Thời gian qua, công tác khuyến công trên địa bàn Đắk Nông đạt được những kết quả nhất định góp phần hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Giai đoạn 2014-2020, địa phương tổ chức triển khai thực hiện được 78 đề án với tổng kinh phí thực hiện là 30,476 tỷ đồng; trong đó: kinh phí khuyến công hỗ trợ là 13,974 tỷ đồng (khuyến công quốc gia hỗ trợ là 6,0 tỷ đồng và khuyến công địa phương hỗ trợ là 7,974 tỷ đồng) và kinh phí từ nguồn vốn tự có của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn là 16,502 tỷ đồng.

Tập trung hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong: Đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; Tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói; Tìm kiếm mở rộng thị trường nhằm khuyến khích các cơ sở CNNT đầu tư sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng hiệu quả nguyên nhiên, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trương, nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; Giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh về lĩnh vực công nghiệp.

Bên cạnh việc hỗ trợ các nội dung nêu trên, trong quá trình xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức khảo sát xây dựng kế hoạch, hướng dẫn đầu tư trong sản xuất kinh doanh cho các cơ sở CNNT.

Bình quân hàng năm, tư vấn hướng dẫn cho khoảng 25 cơ sở CNNT trong quản lý sản xuất - tài chính - nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; hợp lý hoa quy trình sản xuất, chế biến; sử dụng hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,…

Giai đoạn 2014-2020, Đắk Nông tổ chức triển khai thực hiện được 78 đề án với tổng kinh phí thực hiện là 30,476 tỷ đồng

Nhìn chung, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được triển khai chặt chẽ, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và đảm bảo phù hợp các chỉ tiêu, nội dung của chương trình khuyến công. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công của tỉnh Đắk Nông đã từng bước được hoàn thiện. Thông qua hoạt động khuyến công, cộng đồng doanh nghiệp Đắk Nông có sự gắn kết với cơ quan quản lý Nhà nước.

Những mục tiêu của chính sách Khuyến công đã khẳng định được vai trò quan trọng, động viên và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT theo định hướng, kế hoạch phát triến công nghiệp của tỉnh.

Nguồn kính phí khuyến công trung ương và địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội đáng kể, góp phần thúc đẩy chuyến dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. 

Mặt khác, trong điều kiện kinh phí khuyến công hỗ trợ cho cơ sở không nhiều nhưng đã động viên, khích lệ, đồng hành đối với cơ sở, tạo động lực cho cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tận dụng và tiêu thụ hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thì đến nay số cơ sở được thụ hưởng chính sách khuyến công quốc gia cũng như khuyến công địa phương vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế, một số đề án yêu cầu nguồn vốn đầu tư của cơ sở là khá cao, trong khi kinh phí hỗ trợ từ ngân sách còn thấp, do đó chưa thu hút được các cơ sở sản xuất thực hiện các mô hình, đề án này.

Để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác khuyến công trong thời gian tới, ngành Công Thương Đắk Nông tập trung một số nội dung:

Một là, tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công trên cơ sở Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ; bám sát các chương trình, Kế hoạch phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Hai là, tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có giá trị tiềm năng xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ba là, phát huy lợi thế các doanh nghiệp tiềm năng làm nòng cốt để phát triển mở rộng sản xuất, thu hút nhiều lao động; ưu tiên các cơ sở, doanh nghiệp có năng lực sản xuất, phát triển mẫu mã, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đổi mới công nghệ thiết bị, xử lý ô nhiễm môi trường, có lợi thế về thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm.

Bốn là, huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tham gia phát triển sản xuất công nghiệp ở nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đối với lợi ích và việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp thẩm quyền và sự phối hợp chặc chẽ của các Sở, ngành, địa phương, cùng với nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới tiếp tục khẳng định được vai trò của mình. Từ đó, huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế– xã hội của tỉnh Đắk Nông.