Khuyến công Gia Lai hỗ trợ kỹ thuật chế biến hồ tiêu

Những năm gần đây, hoạt động khuyến công Gia Lai đã thực sự trở thành "bà đỡ" cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ đã được k

Thực hiện đề án Khuyến công Quốc gia, Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến Thương mại thuộc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã khảo sát nhu cầu và đầu tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu tại Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Đây là mô hình thí điểm để tính toán hiệu quả kinh tế xã hội, tiến tới giới thiệu và nhân rộng ra toàn tỉnh Gia Lai nhằm phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản và góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh và đã đạt được yêu cầu của đề án đề ra.

Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hồ tiêu với tổng chi phí đầu tư 6.759 triệu đồng đã được tiến hành; trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 350 triệu đồng. Thiết bị được thiết kế hài hòa, mang kiểu dáng công nghiệp, dễ sử dụng, bảo quản và sửa chữa, đảm bảo đúng các quy định về an toàn cho người sử dụng và thiết bị. Máy chạy êm, có chế độ làm việc ổn định, độ bền cao, làm sạch và bóng hạt tiêu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thiết bị cho năng suất cao, bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một góc nhà máy chế biến hồ tiêu có công suất đạt 10.000 tấn/năm

Dự án đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến hồ tiêu với quy trình công nghệ: Nguyên liệu - Sàng tạp chất - Sàng đá sạn - Phân loại (bằng khí động học và xoắn ốc) - Máy rửa hơi nước - Máy sấy hạt - Phân loại (bằng khí động học và xoắn ốc) - Tank chứa - Cân định lượng tự động - Đóng gói - Thành phẩm; Công suất: 2,4 đến 30 T/ca; Tiêu chuẩn đạt được: TCVN. Dự án phù hợp với chương trình mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn của Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.

Thành phần sử dụng trong mô hình chế biến hồ tiêu gồm: tiêu đen 500 gram/lít; tiêu đen có dung trọng từ 520-590 gram/lít; tiêu trắng dung trọng 630 gram/lít áp dụng trên dây chuyền có công suất chế biến từ 3.500-5.000 tấn/năm. Tiêu đổ vào khoang máy trải qua 5 bước hút bụi, sàng phân loại, đánh bóng, chiếu tia cực tím vô trùng. Sau đó, tiêu sẽ đi qua khoang kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu. Kết thúc quy trình, hạt tiêu thành phẩm cho chất lượng cao với hạt chắc, đều hạt và thơm hơn. Tiêu thành phẩm có độ ẩm 12,6/100 gram (độ ẩm tiêu chuẩn không vượt quá 13,5%), đạt yêu cầu xuất khẩu về độ ẩm. Sản phẩm sau khi chế biến đạt chất lượng, tỷ lệ hư hỏng thấp, chất lượng sản phẩm sau khi thu hoạch được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cho xuất khẩu.

Ông Phạm Trung Thành, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ, phấn khởi cho biết: Khi chưa có nhà máy, năng suất sản xuất và chế biến của Công ty chỉ đạt gần 1.000 tấn/năm do chưa có sự đồng bộ giữa mua và bán. Từ khi được hỗ trợ trang thiết bị máy móc và dây chuyền sản xuất, công suất của nhà máy ước đạt 5.000 tấn/năm”. Ông Thành cho biết thêm, để dây chuyền nhà máy đi vào hoạt động đủ công suất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ và các nước châu Âu, chúng tôi sử dụng dây chuyền hiện đại do Công ty Chế tạo máy Sinco sản xuất với công nghệ đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn tiêu thành phẩm ASTA.

Hiệu quả kinh tế của dây chuyền chế biến hồ tiêu công suất cao được các chuyên gia trong ngành nhận định: Sẽ tạo ra doanh thu bình quân cho doanh nghiệp là 250 tỷ đồng/năm; tạo ra một khoản giá trị gia tăng và giá trị lượng hàng hóa cho tỉnh hàng năm là 3.500 tấn tiêu/năm. Từ đó đóng góp một khoản thuế đáng kể cho nguồn thu địa phương; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 60 lao động địa phương.

Qua mô hình này giúp nông dân nhận thức được lợi ích và chuyển sang chế biến theo công nghệ tiên tiến, từ đó sẽ mạnh dạn trong việc đầu tư trang thiết bị, đổi mới ứng dụng tiến bộ công nghệ nhằm đem lại hiệu quả tối ưu trong việc phát triển bền vững cho cây nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Gia Lai.

Ông Trần Đắc Lực, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Chư Prông chia sẻ: “Hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương không những giúp kinh tế huyện nhà đi lên mà còn tạo sự hăng say gia tăng sản xuất cho bà con nông dân. Bởi, bà con đã có nơi an tâm thu mua với giá cả ổn định, sẽ không còn tình trạng để hàng trôi nổi, thương lái ép giá”.


Minh Anh - Hoàng dương