Khuyến công Điện Biên: Điểm sáng trong phát triển công nghiệp nông thôn

Những năm gần đây, thực hiện các chương trình khuyến công quốc gia, tăng trưởng kinh tế tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khôi phục

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, ở Điện Biên, công tác khuyến công được xác định là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển công nghiệp nông thôn. Từ khi thực hiện Quyết định 136/2007/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012, khuyến công Điện Biên được đẩy mạnh, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt vùng nông thôn miền núi.

Cụ thể, trong năm 2015, Trung tâm Khuyến công của tỉnh đã thực hiện thành công 2 đề án với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia như: Đề án hỗ trợ cụm máy móc trong sản xuất miến dong tại xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) và Đề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến cà phê bột tại Công ty TNHH cà phê Đại Bách (xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng), với tổng kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng.

Sản xuất tôn xốp, tôn lạnh cũng là một trong những đề án trọng điểm của khuyến công tỉnh

Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục Công nghiệp địa phương hỗ trợ Công ty TNHH Hoàng Ánh (xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa) thực hiện đề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạch không nung. Hệ thống thiết bị có tổng giá trị 1,59 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 234 triệu đồng giúp doanh nghiệp đầu tư thiết bị DMC line 4 trong dây chuyền sản xuất.

Trước đó năm 2004, Trung tâm đã hỗ trợ Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang II (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) mang sản phẩm đi tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh giúp tìm kiếm thêm đơn hàng, thị trường tiêu thụ...

“Để thực hiện thành công các dự án có nguồn hỗ trợ từ khuyến công quốc gia, từ năm 2010 trở lại đây, Trung tâm Khuyến công tỉnh thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn (chủ yếu là tại chỗ) nhằm trang bị cho người lao động kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để thực hiện một hoặc một số bước trong nghề hay tạo ra một mẫu sản phẩm nhất định cho lao động mới, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, các đối tượng thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ, các đề án được triển khai đều đạt hiệu quả cao giúp cơ sở tăng năng suất lao động, tăng doanh thu. Đặc biệt, các đề án đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, nhất là với lao động là người dân tộc thiểu số như hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang II, sản xuất gạch lát nền, lát vỉa hè không nung của Công ty TNHH số 32...

Sản xuất gạch không nung mô hình kinh tế công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Điện Biên

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bảy, công tác khuyến công của tỉnh còn gặp  nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Hơn nữa, các cơ sở công nghiệp nông thôn nằm rải rác ở các huyện và nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính hạn chế nên khó chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào sản xuất...

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 5.042 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Bảy khẳng định, trong giai đoạn 2016 -2020, Trung tâm sẽ tập trung giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng làm nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong lính vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; tập trung xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho các chương trình, dự án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm thuộc chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Ưu tiên hỗ trợ cho chương trình triển khai tại các huyện nghèo, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới…

Trong đó, một số ngành sẽ được đặc biệt ưu tiên hỗ trợ như: công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu, sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ...