩm quần áo, túi xách... tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động mới.

Trước năm 2008, HTX chỉ là một tổ sản xuất mây tre đan với 9 lao động, với số vốn ban đầu chưa đến 20 triệu đồng. Đến nay, sau hơn 3 năm chuyển đổi mô hình sản xuất, HTX mây tre đan xuất khẩu Toàn Phong có số vốn hơn 3 tỷ đồng; doanh thu hàng năm đạt 1,2 đến 1,5 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 400 lao động trong và ngoài xã, trong đó có 70 lao động làm việc tại HTX với mức thu nhập bình quân từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/ người/tháng. HTX đã tạo điều kiện cho 25 lao động là người khuyết tật ở 3 xã là Lãng Ngâm, Song Giang và Giang Sơn luôn có việc làm. Ngoài ra, còn phần tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động ở Bắc Giang với việc cung cấp sợi nan cho HTX. Ban chủ nhiệm luôn quan tâm tới đời sống của người lao động, đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng cơ sở sản xuất với diện tích mặt bằng 500 m2, nhà ăn 200 m2 cho công nhân, tạo môi trường làm việc thông thoáng, sạch sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo HTX luôn đi đầu, vận động cộng đồng trong các phong trào nhân đạo, từ thiện, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Tuy nhiên, trong thời buổi bão giá hiện nay, HTX Toàn Phong đang đứng trước nhiều khó khăn, nhất là về đồng vốn, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Thinh - Chủ nhiệp HTX trăn trở: “HTX thành lập có sự nhất trí của các cơ quan chính quyền địa phương với mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống, thế nhưng ngoài hỗ trợ về việc mở các lớp đào tào cho lao động và cho thuê đất xây dựng xưởng sản xuất, chúng tôi không có sự trợ giúp nào thêm, trong khi đó HTX đang rất cần vốn nhất là một nghề đã từng bị bỏ rơi như nghề mây tre đan. Thực sự đồng vốn lúc này đang gặp rất nhiều khó khăn, tôi phải đi vay chỗ nọ bù chỗ kia để có thể duy trì sản xuất, có tiền trả lương cho lao động. Tôi muốn mở rộng HTX, kinh doanh thêm nhiêu mặt hàng mây tre đan mới để có thể tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động hơn nữa, nhưng các ngân hàng không cho vay nhiều, chỉ cho vay cầm chừng. Tôi mong các cấp các ngành chức năng quan tâm hơn nữa, nhất là hỗ trợ giúp về vốn để có thể duy trì và phát triển nghề mây tre đan hơn nữa trong tương lai”.

Với mô hình HTX Toàn Phong khôi phục nghề truyền thống, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành liên quan nên quan tâm, hỗ trợ, không chỉ về tập huấn kỹ thuật mà còn cả về vốn để HTX Toàn Phong nói riêng và các HTX nghề truyền thống mây tre đan nói chung sẽ phát triển một cách hiệu quả và bền vững hơn nữa, để chủ trương: “Phát triển mỗi xã có ít nhất một làng nghề phi nông nghiệp” của tỉnh Bắc Ninh trở thành hiện thực.